Xe đạp đô thị ở Hà Nội chậm 6 tháng vì 'không phải muốn nhanh là được'

05/07/2023 19:53 GMT+7

Theo ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam, quy trình vận hành của xe đạp điện khác với xe đạp cơ, nên khi tối ưu các tiêu chí phải trải qua quá trình nghiên cứu lâu dài.

Vì sao dự án chậm tiến độ 6 tháng?

Theo dự kiến, ngày 20.1.2023, tại 6 quận của Hà Nội sẽ thí điểm dịch vụ cho thuê xe đạp đô thị. Tại đề xuất trước đó, Công ty CP Tập đoàn Trí Nam (đơn vị thực hiện và xây dựng đề án xe đạp đô thị công cộng ở Hà Nội) sẽ triển khai giai đoạn 1 trong năm nay với 1.000 xe (50% là xe đạp điện) và 94 vị trí đặt xe. Tổng vốn đầu tư dịch vụ này khoảng 30 tỉ đồng, bằng nguồn vốn xã hội hóa. Doanh nghiệp này cũng xin miễn phí vỉa hè và phí dịch vụ trong 12 tháng.

'Xe đạp đô thị' ở Hà Nội chậm 6 tháng: 'Không phải muốn nhanh là được' - Ảnh 1.

Hệ thống xe đạp công cộng chính thức thí điểm tại khu vực trung tâm TP.HCM

H.MAI

Tuy nhiên, đến nay đã đầu tháng 7, dự án này vẫn chưa được vận hành. Chia sẻ với báo chí về việc dự án chậm tiến độ, ông Đỗ Bá Dân cho biết, so với các tỉnh, thành khác, dự án ở Hà Nội triển khai thêm mô hình xe đạp điện. Đây là mô hình khác hoàn toàn so với các địa phương khác nên phải tìm ra nhiều phương án tối ưu về cách vận hành, thiết kế và sử dụng năng lượng pin.

"Để có một chiếc xe đạp điện phù hợp, thiết kế hoạt động ở môi trường của Việt Nam thì chúng tôi phải nghiên cứu rất nhiều. Đến nay, chúng tôi đã 4 lần chuyển những chiếc xe đạp điện về vận hành thử", ông Dân nói, và cho hay, những chiếc xe đạp điện phải chịu được sự khắc nghiệt của mưa, nắng, đáp ứng nhiều yếu tố về cơ khí như không bị gỉ sét, lốp không bị thủng săm, các phụ kiện không bị mở bởi những dụng cụ như cờ lê, tuốc nơ vít...

Theo ông Dân, quy trình vận hành của xe đạp điện khác với xe đạp thường, nên đơn vị phải tối ưu các tiêu chí. Để tối ưu các tiêu chí phải trải qua quá trình nghiên cứu lâu dài.

'Xe đạp đô thị' ở Hà Nội chậm 6 tháng: 'Không phải muốn nhanh là được' - Ảnh 2.

Chiếc xe đạp điện sắp được đưa vào vận hành

Đ.H

"Tôi biết chúng ta rất mong muốn có những phương tiện công cộng để đi sớm nhưng để đáp ứng được tiến độ mà đánh đổi bằng việc các phương tiện chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, đến lúc xảy ra hậu quả thì dự án sẽ không thành công. Khi sử dụng dịch vụ, người dân có thể phản ứng không tốt thì lúc đó có thay đổi bằng những phương tiện mới cũng không lấy lại được lòng tin", ông Dân nhấn mạnh.

Cuối tháng 8 sẽ đi vào hoạt động

Ông Đỗ Bá Dân thông tin, xe đạp điện chuẩn bị được nhập về từ ngày 20.7 đáp ứng điều kiện để vận hành. Ngoài tiêu chí về cơ khí, chiếc xe đạp điện này cũng đáp ứng yếu tố về thời trang.

'Xe đạp đô thị' ở Hà Nội chậm 6 tháng: 'Không phải muốn nhanh là được' - Ảnh 3.

Một trạm xe đạp công cộng trên phố Đào Tấn (Q.Ba Đình, Hà Nội)

Đ.H

"Chúng tôi dự kiến nhập 100 chiếc xe đạp điện để sử dụng cùng với 500 chiếc xe đạp cơ, sau quá trình đánh giá, chúng tôi sẽ nhập tiếp khoảng 400 xe đạp điện", ông Dân nói. Dự kiến, cuối tháng 8 dự án sẽ vận hành.

Đến nay đơn vị thực hiện dự án đã thi công xong 16 trạm xe đạp công cộng, còn lại 63 trạm đang hoàn thành. Dự kiến khoảng đầu tháng 8, 79 trạm sẽ hoàn thành.

Được biết, giá thuê xe đạp điện là 10.000 đồng/30 phút, giá thuê xe đạp cơ là 5.000 đồng/30 phút. Người thuê xe cả ngày sẽ trả 60.000 đồng với xe đạp và 120.000 đồng với xe đạp điện. Hệ thống cũng có vé theo tháng, quý và năm; thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.

Trước đó, UBND TP.Hà Nội đã chấp thuận đề án xe đạp đô thị của Sở GTVT Hà Nội theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến thực hiện ngay trong năm 2022, đơn vị thực hiện dự án sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó 500 xe đạp cơ và 500 xe đạp điện, triển khai tại 85 điểm trên địa bàn 6 quận, gồm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Tây Hồ với khoảng 85 điểm bố trí xe, mỗi điểm từ 10 - 15 chiếc.

Giai đoạn 2 dự kiến thực hiện từ năm 2023 - 2024, mở rộng vùng phục vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm. Doanh nghiệp dự án sẽ đầu tư thêm 3.000 xe tại 350 điểm để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Các điểm bố trí xe được ưu tiên kết nối với các phương tiện vận tải khách công cộng khác như xe buýt, metro hay những điểm tập trung đông người như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại…

Đơn vị vận hành cho biết, để sử dụng xe đạp, người dân chỉ cần tải app và quét mã QR Code và không phải đặt cọc. Sau vài tháng triển khai tại TP.HCM, đơn vị vận hành nhận thấy đa số người dân rất ý thức và kỳ vọng những tín hiệu lạc quan cho việc phát triển mô hình này tại nhiều địa phương khác.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.