Xem nhanh: Ngày 229 chiến dịch, Nga lại tấn công hạ tầng năng lượng, Mỹ, Đức sắp chuyển vũ khí phòng không cho Ukraine

11/10/2022 23:36 GMT+7

Ngày 10.11, lãnh đạo một số vùng ở Ukraine như Lviv, Mykolayiv, Dnipro và Vinnytsia báo cáo có thêm những vụ tấn công bằng tên lửa . Một vụ tấn công vào Lviv gây mất điện cục bộ. Còn thống đốc vùng Vinnytsia cho biết nhà máy nhiệt điện Ladyzhyn ở địa phương đã bị 2 UAV tự sát tấn công.

Dư âm đợt tập kích tên lửa ồ ạt của Nga vào các thành phố Ukraine hôm 10.10 vẫn đang vang vọng trong mọi thảo luận về cuộc xung đột.

Đại hội đồng LHQ hôm 10.10 đã triệu tập một cuộc họp khẩn về để thảo luận việc Nga tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh Ukraine. Tuy nhiên, đại sứ Ukraine ở LHQ đã nhân cơ hội này đã lên án Nga là "quốc gia khủng bố" vì đã bắn tên lửa vào nhiều thành phố của Ukraine.

Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya không đề cập trực tiếp đến đợt tập kích tên lửa, mà nói rằng quyết định của Moscow về việc sáp nhập 4 tỉnh Ukraine là nhằm “cố gắng bảo vệ những người anh em ở miền đông Ukraine".

Về đợt tập kích tên lửa ồ ạt của Nga hôm 10.10, các quan chức Ukraine thông báo Nga đã phóng 84 tên lửa, cộng thêm khoảng 24 máy bay không người lái (UAV) cảm tử. Vụ tấn công nhắm vào ít nhất 8 tỉnh và thủ đô Kyiv và gây ra hơn 30 đám cháy xảy ra. Ukraine nói bắn hạ 43 tên lửa hành trình và 13 UAV, theo CNN.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã đạt mục đích của đợt tấn công và bắn trúng toàn bộ mục tiêu, theo đài RT. Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng nếu có thêm hành động khủng bố nhắm vào Nga, Moscow sẽ đáp trả cứng rắn, cân xứng với quy mô của đe dọa.

Ngược lại, mọi đồng minh phương Tây của Ukraine đều đã lên tiếng lên án Nga. Theo Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, sau khi cuộc tập kích tên lửa xảy ra thì không còn đối tác phương Tây nào đề cập đến khả năng đàm phán với Nga.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết cực kỳ sốc về cuộc tấn công của Nga, "hành động leo thang chiến tranh không thể chấp nhận".

Còn tại Kyiv, nhiều người dân đã bày tỏ sự phẫn nộ sau cuộc tấn công này.

Phía sau những phẫn nộ, hỗn loạn và lo lắng mà đợt tấn công tên lửa vừa gây ra tại các thành phố Ukraine, thì câu hỏi giới quan sát đặt ra là Nga có tiếp tục làm như vậy nữa hay không. Theo nhận định của tờ The Guardian, Nga từng bắn tên lửa ồ ạt vào Kharkiv sau khi Ukraine kiểm soát vùng này vào tháng 9.

Tuy nhiên, sau đó cường độ tấn công giảm xuống, và không giúp ích gì Nga trên chiến trường, vì sau đó quân đội Ukraine tiếp tục đà tấn công mạnh mẽ ở miền đông bắc để giành lại thị trấn Lyman. Vì vậy, cuộc tập kích tên lửa mới đây của Nga nhiều khả năng sẽ không thay đổi cán cân sức mạnh trên chiến trường, và cũng khó làm suy yếu ý chí chiến đấu của Ukraine.

Ở chiều hướng ngược lại, Ukraine đã tận dụng đợt tấn công này để gây thêm sức ép lên các đồng minh phương Tây, thúc giục họ cung cấp thêm vũ khí hiện đại, đặc biệt là các tổ hợp tên lửa phòng không.

Ngay sau vụ tấn công của Nga vào thủ đô Kyiv, nhiều nhà lãnh đã điện đàm với Tổng thống Zelensky, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden. Theo đó, ông Biden đã cam kết sẽ chuyển giao vũ khí phòng không cho Ukraine.

Sau khi Tổng thống Joe Biden công bố cam kết sẽ cung cấp thêm vũ khí, bao gồm các hệ thống phòng tiên tiến, cho Ukraine, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov viết trên mạng xã hội twitter rằng Mỹ và đồng minh đã đến gần “lằn ranh đỏ”.

Đại sứ Antonov nói việc Mỹ và đồng minh tiếp tục cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine chỉ làm tăng thêm nạn nhân và tàn phá, cũng như kéo dài xung đột.

Ông Antonov cũng nhắc lại cáo buộc của Moscow rằng tuyên bố của lãnh đạo Mỹ về việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Kyiv là “bằng chứng nữa cho thấy Washington đã tự xác định mình là một bên tham gia xung đột".

Tuy nhiên, phương Tây chắc chắn sẽ không để những lời cáo buộc này ảnh hưởng quyết tâm hỗ trợ Kyiv.

Các nước G7 dự kiến họp khẩn trong hôm nay 11.10 để bàn về cuộc tấn công Ukraine ngày 10.10. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ phát biểu tại cuộc họp.

Chính quyền Đức ngày 10.10 cũng thông báo đang gấp rút gửi 4 hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T đầu tiên cho Ukraine, vũ khí được Berlin hứa hẹn từ tháng 6. Hệ thống này có thể bắn cao 20 km và xa 40 km, theo AFP.

Và nhiều nước phương Tây khác cũng đang đứng trước sức ép phải đẩy nhanh viện trợ quân sự cho Ukraine.

Ở chiều ngược lại, RIA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết xung đột trực tiếp với Mỹ và NATO không mang lại lợi ích cho Moscow, nhưng Nga sẽ đáp trả sự can dự ngày càng gia tăng của phương Tây vào cuộc xung đột Ukraine.

Chuyển qua những diễn biến khác trong cuộc xung đột ở Ukraine, trong bản tin tình báo hôm nay, Bộ quốc phòng Anh có nhận định về việc Nga bổ nhiệm tướng Sergei Surovikin là tư lệnh của các lực lượng Nga tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Theo bộ quốc phòng Anh, trong thời gian qua Nga có lẽ thiếu một tư lệnh chiến trường có đủ quyền lực trong chiến dịch này. Vì vậy, việc bổ nhiệm tướng Surovikin phản ánh nỗ lực của cộng đồng an ninh quốc gia Nga nhằm cải thiện việc tiến hành chiến dịch.

Cũng trong hôm nay 11.10, lãnh đạo cơ quan tình báo Anh Jeremy Fleming đã nói về năng lực của Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài BBC.

Ông cho rằng Nga đang lâm vào tình trạng thiếu đạn dược và thiếu binh sĩ, vì vậy các chỉ huy quân đội nước này đang lo lắng. Tuy nhiên, ông nói Nga vẫn còn có một bộ máy quân sự có năng lực, thể hiện qua vụ tập kích vào Ukraine mới đây.

Một đồng minh của Nga là Belarus đã công khai xác nhận sự tham gia vào chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Trong những ngày gần đây, Minsk cũng cáo buộc Ukraine đang tập trung hàng vạn quân gần biên giới với Belarus và có âm mưu tấn công lãnh thổ nước này. Hôm 9.11, chủ tịch Ủy ban Biên giới của Belarus nói lực lượng Ukraine đã phá hủy hầu hết cầu và đặt mìn trên các tuyến đường dọc biên giới.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 10.10 nói rằng nước này đang đối diện nguy cơ tấn công từ Ukraine và Ba Lan, Lithuania. Tuy nhiên, thông tấn xã TASS của Nga hôm 10.10 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin nói nước này chỉ đang xem xét các phương án phòng thủ và sẽ không gây chiến với các quốc gia láng giềng, nếu họ không có bước đi sai lầm.

Trong bối cảnh đó, giới quan sát đang tỏ ra quan ngại với thông tin lực lượng Nga sẽ được phép quay lại Belarus trong khuôn khổ một lực lượng chung. Điều này có khả năng buộc lực lượng Ukraine chịu sức ép ở biên giới phía bắc.

Theo đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Prystaiko, việc huy động quân đội ở Belarus gây ra mối đe dọa đối với các tuyến đường tiếp tế của Ukraine ở phía bắc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.