Xem các vị vua nhà Nguyễn thưởng phạt qua Châu bản

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
12/01/2023 07:19 GMT+7

Trong triển lãm Thưởng phạt: Chuyện xưa chưa cũ, có nhiều câu chuyện về sự công minh chốn quan trường, hoặc nghi lễ của triều đại nhà Nguyễn.

Lệ nghỉ tết, thưởng tết

Khai mạc sáng 11.1, triển lãm Thưởng phạt: Chuyện xưa chưa cũ do Trung tâm lưu trữ quốc gia I (Hà Nội) thực hiện trưng bày 80 văn bản cho thấy những quy tắc thưởng phạt dưới thời Nguyễn. Trong số này có nhiều câu chuyện thú vị. “Triển lãm giới thiệu đến đông đảo công chúng 80 văn bản đặc sắc được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn về chủ đề thưởng - phạt dưới triều Nguyễn (1802 - 1945). Đây là những văn bản lần đầu tiên được công bố, giới thiệu rộng rãi đến công chúng”, bà Nguyễn Thu Hoài, Phó giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia I, cho biết.

Tiền Thành Thái Thông Bảo có khắc thơ dùng để thưởng

Nguyễn Đình Chiến

Theo tư liệu triển lãm, lệ nghỉ Tết Nguyên đán được vua Tự Đức phê duyệt từ năm 1874. Điều này còn lưu lại bằng bút phê của nhà vua trên bản Tấu của Bộ Công. Theo đó, mọi người nghỉ từ 28 tháng chạp đến mùng 8 tháng giêng mới làm việc, để binh lính thợ thuyền đều được nghỉ ngơi. Nhà vua cũng cho ngoại lệ, nếu có công việc khẩn cấp không thể hoãn thì xin riêng, vẫn cho làm việc.

Về việc thưởng, một tư liệu khác cho thấy mỗi năm, nhà vua đều có quà thưởng cho quan lại. Thông thường đó là khăn đóng áo dài hoặc vải vóc. Những món quà dịp tết này được trao bằng nghi thức long trọng. Đó là đi trước có một người thừa hành lệnh và theo sau có người mang lọng che. Chiếc lọng ở đây không phải để che nắng mưa cho món quà mà để tăng phần uy nghi cho vật phẩm triều đình này. Bản thân vật phẩm quà tặng có khi chỉ là một trái lê.

Một văn bản khác của Bộ Hộ dưới triều Minh Mạng vào năm 1826 cũng cho biết đầy đủ về việc ban thưởng cho quan lại nhân Tết Nguyên đán. Văn bản có đoạn: “Tết Nguyên đán sắp tới, trẫm sẽ ăn tết cùng các khanh. Ngày hôm đó, truyền ban yến tiệc một bữa và tùy theo thứ bậc mà ban thưởng bạc. Hoàng tử và chư công, mỗi người thưởng 20 lạng; quan văn, quan võ hàm chánh nhất phẩm, mỗi người 12 lạng; tòng nhất phẩm 10 lạng; tòng tam phẩm 4 lạng; chánh tứ phẩm 3 lạng. Thị nội, đội trưởng, suất đội, cai đội… đều được thưởng mỗi người 1 lạng và đều cho dự tiệc”.

Cố GS Đỗ Văn Ninh (Viện Khảo cổ học) sinh thời cho rằng vua Minh Mạng chính là người cho đúc những đồng tiền thưởng có ảnh hưởng tới việc đúc tiền của các vua Nguyễn sau đó.

Bản tấu của Bộ Binh lên vua Tự Đức về việc khen thưởng cho quân sĩ đánh phỉ thắng lợi

chụp màn hình

Thưởng phạt nghiêm minh

Trong triển lãm, có thể thấy quan điểm thưởng phạt rõ ràng của các vua triều Nguyễn. Trong số này, “tuyên ngôn” thưởng phạt của vua Minh Mạng được đưa ra trưng bày. Ông cho rằng: “Phân biệt khen thưởng, để tỏ rõ tấm lòng của trẫm luôn nghĩ đến các quan binh phụng sự cần lao”.

Theo bà Nguyễn Thu Hoài: “Có thể thấy các hoàng đế đều thể hiện rõ tư tưởng về việc thưởng - phạt nhằm mục đích: thưởng để khuyến khích - phạt để răn đe. Từ đó “người có công phấn khởi mà người có tội biết răn chừa” như lời hoàng đế Minh Mạng. Bên cạnh đó, việc thưởng phạt hợp lý cũng thể hiện đất nước có công bằng, có kỷ cương.

Tiền đúc để thưởng dưới triều vua Minh Mạng

T.L

Cũng theo bà Hoài, Châu bản triều Nguyễn cho thấy việc ra quyết định khen thưởng hay xử phạt của triều đình dựa vào kết quả thực thi nhiệm vụ. Đối với quan lại, triều đình thực hiện khảo khóa. Kết quả khảo khóa được chia các hạng ưu, bình, thứ, liệt. Trên cơ sở này, triều đình quyết định việc thăng, giáng, lưu. Đô sát viện là cơ quan được thành lập để giám sát quá trình thực thi công vụ của quan lại, qua đó hạn chế lạm quyền, và sai phạm.

Đối với quan lại, việc ban thưởng thường được thực hiện bằng các hình thức: thăng chức; thưởng vật chất (tiền bạc, mũ áo…); cấp kỷ, quân công, trác dị. Châu bản còn cho thấy đối với quan viên, ban thưởng người có công trong lĩnh vực quân sự chiếm tỷ lệ lớn, tiếp đến là ban thưởng người hoàn thành tốt các công việc thường ngày.

Phân biệt khen thưởng, để tỏ rõ tấm lòng của trẫm luôn nghĩ đến các quan binh phụng sự cần lao.

Lời phủ dụ của vua Minh Mạng trưng bày trong triển lãm

Đối với người dân, việc ban thưởng thường dành cho những người đạt tiêu chuẩn về phẩm giá đạo đức như trung, trinh, hiếu, tiết, nghĩa... Bên cạnh đó, những người sống thọ cũng được triều đình đề cao và được gia ân ban thưởng. Hình thức ban thưởng thường là thưởng vật chất (tiền bạc, vải vóc…), ban biển ngạch. Trong các văn bản về ban thưởng dưới triều Nguyễn, số lượng văn bản triều Tự Đức chiếm tỷ lệ lớn.

Trong khi đó, nhiều văn bản trong Châu bản triều Nguyễn cho thấy hình thức phạt tiền đối với quan lại thường dựa trên lương bổng. Số tiền phạt sẽ đem sung công. Hình phạt ngũ hình (xuy hình, trượng hình, đồ hình, lưu hình, tử hình) mang tính chất cảnh cáo, răn đe. Đặc biệt, với tội tham nhũng, các hoàng đế triều Nguyễn kiên quyết trừng trị nặng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.