Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 394, mờ ảo thời điểm phản công, Tổng thống Ukraine giải thích vì sao

Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 394, mờ ảo thời điểm phản công, Tổng thống Ukraine giải thích vì sao

25/03/2023 23:14 GMT+7

Người lãnh đạo “Cộng hòa nhân dân Donetsk” tự xưng, ông Denis Pushilin ngày 24.3 cáo buộc phương Tây đang dồn nguồn lực lớn cho viện trợ quân sự Ukraine và thúc ép Kyiv mở chiến dịch phản công.

Ông Pushilin nói phương Tây “cần một chiến thắng và lời biện minh, đó là lý do lượng nguồn lực tài chính và vật chất khổng lồ được dồn cho viện trợ quân sự Ukraine”.

Theo ông Pushilin, Ukraine đang chuẩn bị phản công và đang tích lũy nguồn lực cũng như triển khai lực lượng dự bị tới tiền tuyến, bao gồm lực lượng được đào tạo ở các nước châu Âu.

Tuy nhiên, ông Pushilin nhấn mạnh các lực lượng Nga vẫn đang kiểm soát tình hình và đang thực hiện các biện pháp “ngăn chặn những nỗ lực (chuẩn bị cho một cuộc phản công) như vậy của Kyiv”.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cựu Tổng thống Dmitry Medvedev cũng tuyên bố, Nga đã sẵn sàng đối phó với chiến dịch phản công của Ukraine. Ông Medvedev cũng nhắc lại cảnh báo Moscow có thể dùng mọi loại vũ khí nếu Kiev tìm cách tái kiểm soát bán đảo Crimea.

Trong khi đó, giới chuyên gia phương Tây cho rằng tuyên bố của phía Nga cho thấy lực lượng nước này có thể chuyển sang thế phòng thủ khi đợt tiến công mùa đông của họ dường như chậm lại.

Lực lượng Nga gần đây mở nhiều đợt tiến công dọc theo chiến tuyến ở vùng Donbass. Bộ Quốc phòng Anh ngày 23.3 nhận định Nga có thể đang cố gắng mở rộng vành đai an ninh ở phía tây phòng tuyến tại tỉnh Luhansk trước khả năng Ukraine mở đợt phản công mới.

Khi mùa đông chuyển sang mùa xuân, mặt đất bắt đầu bớt lầy lội và khí hậu ấm dần, một cố vấn người Mỹ của Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine cho biết cuộc phản công sắp tới của các lực lượng của Kyiv sẽ gây bất ngờ lớn cho thế giới.

Trước đó vào ngày 23.3, một chỉ huy lực lượng bộ binh Ukraine cũng nhận định rằng Nga dường như đang mất dần động lực trong các cuộc tấn công vào thị trấn Bakhmut, và Kyiv có thể phản công công “rất sớm” để lấy lại thế chủ động.

Khi trả lời phỏng vấn báo Nhật Yomiuri Shimbun mới đây, Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng thừa nhận tình trạng thiếu vũ khí, đạn dược khiến Ukraine chưa thể mở cuộc phản công lớn.

Ông Zelensky nói Ukraine đang phải chờ đợi viện trợ vũ khí từ các đối tác. Ông cho biết lực lượng Nga vẫn thể hiện ưu thế hỏa lực áp đảo, với tần suất và số lượng đạn tiêu thụ mỗi ngày gấp ba lần quân đội Ukraine.

Tổng thống Ukraine nói: “Chúng tôi không thể đưa binh sĩ ra tiền tuyến mà thiếu xe tăng, pháo binh và HIMARS. Nếu có ý chí chính trị, các nước sẽ có cách hỗ trợ chúng tôi, nhưng Ukraine đang trong trạng thái chiến tranh và không thể chờ đợi”.

Tuần trước, báo Politico dẫn nguồn thạo tin cho biết giới chức Mỹ dự đoán Ukraine bắt đầu chiến dịch phản công vào tháng 5 tới sau khi nhận thêm vũ khí viện trợ từ phương Tây. Sau bài báo này, cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mikhailo Podolyak đã bày tỏ thất vọng khi những thông tin nhạy cảm như thế bị tiết lộ.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ ngày 24.3 nhận định “lực lượng Nga tiếp tục các đợt tiến công ở Bakhmut và giành được nhiều bước tiến ở trong lẫn ngoài thành phố”. Theo báo cáo này, “Nga đang tiến quân về khu vực cách Bakhmut 11 km về phía tây bắc, cũng như vùng nội đô phía bắc thành phố”.

Theo ISW, Nga đang tiến về cao tốc T0504 nối Bakhmut với các khu vực còn lại mà Ukraine đang kiểm soát.

Quân đội Ukraine cho biết các đơn vị đổ bộ đường không (VDV) và chính quy khác của Nga đang tăng viện cho nhóm xung kích của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner tại Bakhmut. ISW đánh giá “lực lượng chính quy của Nga có khả năng ngày càng thay thế hoạt động của Wagner trong khu vực này”.

Tuy nhiên, Đại tướng Valerii Zaluzhnyi, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Anh Antony Radakin, cho biết quân đội Ukraine đang dần ổn định được tình hình ở mặt trận Bakhmut.

Trong một thông tin có liên quan, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế cho biết khoảng 10.000 thường dân Ukraine, nhiều người già và khuyết tật, đang phải chịu “điều kiện rất tồi tệ” trong và xung quanh Bakhmut.

Trưởng phòng Cấu trúc của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế Umar Khan nói trong một cuộc họp báo rằng: “Người dân dành gần như cả ngày trong các hầm trú ẩn [dưới lòng đất] vì pháo kích. Tất cả những gì bạn thấy là con người bị đẩy đến giới hạn của sự tồn tại, khả năng sinh tồn và khả năng phục hồi”.

Chuyển sang thông tin khác. Chắc hẳn quý vị vẫn còn nhớ sự kiện một chiếc máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper của Mỹ lao xuống biển Đen sau cuộc đụng độ với máy bay Nga nhiều ngày trước. Các quan chức Mỹ cho biết hai máy bay phản lực của Nga đã xả nhiên liệu phía trước chiếc UAV trước khi vụ va chạm xảy ra.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố UAV của Mỹ đang hướng tới lãnh thổ do Nga kiểm soát. Nhưng Bộ Quốc phòng Nga nói đã không có vụ va chạm nào xảy ra mà chiếc MQ-9 đã tự rơi.

Dù sự việc khiến quan hệ giữa hai nước tiếp tục leo thang, phía Mỹ vẫn khẳng định “sẽ tiếp tục bay và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Và Nga có trách nhiệm vận hành máy bay quân sự của mình một cách an toàn và chuyên nghiệp”. Mới đây, Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết Washington sẽ tiếp tục vận hành UAV giám sát trong không phận quốc tế ở khu vực biển Đen.

Trong ngày 24.3, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Canada Justin Trudeau, khi gặp nhau tại thủ đô Ottawa (Canada), đã tái khẳng định “sự ủng hộ vững chắc của họ đối với người dân Ukraine” trong cuộc xung đột với Nga và tiếp tục gây sức ép lên Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ngoài ra, trong cuộc họp báo chung này, ông Biden cũng đã đưa ra một số nhận định liên quan đến mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, gần đây ngày càng được thắt chặt liên quan đến xung đột tại Ukraine. Trong đó, ông cho rằng Bắc Kinh vẫn chưa hỗ trợ vũ khí cho Moscow như đồn đoán.

Trước đó, tờ Nikkei Asia ngày 24.3 cho biết mối quan ngại mới của chính quyền Biden xuất phát từ việc Nga và Trung Quốc không chỉ tuyên bố quan hệ song phương “không có giới hạn” mà còn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng cụm từ “năng lượng hạt nhân hòa bình” để mô tả hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Moscow hồi đầu tuần.

Trong chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến việc ký kết thỏa thuận liên quan Chương trình Toàn diện về Hợp tác Dài hạn trong lĩnh vực lò phản ứng neutron nhanh và khép kín chu trình nhiên liệu hạt nhân.

Nhà nghiên cứu cao cấp Ryan Hass tại Viện Brookings (Mỹ) nói rằng nếu hợp tác giữa Nga và Trung Quốc gia tăng, Moscow có thể hỗ trợ Bắc Kinh ở Bắc Cực hoặc để Trung Quốc tiếp cận các căn cứ quân sự được Nga sử dụng ở những nơi khác trên thế giới. Ông cũng nêu ra khả năng hai nước hợp tác phát triển tàu ngầm hoặc chia sẻ thông tin tình báo sâu hơn.

Quay lại với chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Moscow thì trong dip này, Trung Quốc và Nga đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác về thương mại, năng lượng và cơ sở hạ tầng. Theo giới chuyên gia, những thỏa thuận này được cho là minh chứng cho hợp tác ngày càng khăng khít giữa hai nước, nhưng cũng thể hiện vị thế tăng lên của Trung Quốc trong quan hệ song phương.

Kể từ khi xung đột với Ukraine nổ ra khiến Nga bị áp đặt hàng loạt biện pháp cấm vận, Moscow đã buộc phải chuyển hướng sang củng cố mối quan hệ với Bắc Kinh nhằm duy trì phát triển kinh tế.

Ông Alexander Gabuev, chuyên gia tại Quỹ Carnegie Hòa bình Quốc tế ở Mỹ, bình luận rằng “Trung Quốc là huyết mạch giúp Nga duy trì nền kinh tế giữa sức ép trừng phạt chưa từng có của phương Tây:.

Tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng gần 30% trong năm 2022 lên 185 tỉ USD, do Nga chuyển hướng bán dầu thô sang Trung Quốc.

Chủ tịch quốc hội Nga trong hôm nay đã đề xuất cấm hoạt động của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) sau khi tòa này phát lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin với cáo buộc ông phạm tội ác chiến tranh.

Ông Vyacheslav Volodin, một đồng minh của ông Putin, nói rằng luật pháp Nga nên được sửa đổi để cấm bất kỳ hoạt động nào của ICC ở Nga và trừng phạt bất kỳ ai đã “giúp đỡ và hỗ trợ” ICC.

Ông Volodin nói rằng Mỹ đã có những quy định ngăn chặn việc công dân Mỹ bị tòa án Hague xét xử và Nga nên tiếp tục công việc đó. Theo ông, bất kỳ sự trợ giúp hoặc hỗ trợ nào cho ICC bên trong nước Nga đều phải bị trừng phạt theo luật.

Trước đó, ICC đã ban hành lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Nga với cáo buộc liên quan đến xung đột tại Ukraine. Tòa cho biết họ có cơ sở hợp lý để tin rằng ông Putin phải chịu trách nhiệm hình sự cá nhân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.