Hồi tháng 1.2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố gói viện trợ 31 xe tăng M1 Abrams là bằng chứng cho cam kết lâu dài và không ngừng nghỉ của Mỹ đối với Ukraine, đồng thời nhấn mạnh đây là loại xe tăng mạnh nhất trên thế giới. Nhưng trên thực địa, Abrams dường như dễ bị đánh bại trước một loạt vũ khí của Nga. Tính đến nay, ít nhất 8 chiếc xe tăng Abrams đã bị Nga phá hủy trên chiến trường, theo Bussiness Insider ngày 30.5.
Theo CNN hôm 29.5, đội lính tăng Ukraine từng được huấn luyện ở Đức cho biết xe tăng chủ lực Abrams trị giá 10 triệu USD mà Mỹ cung cấp thiếu áo giáp có thể ngăn chặn vũ khí hiện đại. Một quân nhân biệt hiệu là Joker cho biết điều này đặc biệt nghiêm trọng vì xe tăng là "mục tiêu số một" khi chúng xuất hiện trên tiền tuyến. "Không có lớp phòng thủ, binh sĩ lái tăng không thể sống sót trên chiến trường", binh sĩ có biệt danh Dnipro nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, lính Ukraine còn cho biết những chiếc xe này có một số vấn đề kỹ thuật, bao gồm cả khả năng dễ bị tổn thương của các linh kiện điện tử do ngưng tụ hơi nước, theo tạp chí Military Watch.
Tổng thống Biden 'âm thầm' cho phép Ukraine tấn công tầm xa vào Nga
Không tương thích với tiền tuyến Ukraine
Xe tăng Abrams được chế tạo theo phong cách chiến tranh của NATO, trong đó không quân và pháo binh phát huy sức mạnh trên chiến trường để mở đường trước cho xe tăng và bộ binh tiến lên sau, nhưng Ukraine không có lợi thế ở cả 2 khía cạnh này. "Chúng tôi không có máy bay và pháo binh. Chúng tôi chỉ có xe tăng. Đó chính là vấn đề", ông Joker nhấn mạnh.
Quân nhân Ukraine nhấn mạnh rằng lợi thế to lớn của Nga về sức mạnh không quân và pháo binh có nghĩa là xe tăng Abrams không thể tiến tới các khu vực quang đãng, khiến chúng ngày càng dễ bị tổn thương. Tất cả 31 chiếc Abrams được triển khai tới Ukraine đều đang có mặt gần tiền tuyến ở phía đông, theo các quan chức của Lữ đoàn cơ giới số 47 của Ukraine.
Đạn pháo cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Loại đạn dược binh sĩ Ukraine sử dụng không phù hợp với cuộc chiến mà nước này đang tham gia. "Những gì chúng tôi có hiện nay phù hợp cho những trận chiến trực tiếp giữa xe tăng với xe tăng, nhưng nó lại rất hiếm khi xảy ra ở đây. Chúng tôi thường xuyên đóng vai trò như pháo binh. Chúng tôi từng bắn 17 phát đạn vào một ngôi nhà mà nó vẫn đứng vững", ông Joker nói.
Bên cạnh đó, các xe tăng này gặp thách thức do chiến thuật tác chiến hiện đại của Nga. Tiền tuyến Ukraine bị chi phối phần lớn bởi các máy bay không người lái (UAV) tấn công tự sát, những thiết bị nhỏ nhưng có khả năng tấn công chính xác nhắm vào bộ binh và gây thiệt hại đáng kể cho xe tăng.
Vì sao phương Tây chia rẽ về khả năng tấn công Nga?
Hồi tháng 4, quân đội Ukraine đã rút xe tăng Abrams khỏi các vị trí tiền tuyến sau khi gánh chịu tổn thất nặng nề từ máy bay không người lái tấn công của Nga. Lữ đoàn cơ giới 47 nói rằng một số chiếc vẫn hoạt động trên chiến trường cho dù chúng có những thiếu sót. Đô đốc Christopher Grady, Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tuyên bố vào thời điểm đó rằng các xe tăng "đã được di chuyển khỏi tiền tuyến và Mỹ sẽ làm việc với Ukraine để thiết lập lại chiến thuật".
Hiệu quả hoạt động giảm của loại thiết giáp này ảnh hưởng đến tinh thần binh sĩ Ukraine khi liên tục mất đi những phương tiện mà Kyiv chờ đợi viện trợ trong thời gian dài, theo Military Watch. Trả lời CNN, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine nói rằng: "Ukraine hiện đang thử nghiệm và cải tiến các thiết bị mà ban đầu không được chuẩn bị cho cuộc chiến của Kyiv. Chúng tôi đang yêu cầu tất cả các nước hỗ trợ trang bị ở mọi cấp độ năng lực kỹ thuật. Chúng tôi sử dụng tất cả những thứ đó một cách phù hợp".
Bình luận (0)