Không dừng lại ở việc lấy cảm hứng hoặc sáng tạo phái sinh, Trần Trung Lĩnh dùng ngôn ngữ, bút pháp pop-art (tạm dịch: nghệ thuật đại chúng) để đưa danh họa Van Gogh "tới" TP.HCM, rồi cho ông... dạo phố, sinh hoạt như một người Sài Gòn.
Nghệ sĩ Trần Trung Lĩnh sinh năm 1977 tại Hội An (Quảng Nam). Tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, anh đã chọn thành phố phương Nam là nơi khởi nghiệp. Sau vài triển lãm trong nước cũng như ở Bali (Indonesia), Trần Trung Lĩnh bắt đầu chuyển hướng sang trào lưu hội họa pop-art, chịu ảnh hưởng của Andy Warhol và Damien Hirst…
Từ năm 2013, Trần Trung Lĩnh bắt đầu dừng các hoạt động triển lãm tranh để dành thời gian chuyên sâu vào những dự án dài hơi, sáng tác những bộ tranh mất 7 - 8 năm mới hoàn thành. Anh cũng dành nhiều thời gian hơn cho điện ảnh, với nhiều vai trò khác nhau, từ họa sĩ thiết kế đến đạo diễn, viết kịch bản…
"Đối với tôi, một nghệ sĩ đa phương diện/phương tiện không thể chỉ là "chơi lướt qua", mà với mỗi hình thái, thể loại, người nghệ sĩ phải học, phải yêu, phải nhuần nhuyễn các thao tác, kỹ thuật để trở thành thứ vũ khí thuần thục, thì sáng tác mới có độ sâu về chuyên môn", Trần Trung Lĩnh bộc bạch.
Ở triển lãm lần này, qua lăng kính nghệ sĩ Trần Trung Lĩnh, Van Gogh được anh phóng chiếu góc nhìn từ ngay chính tâm hồn của cố danh họa rồi đưa khung cảnh xung quanh vào tranh vẽ. Người xem có thể bất ngờ và… bật cười trước tác phẩm đáng yêu khi Van Gogh đang "seo phì" trước Nhà thờ Đức Bà (TP.HCM), hay ông an yên, tự tại ngồi gặm ổ bánh mì bình dân trên đường phố Sài Gòn. Ngắm nhìn ông, yêu mến ông để rồi đắm chìm cùng ông trong sự cô đơn…
Các bức tranh tuyển chọn được Trần Trung Lĩnh thể hiện bằng những nhát cọ giằng xé, đắm chìm trong đủ thứ sắc màu của hội họa. Triển lãm Van Gogh ở Sài Gòn diễn ra đến hết ngày 23.5.
Bình luận (0)