Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 424, diễn biến mới ở Kherson, Bakhmut; xe tăng Leopard làm khó Ukraine?

Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 424, diễn biến mới ở Kherson, Bakhmut; xe tăng Leopard làm khó Ukraine?

24/04/2023 23:22 GMT+7

Ngày 24.4, một quan chức Nga cho biết Hạm đội biển Đen đã tiêu diệt xuồng tự sát đang tập kích cảng Sevastopol và không có thiệt hại.

Ông Mikhail Razvozhaev, thị trưởng do Nga bổ nhiệm ở thành phố Sevastopol, nói cuộc tấn công diễn ra vào lúc 3 giờ 30 phút. Ông nói một xuồng tự sát không người lái bị bắn hạ, chiếc thứ hai tự phát nổ bên ngoài vành đai quân cảng và không gây thiệt hại.

Sevastopol là thành phố nằm ở phía nam bán đảo Crimea, nơi đặt quân cảng của Hạm đội biển Đen thuộc hải quân Nga. Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2014. Ukraine và các nước phương Tây xem động thái này là bất hợp pháp.

Vào hôm qua 23.4, một UAV mang khoảng 17 kg thuốc nổ C4 cũng đã được phát hiện tại một cánh rừng gần ngoại ô thủ đô Moscow của Nga.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời một nguồn tin giấu tên nói chiếc UAV được tìm thấy trong tình trạng gãy đôi ở quân Bogorodsk, cách vùng ngoại ô phía đông của thủ đô Moskva khoảng 30 km.

Truyền thông Nga sau đó chia sẻ ảnh hiện trường UAV rơi, cho thấy nhiều khối thuốc nổ M112, với thành phần là thuốc nổ dẻo C4, do NATO chế tạo rơi xung quanh.

Nguồn tin giấu tên nói với TASS rằng phi cơ dường như bị hết nhiên liệu trước khi rơi và mang theo 30 khối thuốc nổ với tổng khối lượng 17 kg. Nguồn tin cũng nhận định đây là phi cơ tự sát UJ-22 do Ukraine phát triển và công bố lần đầu năm 2021. Dòng máy bay này có tầm bay 800 km trong nhiệm vụ trinh sát, hoặc 1.600 km nếu tấn công tự sát nhằm vào mục tiêu mặt đất.

Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin. Nhưng Bộ Quốc phòng Nga hôm 23.4 cho biết các lực lượng nước này đã tấn công nhà máy quốc phòng chuyên sửa chữa, thử nghiệm UAV Strizh, là loại thiết bị được dùng trong các vụ tập kích lãnh thổ Nga.

Bên cạnh những vụ tấn công bằng các phương tiện không người lái vừa rồi, tình hình giao tranh vẫn đang căng thẳng không chỉ ở miền đông mà cả ở miền nam. Đặc biệt ở vùng Kherson ở miền năm, hôm 23.4 đã rộ lên thông tin lực lượng Ukraine đã có thể vượt sông Dnipro và tạo thế đứng ở tả ngạn sông.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn trang tin Al Arabiya ngày 23.4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa khẳng định Ukraine sẽ không để Bakhmut rơi vào tay Nga. Ông Zelensky nói nếu giành được Bakhmut, Nga có thể dùng thành phố này làm bàn đạp để tiến tới hai thành phố lớn hơn ở Donetsk, miền Đông Ukraine là Kramatorsk và Sloviansk.

Mặc dù giới phân tích phương Tây cho rằng Bakhmut có giá trị chiến lược thấp, Tổng thống Zelensky khẳng định Ukraine sẽ không từ bỏ thành phố này. Ông tin tưởng Ukraine có khả năng đẩy lùi lực lượng Nga khỏi Bakhmut và đã sẵn sàng cho chiến dịch phản công, đồng thời ông tiếp tục kêu gọi các đồng minh phương Tây đẩy mạnh viện trợ quân sự cho Ukraine.

Kyiv cũng vừa công bố một thông tin lạc quan liên quan đến hỗ trợ vũ khí từ phương Tây, đó là việc hệ thống phòng không hiện đại Patriot của Mỹ đã được triển khai tại nước này, góp phần vào nỗ lực chống lại các đợt tập kích đường không bằng tên lửa của Nga.

Việc có một khẩu đội Patriot bổ sung chắc chắn sẽ giúp Kyiv củng cố sức mạnh phòng không. Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định rằng một khẩu đội chỉ có thể bảo vệ một khu vực, chưa giúp ích nhiều cho Ukraine trên các mặt trận rộng lớn. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, nhất là khi báo Times của Anh gần đây đã dẫn lời một số binh sĩ Ukraine cho biết họ sắp hết đạn dược phòng không, trong khi quân đội Nga gần đây có vẻ bắt đầu điều thêm thêm trực thăng và máy bay để tấn công Ukraine.

Ở điểm nóng giao tranh Bakhmut, ông Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo tập đoàn Wagner, hôm 23.4 yêu cầu các tay súng Wagner ở Bakhmut tập trung tiêu diệt binh sĩ Ukraine thay vì bắt làm tù binh.

Bình luận cứng rắn này được ông Prigozhin đưa ra sau khi một kênh Telegram có liên kết với Wagner đăng đoạn trao đổi được cho là giữa các binh sĩ Ukraine. Trong đoạn ghi âm 21 giây, có giọng nói hai người thảo luận về việc bắn hạ một tù binh Nga.

Các tài khoản Telegram thân Nga cho rằng đây là bằng chứng của việc quân đội Ukraine hạ sát tù binh Nga.

Người lãnh đạo tập đoàn Wagner biết theo luật quốc tế, lực lượng của ông có nghĩa vụ "chăm sóc, điều trị, không làm tổn thương" bất kỳ tù binh nào. Vì vậy, ông nói để “không vi phạm pháp luật quốc tế” thì các tay súng Wagner sẽ cố gắng tiêu diệt hết đối phương trong các cuộc đọ súng chứ không bắt tù binh.

Trở lại với vấn đề viện trợ vũ khí cho Ukraine, nước này sắp nhận được khoảng 200 trong số 230 xe tăng mà phương Tây cam kết cung cấp. Đây sẽ là một sức mạnh bọc thép rất cần thiết cho chiến dịch phản công dự kiến sắp diễn ra. Một phần lớn trong số xe tăng này là loại xe Leopard 2 do Đức sản xuất. Tuy nhiên, chính loại xe này cũng có thể gây ra cơn nhức đầu về công tác hậu cần cho Ukraine.

Truyền thông Anh mới đây đưa tin Ukraine có thể đã phải tháo dỡ phần lớn máy bay chiến đấu MiG-29 do Ba Lan và Slovakia viện trợ gần đây.

Giới chức Ba Lan đầu tháng 4 thông báo đã chuyển một số máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine. Bộ Quốc phòng Slovakia cũng xác nhận, toàn bộ máy bay chiến đấu MiG-29 mà nước này cam kết viện trợ đã được chuyển đến Ukraine. Quá trình vận chuyển đã bắt đầu từ tháng 3, khi 4 chiếc đầu tiên bay đến các sân bay của Ukraine, và 9 chiếc còn lại được tháo dỡ để vận chuyển bằng đường bộ.

Slovakia không nêu lý do phải vận chuyển bằng đường bộ, tuy nhiên, theo trang tin Defense News, các máy bay này dường như không còn hoạt động được nữa do một số vấn đề như trục trặc động cơ, bảng điều khiển, hệ thống liên lạc.

Hãng tin Sputnik dẫn nguồn tin truyền thông Anh cho biết những máy bay MiG-29 này có thể chỉ được sử dụng để lấy linh kiện thay thế.

Chuyển sang một thông tin khác thì quân đội Đức cho biết sẽ ngưng triển khai các đơn vị phòng thủ Patriot ở Slovakia và Ba Lan trong nỗ lực sắp xếp nguồn lực hạn chế của mình.

Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mao Ninh tuyên bố phát biểu của Đại sứ tại Pháp về chủ quyền các nước hậu Liên Xô không thể hiện lập trường chính thức của Bắc Kinh.

Bà Mao Ninh nói: "Trung Quốc tôn trọng vị thế quốc gia có chủ quyền của các nước cộng hòa sau khi Liên Xô tan rã" và "Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia đó".

Bà Mao đưa ra tuyên bố như vậy khi được hỏi về phát biểu của Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã về chủ quyền của các nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô. Trong cuộc phỏng vấn với kênh tin tức Pháp LCI hôm 21.4, khi được hỏi liệu bán đảo Crimea có phải một phần của Ukraine hay không, ông Lô nói rằng Crimea theo lịch sử vốn là một phần của Nga và cựu lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã trao bán đảo này cho Ukraine.

Đại sứ Lô Sa Dã nói thêm rằng "thậm chí các quốc gia từng thuộc Liên Xô này không có địa vị thực tế theo luật pháp quốc tế vì không có thỏa thuận quốc tế nào xác nhận tư cách quốc gia có chủ quyền của họ".

Khi được hỏi liệu lập trường của ông Lô có phải là quan điểm chính thức của Trung Quốc hay không, bà Mao nói rằng chỉ phát biểu của bà về vấn đề chủ quyền mới đại diện cho lập trường của chính phủ Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.