Chủ tịch Quốc hội:

'Xem điều khoản nào là kéo thuận lợi về cho bộ, tạo cơ chế xin - cho'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
28/08/2023 10:10 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói "vấn đề nằm lòng" là không để các quy phạm pháp luật có sơ hở, có thể tạo ra tham nhũng, tiêu cực, gây ra những thất thoát, ách tắc hoặc là chỉ tìm cách kéo thuận lợi về cho cơ quan quản lý nhà nước, đẩy cái không thuận, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Sáng 28.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4 trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hội nghị sẽ cho ý kiến vào 8 dự án luật rất quan trọng và nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân và đại biểu Quốc hội. Trong đó, có nhiều nội dung mới, phạm vi ảnh hưởng rộng cũng như còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, nên cần tiếp tục cân nhắc, thảo luận kỹ lưỡng.

'Xem điều khoản nào là kéo thuận lợi về cho bộ, tạo cơ chế xin - cho' - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị đại biểu chuyên trách

GIA HÂN

Gợi mở một số vấn đề, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung rà soát để làm rõ các dự án luật đã thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn chủ trương của Đảng hay chưa, tức làm rõ cơ sở chính trị với từng lĩnh vực liên quan.

Đặc biệt lưu ý đến luật Đất đai, Chủ tịch Quốc hội  nói Nghị quyết 18 của T.Ư Đảng khóa XIII về chính sách đất đai là cơ sở chính trị quan trọng cho dự án này. “Đôi khi thảo luận qua nhiều vòng lại chỉ quan tâm đến vấn đề thứ yếu, còn vấn đề đại sự lại không được chú ý lắm”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh cần xem xét các dự án đã bám sát các chính sách lớn được đặt ra ban đầu chưa, những vấn đề mới được đánh giá tác động kỹ chưa. 

“Đương nhiên, quá trình xây dựng luật nếu phát sinh chính sách mới thì có quyền nghiên cứu tiếp thu, nhưng quan trọng là các chính sách dự kiến hoàn thiện thế nào, đề xuất mới đã có đánh giá tác động đầy đủ hay chưa?”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu cần tập trung xem xét tính hợp hiến và sự đồng bộ với hệ thống pháp luật, nhất là những dự án luật liên quan chặt chẽ với nhau. Như các dự án luật Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đấu thầu... liên quan chặt chẽ với luật Đất đai đều đã và đang được xem xét sửa đổi, bổ sung đồng thời.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các vị đại biểu cho ý kiến các vấn đề lớn, quan trọng của từng dự án luật để lựa chọn phương án tốt nhất, "không có vấn đề nào bỏ qua cả".

Cùng đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng gợi mở là cần cho ý kiến về những vấn đề còn khác nhau, kể cả về tên gọi đến nay còn chưa có sự đồng thuận. "Chẳng hạn, luật Căn cước công dân, một số đại biểu chưa đồng ý bỏ hai chữ công dân như đề xuất của Chính phủ", Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng.

'Xem điều khoản nào là kéo thuận lợi về cho bộ, tạo cơ chế xin - cho' - Ảnh 2.

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội tham dự Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 28.8

GIA HÂN

Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt nhấn mạnh phải xem xét kỹ các điều khoản áp dụng pháp luật và điều khoản chuyển tiếp cũng vì “nếu không đầy đủ, rõ ràng thì luật ban hành xong vẫn ách tắc, bất cập, sai lệch trong quá trình thực hiện luật”.

"Cá nhân tôi khi ký chứng thực vẫn phải đọc lại phần này", Chủ tịch Quốc hội nêu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, bao trùm lên là phải rà soát lại cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, chất lượng của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển nhanh, bền vững. 

"Vấn đề nằm lòng là không để các quy phạm pháp luật có sơ hở, có thể tạo ra tham nhũng, tiêu cực, gây ra những thất thoát, ách tắc hoặc là chỉ tìm cách kéo thuận lợi về cho cơ quan quản lý nhà nước, đẩy cái không thuận, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Ta nói thì nói rất nhiều rồi nhưng đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến cụ thể vào các dự án luật", Chủ tịch Quốc hội nói.

Nhắc lại chỉ đạo của Đảng là nghiêm cấm, chống được tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. 

"Phải xem điều khoản nào là kéo thuận lợi về cho bộ mình, tạo ra cơ chế xin - cho không đúng đắn. Có vấn đề cài cắm trong chuyện này không. Chúng ta phải phát hiện ra chuyện này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nói rằng ngay trong Quốc hội cũng phải thực hiện nghiêm chuyện này trước khi quyết định xem xét thông qua các dự án luật", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.