Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 230, G7, NATO cam kết 'Ukraine còn cần thì còn hỗ trợ'
Theo The Guardian, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp với người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi ở St Petersburg nói tình hình xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine là “đáng quan ngại”.
Tự động phát
Tổng thống Putin cũng nói với ông Grossi rằng Moscow sẵn sàng đối thoại và sẽ thảo luận về "tất cả các vấn đề" liên quan đến hoạt động của cơ sở này.
Ở một diễn biến khác, Tổng thống Joe Biden hôm 12.10 đã đưa ra phát biểu về khả năng Tổng thống Putin sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, trong bối cảnh Ukraine đang kêu gọi phương Tây đẩy nhanh tiến độ viện trợ để phòng thủ trước các cuộc tấn công tên lửa vào các thành phố của họ.
Khi được hỏi rằng liệu ông Putin có sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, Tổng thống Biden đã trả lời rằng: "Tôi không nghĩ ông ấy sẽ hành động như vậy".
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN hôm 11.10, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đưa ra bình luận về quyết định mở chiến dịch quân sự tại Ukraine của Tổng thống Putin.
Các nước trong nhóm G7 ngày 11.10 đã có cuộc họp khẩn về vấn đề Ukraine sau khi Nga dội một loạt tên lửa xuống khắp nước này trong hai ngày 10-11.10. Phát biểu qua video tại cuộc họp, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói Tổng thống Putin vẫn có "khả năng ra lệnh leo thang" sau hai ngày liên tiếp tấn công các thành phố khắp Ukraine.
Trong cuộc họp, ông Zelensky cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 tăng cường chi viện để Ukraine củng cố khả năng phòng không chống lại Nga.
Kết thúc cuộc họp, lãnh đạo các nước G7 đã ra tuyên bố chung lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công tên lửa gần đây nhất của Nga ở Ukraine và thề sẽ sát cánh với Kyiv "cho đến khi nào còn cần thiết".
G7 cũng tuyên bố nhóm này sẽ "không bao giờ công nhận" việc Nga "sáp nhập bất hợp pháp" lãnh thổ Ukraine hay kết quả "cuộc trưng cầu dân ý giả".
Trong khi đó, liên minh quân sự NATO cho biết họ đang giám sát chặt chẽ các lực lượng hạt nhân của Nga, đồng thời cũng tăng cường an ninh xung quanh các cơ sở hạ tầng quan trọng sau các cuộc tấn công gần đây vào các đường ống Nord Stream.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở nước láng giềng, Mỹ và các đồng minh phương Tây dường như rất cẩn trọng để tránh gửi sai tín hiệu cho Moscow. Vào hồi đầu tháng 4, Mỹ đã hoãn vụ thử tên lửa Minuteman III, nhằm giảm căng thẳng hạt nhân với Nga.
Tuy nhiên, NATO mới đây công bố sẽ triển khai cuộc tập trận hạt nhân giữa bối cảnh căng thẳng leo thang với Moscow. Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, đây là cuộc tập trận thường niên được lên kế hoạch từ lâu. Và NATO sẽ không vì cuộc xung đột tại Ukraine mà hoãn sự kiện này.
Ngày 8.10, một vụ nổ bom xảy ra trên cầu Kerch ở bán đảo Crimea khiến Moscow phẫn nộ và đáp trả bằng đợt tập kết tên lửa vào Kyiv vào hai ngày sau đó. Cây cầu này bắc qua eo biển Kerch, nối lục địa Nga với Crimea, mang ý nghĩa chiến lược trong chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quy trách cho lực lượng an ninh Ukraine về vụ nổ.
Hôm 12.10, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ trưởng Nội vụ Andriy Yusov cho biết các cuộc điều tra của Nga về vụ nổ trên là vô nghĩa. Bình luận này được đưa ra sau khi Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) thông báo đã bắt giữ 8 người, trong đó có 5 người Nga, còn lại là người Ukraine và Armenia do tình nghi liên quan đến vụ việc.
Liên quan vụ nổ trên cầu Kerch tuần trước thì theo thông tấn xã Nga Tass, một trong số 4 nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ là thẩm phán Sergey Maslov của Tòa Trọng tài Moscow.
Theo Tass thì cả 4 nạn nhân đều ngồi trên chiếc ôtô Cadillac màu đen của thẩm phán Maslov nằm ngay tâm của vụ nổ. Chiếc xe sau đó lao xuống biển.Thưa quý vị, trong một diễn biến khác, Điện Kremlin ngày 12.10 thông báo sẽ không có thêm đợt động viên binh sĩ mới. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã huy động hơn 200.000 binh sĩ trong vài tuần đầu tiên từ khi Tổng thống Putin ra lệnh động viên một phần quân dự bị để chiến đấu tại Ukraine.
Trong quá trình thực hiện lệnh động viên một phần này, đã có nhiều báo cáo về sai sót và bất cập gây bức xúc trong người dân Nga. Bản thân ông Putin cũng thừa nhận có sai sót và tuần trước đã ký sắc lệnh sửa đổi kế hoạch động viên mà ông công bố vào hôm 21.9. Theo đó, nhà lãnh đạo Nga hoãn nhập ngũ cho các sinh viên theo học tại các trường đại học tư đã được công nhận và nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Mới đây trong một cuộc họp với các tỉnh trưởng, Tổng thống Putin cũng nhắc lại vấn đề này và cho rằng đây là cơ hội tốt để quân đội Nga khắc phục.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 11.10 cũng cho biết hiện chính quyền Nga chưa có ý định áp dụng hạn chế đi lại đối với nam giới trong độ tuổi quân sự, và cũng không lập danh sách những nam giới đã rời Nga trong đợt động viên quân nhân dự bị đang diễn ra.
Liên quan đến các nỗ lực chấm dứt xung đột bằng giải pháp ngoại giao, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 11.10 đã kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine và thiết lập một nền "hòa bình công bằng" dựa trên sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Các phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên cho biết Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan có khả năng sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Astana của Kazakhstan vào ngày 13.10.
Gần đây cũng có một nhân vật cực kỳ nổi tiếng kêu gọi Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán. Đó chính là cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, với lời cảnh báo rằng nếu thế giới có nguy cơ đối mặt với Thế chiến 3 nếu cuộc xung đột không sớm kết thúc.
Mới đây, Tổng thống Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) nói nước này sẵn sàng làm trung gian liên lạc giữa Nga và Ukraine để chấm dứt cuộc xung đột hiện tại.
Trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11.10 ở thành phố St. Petersburg, Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed al-Nahyan đã truyền đạt cho Nga "quan điểm của phía Ukraine về một số vấn đề" và khẳng định UAE sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Kyiv và Moscow.
Đáp lại, Tổng thống Putin cho rằng UAE có thể giữ vai trò "đáng kể" trong các nỗ lực giúp đạt giải pháp cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Bình luận (0)