Bản tin "Xem nhanh 20h" ngày 14.5 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:
Xem nhanh 20h ngày 14.5: Hơn 50 khách nghi ngộ ở Mũi Né | Người Việt ở Ba Lan xoay xở sau vụ cháy
Tài sản tiền tỉ bị thiêu rụi, người Việt ở Ba Lan ngậm ngùi 'như vào ngõ cụt'
Anh Đặng Văn Dũng (37 tuổi, quê Nghệ An) có một gian hàng 30 m2 kinh doanh giày dép ở trung tâm mua sắm Marywilska. Sau vụ hỏa hoạn, toàn bộ hàng hóa, giấy tờ tan thành mây khói. "Đi vào ngõ cụt" là cảm xúc của anh khi quay lại hiện trường nhìn cảnh tan hoang, tài sản chỉ còn đống tro tàn. Tính cả tiền mặt, hàng hóa số tiền thiệt hại rơi vào khoảng 250.000 USD (khoảng 6 tỉ đồng).
Tài sản tiền tỉ chục năm tích góp bị thiêu rụi, người Việt ở Ba Lan ngậm ngùi 'như vào ngõ cụt'
"Tôi cảm thấy bị mất phương hướng vì sau một đêm toàn bộ tài sản, sự nỗ lực không biết mệt mỏi bị thiêu rụi. 14 – 15 năm buôn bán, những gì có được đều nằm hết ở trong gian hàng. Hàng ngàn con người ở đây không biết làm gì để sống trong thời gian tới", anh Dũng thở dài.
Hiện, họ tập trung tại nơi xảy ra vụ việc để chuẩn bị giấy tờ gửi lên chính quyền để được miễn tiền thuế. Mọi người cũng lập danh sách những bà con gặp khó khăn để cộng đồng người Việt ở Ba Lan hỗ trợ về mặt vật chất, tinh thần.
Kênh Nước Đen lại ngập rác: Dân khổ sở vì hôi thối, chính quyền nỗ lực làm sạch
Sống ở khu vực này đã hơn 20 năm, bà Nguyễn Thị Loan (52 tuổi) cho biết, tình trạng rác thải ùn ứ xuất hiện gần đây, gây ảnh hưởng không ít đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Kênh Nước Đen lại ngập rác: Dân khổ sở vì hôi thối, chính quyền nỗ lực làm sạch
Theo ông Lê Văn Trung, Bí thư Đảng ủy phường Bình Hưng Hòa, mặc dù UBND phường và các đoàn thể của phường, khu phố thường xuyên ra quân, vớt rác, dọn sạch các tuyến kênh trên địa bàn định kỳ, hàng tháng, thế nhưng chỉ giảm được phần nào rác thải trên kênh.
Theo ghi nhận vào chiều ngày 13.5, nhiều thanh niên tình nguyện đã có mặt và tham gia trong công tác ra quân, dọn sạch kênh Nước Đen với hy vọng con kênh sạch đẹp trở lại.
Cô giáo chia sẻ đoạn clip người mẹ đứng ngoài lớp học: Dân mạng xúc động vì một lý do
Cô Lương Thị Thế, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2, cho biết cậu học trò trong đoạn clip trên là Lý Minh Chiến, dân tộc Dao. Nhà em Chiến cách trường 4 - 5 km, dù nắng hay mưa em Chiến đều đi bộ đến trường.
Xúc động hình ảnh người mẹ vùng cao đứng ngoài lớp học chờ đưa cơm cho con
Cô Thế kể: "Trong lớp có đến 80% gia đình học sinh là hộ nghèo, bữa trưa mang đi học của các em thường là cơm trắng chan nước suối lấy ở thượng nguồn về. Bữa nào ăn ngon thì cơm các em có thêm ít cá khô. Một số em không mang cơm theo, thầy cô đều chia phần đồ ăn của mình hoặc mua thêm mì để các em lót dạ qua bữa".
34 năm dạy học ở vùng cao, cô Thế nhận xét, tỷ lệ đến trường của học sinh dân tộc thiểu số đã cao hơn nhưng hoàn cảnh gia đình các em còn nhiều vất vả. Đa phần phụ huynh gian nan vì vừa đi làm thuê từ sáng sớm, nhưng vẫn phải đưa con đến trường để bảo đảm an toàn, nhất là ngày mưa, nước suối dâng cao.
Bản tin "Xem nhanh 20h" sẽ quay trở lại vào lúc 20 giờ tối mai với những thông tin trong nước và quốc tế nóng hổi khác tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)