Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 263, Tổng thống Ukraine đến Kherson, Mỹ khuyến khích cân nhắc hòa đàm

Thanh Hải - Thế Vinh - Cẩm Tú và 3 người khác
14/11/2022 23:18 GMT+7

Ngày hôm nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đến thành phố Kherson , thủ phủ của tỉnh miền nam cùng tên. Lực lượng Ukraine vừa tiến vào thành phố này vài ngày trước sau khi Nga rút quân sang bờ đông sông Dnieper.

Tại đây, Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine “đang tiến lên" và “sẵn sàng đón hòa bình trên cả nước”. Ông cũng cảm ơn NATO và các đồng minh đã hỗ trợ đương đầu với Nga. Theo ông Zelensky, các tổ hợp pháo phản lực cơ động cao HIMARS do Mỹ viện trợ đã tạo ra khác biệt lớn trên chiến trường.

Trong một động thái biểu tượng, mạng lưới đường sắt Ukraine thông báo đã mở bán những tấm vé tượng trưng tới các thành phố mà hiện Nga còn kiểm soát, qua đó thể hiện niềm tin Ukraine sẽ giành lại những vùng này.

Theo nhà điều hành hệ thống đường sắt Ukraine, hiện có thể đặt mua vé cho ba chuyến tàu đầu tiên từ Kyiv đến 5 thành phố: Kherson, Mariupol, Donetsk, Luhansk và Simferopol.

Công ty đường sắt Ukraine khẳng định ngay khi giao thông tới các địa điểm trên được khôi phục, người dân sẽ nhận được tin nhắn cụ thể về ngày tháng và địa điểm có thể sử dụng những tấm vé đã mua. Giá vé tàu khởi điểm từ 1.000 hryvnias (khoảng 670.000 đồng).

Trong khi đó, CNN đưa tin quân đội Ukraine hôm 14.11 cảnh báo rằng Nga có thể đang lên kế hoạch tăng cường tấn công vào các khu vực mới giải phóng ở miền nam Kherson.

Trong bản tin cập nhật cùng ngày, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine viết quân Nga “đang tăng cường trinh sát trên không, điều này có thể cho thấy họ đang có kế hoạch tấn công".

Còn tại Nova Kakhovka, thành phố lớn thứ hai của tỉnh Kherson, cách thủ phủ Kherson hơn 50 km, giới chức do Nga bổ nhiệm đang tổ chức sơ tán dân thường vì lo ngại Ukraine sẽ tiếp tục tiến quân. Phía Nga cũng cảnh báo các lực lượng Ukraine đang có kế hoạch giành lại quyền tiếp cận biển Azov.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây khẳng định một số biện pháp trừng phạt đối với Nga có thể vẫn còn hiệu lực ngay cả sau khi Moscow đạt được thỏa thuận hòa bình với Ukraine.

Vào cuối tuần trước, Bộ trưởng Yellen cũng tuyên bố Mỹ không có vấn đề gì khi Ấn Độ tiếp tục mua được dầu từ Nga, kể cả với giá cao hơn giá trần do nhóm G7 áp đặt. Tuy nhiên, điều kiện là Ấn Độ không được sử dụng các dịch vụ bảo hiểm, tài chính và vận tải biển có liên quan đến giá trần. Theo bà Yellen, giá trần do nhóm G7 đặt ra sẽ làm giảm giá dầu toàn cầu và cắt bớt doanh thu của Nga.

Bất chấp nỗ lực cấm vận Nga của phương Tây, xuất khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga trong thời gian gần đây đã tăng mạnh. Ấn Độ hiện là một trong những khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Nga. Và mới đây, ngoại trưởng nước này đã tiết lộ lý do tại sao New Delhi tiếp tục mua dầu của Moscow.

Theo báo Wall Street Journal, trong cuộc gặp gần đây với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã đề nghị nhà lãnh đạo này xem xét các vấn đề "thực tế" trong các cuộc đàm phán với Nga.

Theo các nguồn tin của Wall Street Journal, ông Sullivan đã khuyên Tổng thống Zelensky nên cởi mở với ý tưởng đối thoại cùng Nga. Tờ báo này dẫn lời “hai nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cho biết cố vấn Mỹ cho rằng, nhóm đàm phán của chính quyền Tổng thống Zelensky nên suy nghĩ về các yêu cầu thực tế và ưu tiên trong các cuộc đàm phán, bao gồm cả việc xem xét lại mục tiêu đã nêu là giành lại quyền kiểm soát Crimea".

Giới chức cấp cao của Mỹ dường như đang thúc đẩy Kyiv xem xét khả năng đàm phán hòa bình khi mùa đông khắc nghiệt đang đến. Cả trong nội bộ Mỹ hiện nay cũng đang có tranh luận về hướng đi sắp tới mà Ukraine nên theo đuổi, và trong cuộc thảo luận này đang nổi lên một chi tiết trớ trêu: một vị lãnh đạo quân đội đang kêu gọi xem xét đàm phán hòa bình, còn một số quan chức ngoại giao lại muốn cứng rắn.

Quan chức phụ trách ngoại giao của Liên minh châu Âu, ông Josep Borrell hôm nay phát biểu rằng chính Ukraine sẽ quyết định việc tham gia đàm phán với Nga. Ông nói nghĩa vụ của các nước đồng minh là hỗ trợ Ukraine. Ông cũng nhận định rằng việc Nga phải rút lui và Ukraine tái kiểm soát Kherson là “tin rất vui" và cho thấy chiến lược hỗ trợ quân sự của EU cho Ukraine là đúng đắn.

Trong khi đó, Hãng tin Nga RIA Novosti hôm 14.11 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói rằng xung đột ở Ukraine phát xuất từ ý định của NATO là sẽ đồng ý kết nạp Ukraine mà phớt lờ những lo ngại về an ninh quốc gia của Nga. Thứ trưởng Grushko cho rằng Mỹ và các đồng minh đã hành động "phi logic" trong vấn đề này.

Cũng theo ông Grushko, NATO là tổ chức "không thể tồn tại nếu không có kẻ thù". Vì vậy, vị quan chức Nga nói “Điều quan trọng nhất đối với NATO là tưởng tượng ra kẻ thù và tiến tới biên giới của họ".

NATO và Ukraine chưa bình luận về tuyên bố của ông Grushko.

Chuyển qua một thông tin khác, bất chấp hàng loạt biện pháp cấm vận thương mại của phương Tây và việc hàng loạt công ty lớn đã ngừng hoạt động kinh doanh tại Nga, một lượng hàng hóa trị giá hơn 12 tỉ USD, bao gồm những loại sản phẩm tiêu dùng như điện thoại iPhone, vẫn được nhập khẩu vào Nga trong năm nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.