Xe sinh viên hỏng do KTX ngập nước: 'Kiện tụng làm tình cảm mất mát nhiều'

'Nếu sinh viên đi kiện thì chúng tôi sẽ đi hầu. Nhưng mong sinh viên đừng xét nét chuyện kinh tế, cho rằng hỗ trợ quá ít rồi kiện... Nếu có kiện tụng sẽ làm tình cảm mất mát rất nhiều', Giám đốc Ký túc xá ĐHQG TP.HCM nói.

Khoảng 850 xe máy của sinh viên gởi ở tầng hầm ký túc xá ĐHQG TP.HCM bị chìm trong nước sau cơn mưa to ngày 26 và 27.9, dẫn đến hư hỏng nặng; tuy nhiên, ban quản lý ký túc xá chỉ hỗ trợ mỗi xe 60.000 đồng. Nhiều sinh viên cho rằng mức hỗ trợ quá ít, không thể làm được gì so với số tiền hàng triệu hoặc chục triệu mà họ bỏ ra để sửa xe. 
“Chúng tôi đã cố gắng hết sức”
Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề sinh viên cho rằng mức hỗ trợ quá thấp, ông Trần Thanh An, Giám đốc Ký túc xá ĐHQG TP.HCM, mong sinh viên thông cảm: “Chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ 60.000 đồng mỗi xe, tương đương với giá bình nhớt để sinh viên mua thay. Ngoài ra, tháng 10 đến sẽ giữ xe miễn phí cho các bạn (giá giữ xe 50.000 đồng/tháng). Còn hiện tại, chúng tôi cũng hỗ trợ sửa xe miễn phí suốt hai ngày qua”, ông An cho biết.
“Chúng tôi đã cố gắng hết sức rồi. Chúng tôi đã tính toán rất nhiều để đưa ra số tiền hỗ trợ đó. Hiện chúng tôi còn phải chuẩn bị khoảng 4 tỉ đồng để vệ sinh, lo sửa chữa hệ thống, thiết bị thay thế đã bị hư hỏng trong hai trận mưa khủng khiếp đó”.
Trước việc nhiều sinh viên cho rằng mức hỗ trợ không thỏa đáng, mong mức hỗ trợ ở mức hợp lý hơn. Ông An nói: “Nếu sinh viên cảm thấy không vừa lòng thì hãy viết thư về trường, để trường trao đổi lại. Chứ chúng tôi đã làm việc hết lòng, không phải vô cảm, không phải thiếu trách nhiệm”.
Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu khi xây dựng ký túc xá, quy hoạch có tầm nhìn hơn thì đã không xảy ra việc hàng trăm xe máy bị kẹt lại rồi “chết chìm” trong tầng hầm. Về điều này, ông An phân trần: “Lúc này không thể phân trần cho ai được cả. Trước đó đã có nhiều trận mưa lớn, 16 máy bơm của ký túc xá bơm liên tục nên chẳng để lại hậu quả nặng nề nào".

[CLIP] Sinh viên nói về mức hỗ trợ 60.000 đồng để sửa xe của KTX ĐHQG - Thực hiện: Kỳ Hoa
Không thể đổ lỗi, gọi mưa là sự kiện bất khả kháng, vì nếu sự kiện bất khả kháng thì con người không có khả năng điều chỉnh diễn biến. Nhưng ở đây, do kiến trúc xây không đảm bảo, không đúng quy trình dẫn đến sự cố, chứ vấn đề ngập không mang tính phổ quát (có nơi ngập hầm, có nơi không) nên không thể xem là sự kiện bất khả kháng (trừ khi ban quản lý KTX chứng minh được đó là sự kiện bất khả kháng).
Luật sư Bùi Quốc Tuấn
"Thế nhưng sự cố ngày hôm đó (26.9) diễn ra quá nhanh nên đành bất lực. Khi thiết kế đã tính toán kỹ lượng nước vào hầm và công suất bơm ra là gấp đôi. Tuy nhiên vào những ngày mưa khủng khiếp kia, nước vô gấp 8 lần thì không thể bơm ra kịp. Chưa kể vùng đất này khá trũng”.
Với nhiều phản ánh rằng, vào ngày 26.9, khi phát hiện mưa lớn, nhiều sinh viên đã chạy đến nơi gởi xe, có mang theo đầy đủ giấy tờ xe để xin bảo vệ đưa xe ra nhưng bảo vệ không cho lấy.
Ông An giải thích: “Chúng tôi đề cao tính mạng con người hơn tài sản. Tôi đã rất lo sợ có thiệt hại về con người. Thử hỏi hàng trăm sinh viên ùa vào đòi lấy xe, trong khi mực nước đã ngập tới 40, 50 cm thì làm sao dám cho lấy xe ra. Sẽ rất lộn xộn và đặc biệt là sợ sự cố về điện giật. Ngay cả chúng tôi khi cúp điện tòa nhà cũng phải chạy ra ngoài đường để cúp điện”.
“Ký túc xá đã có nghĩ đến những phương án dài lâu hay chưa? Hay nếu trong thời gian tới tiếp tục có mưa lớn, xe sinh viên bị ngập tiếp thì tiếp tục đối phó và hỗ trợ 60.000 đồng cho sinh viên?”, chúng tôi hỏi. Ông An trả lời: “Chúng tôi đang nghĩ đến nhiều phương án lâu dài. Tuy nhiên thời gian trước mắt, chúng tôi đã kè đê chắn bằng bao cát để chắn nước vào”.
Có nhiều ý kiến của sinh viên cho rằng vì ký túc xá không đảm bảo tài sản của họ nên họ có quyền khởi kiện. Ông An cho biết: “Quyền kiện là của sinh viên. Nếu sinh viên đi kiện thì chúng tôi cũng sẽ đi hầu thôi. Nhưng mong là sinh viên đừng có xét nét về chuyện kinh tế, cho rằng hỗ trợ quá ít rồi đi kiện tụng, đừng quá đòi hỏi sòng phẳng như thế, không nên tí nào".
"Sinh viên cần hiểu là ký túc xá đã chăm lo rất nhiều cho đời sống của họ, cho dù chăm lo chưa ưu việt. Sắp tới chúng tôi lại phải lo vệ sinh, phòng dịch… phục vụ cho sinh viên. Nếu có việc kiện tụng xảy ra, chắc chắn sẽ làm tình cảm mất mát rất nhiều”, ông An nói thêm.
Cần giải quyết hợp lý, hợp tình
Luật sư Phạm Tấn Thuấn, Văn phòng Luật sư Quốc Tuấn, thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng cần có cách giải quyết thảo đáng, hợp lý hợp tình. Ban quản lý ký túc xá và sinh viên nên thỏa thuận và yêu cầu bên thứ 3 (cơ sở sửa chữa xe máy uy tín) đến xác định thiệt hại và báo giá, sau đó xác định mức chi phí, từ đó ban quản lý ký túc xá có mức hỗ trợ cho sinh viên hợp lý hơn.
Trong trường hợp này, cách hành xử của Ban quản lý ký túc xá ĐHQG đổ lỗi tất cả cho trời mưa, thiên tai là không ổn. Theo đó, ban quản lý cần có biện pháp bảo quản tài sản và xử lý hậu quả xảy ra, do vấn đề quản lý, điều hành và vận hành tòa nhà thuộc thẩm quyền của họ. Xảy ra lỗi, trước hết trách nhiệm thuộc về đơn vị chủ quản.
Nếu các bạn sinh viên muốn đòi quyền lợi, cần chứng minh nguyên nhân tài sản bị thiệt hại là do ngập nước, hư hỏng bao nhiêu và có xác nhận từ phía ký túc xá (bằng văn bản tại chỗ chẳng hạn), hoặc giám định bên thứ 3, thì từ đó mới có thể yêu cầu bồi thường cho thỏa đáng. 
Khoảng 850 xe máy của sinh viên bị hư hỏng do bị ngập nước trong hầm gởi xe của KTX ĐHQG Ảnh: Kỳ Hoa
Sinh viên cần hiểu là ký túc xá đã chăm lo rất nhiều cho đời sống của họ, cho dù chăm lo chưa ưu việt. Sắp tới chúng tôi lại phải lo vệ sinh, phòng dịch… phục vụ cho sinh viên. Nếu có việc kiện tụng xảy ra, chắc chắn tình cảm sẽ mất mát rất nhiều
Ông Trần Thanh An 
Giám đốc Ký túc xá ĐHQG TP.HCM
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, mối quan hệ trong vụ việc giữa Ban quản lý ký túc xá ĐHQG và sinh viên là quan hệ gởi - giữ tài sản, từ đây phát sinh tranh chấp là do phía ban quản lý KTX (chủ sở hữu, quản lý tòa nhà) không làm tròn trách nhiệm.
Không thể đổ lỗi, gọi mưa là sự kiện bất khả kháng, vì nếu sự kiện bất khả kháng thì con người không có khả năng điều chỉnh diễn biến. Nhưng ở đây, do kiến trúc xây không đảm bảo, không đúng quy trình dẫn đến sự cố, chứ vấn đề ngập không mang tính phổ quát (có nơi ngập hầm, có nơi không) nên không thể xem là sự kiện bất khả kháng (trừ khi ban quản lý KTX chứng minh được đó là sự kiện bất khả kháng).
Các em sinh viên nên nhờ hãng xe đến giám định thiệt hại và có văn bản thông báo chi phí sửa chữa, từ đó đề nghị ban quản lý ĐHQG hỗ trợ theo thỏa thuận, hoặc từ cơ sở đó khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thỏa đáng.
Theo điều 166 Bộ Luật dân sự 2005 quy định: Chủ sở hữu phải chịu rủi ro khi tài sản bị tiêu hủy hoặc bị hư hỏng do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Khoản 1, Điều 161 quy định sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Khoản 2, Điều 302 Bộ Luật dân sự nêu, trong trường hợp bên có nghĩa vụ (nhận giữ xe) không thể thực hiện nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Khoản 2, Điều 561 về quyền của bên gửi giữ tài sản quy định: Yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên giữ làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.