Ông cho biết các lực lượng Ukraine đã bắn hạ một số tên lửa và máy bay không người lái của Nga.
Nhà lãnh đạo cho biết Kyiv đang làm việc với các đối tác để có thêm các hệ thống phòng không để đảm bảo an ninh cho Odessa và các thành phố khác trên cả nước.
Trng trận tập kích đường không của Nga vào đêm 20.7, lực lượng Không quân Ukraine cho biết họ chỉ đánh chặn thành công được 5 trong số 19 tên lửa hành trình của Nga.
Hiệu suất chiến đấu này được cho là thấp hơn đáng kể so với các đợt tấn công trước đây nhắm vào thủ đô Kyiv. Các quan chức Ukraine cho biết nguyên nhân là do ở miền nam thiếu các hệ thống phòng không tiên tiến hơn.
Các quan chức Ukraine cho hay các hệ thống phòng không trong khu vực không có khả năng bắn hạ tên lửa Oniks và Kh-22 của Nga vì chúng bay quá nhanh.
Nga đã liên tục tập kích các cảng lớn ở miền nam Ukraine kể từ sau khi rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc. Quân đội Ukraine hôm 20.7 đã thông báo một quyết định đáp trả cứng rắn tại biển Đen.
Hai ngày sau khi Nga cảnh báo rằng các tàu đang hướng tới các cảng của Ukraine ven biển Đen có thể bị coi là mục tiêu quân sự, Bộ Quốc phòng Nga ngày 21.7 cho biết Hạm đội biển Đen đã thực hành bắn tên lửa vào các mục tiêu trên mặt nước trong một cuộc huấn luyện bắn đạn thật.
Hạm đội Biển Đen cũng đã diễn tập phong tỏa các khu vực tạm thời loại bỏ giới hạn vận chuyển và đã thực hành "bắt giữ một tàu vi phạm".
Trang tin The Kyiv Independent ngày 20.7 dẫn báo cáo tình báo của Bộ Quốc phòng Anh cho rằng Hạm đội biển Đen của Nga có thể sẽ đóng vai trò tích cực trong việc ngăn chặn các tuyến đường thương mại, nhưng việc phong tỏa sẽ gặp rủi ro từ UAV và tên lửa hành trình của Ukraine.
Trong một diễn biến khác, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ hôm qua xác nhận Ukraine đã sử dụng đạn chùm để bắn vào lực lượng Nga.
Ông John Kirby, Điều phối viên về Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, cho biết Mỹ “đã nhận được một số phản hồi ban đầu từ người Ukraine và họ đang sử dụng [đạn chùm] khá hiệu quả".
Ông Kirby nói rằng đạn chùm đang có tác động đến các đội hình phòng thủ và cơ động của Nga.
Tờ The Washington Post ngày 20.7 dẫn lời giới chức Ukraine cho hay các binh sĩ nước này đã bắt đầu sử dụng đạn chùm do Mỹ cung cấp để chống lại lực lượng Nga. Theo đó, loại đạn này được đưa đến khu vực đông nam Ukraine và dự kiến sẽ được sử dụng đối phó các cứ điểm Nga gần thành phố Bakhmut ở tỉnh Donetsk.
Những người lính Ukraine trên chiến tuyến cũng tỏ ra lạc quan với hiệu quả mà đạn chùm của Mỹ sẽ mang lại.
Nói thêm về đạn chùm mà Mỹ cung cấp cho Ukraine thì theo một bài đăng trên trang eArmor của quân đội Mỹ, loại đạn này được bắn từ pháo 155 mm, mỗi viên đạn mang 88 đạn con. Mỗi đạn con có phạm vi gây sát thương khoảng 10 m2. Vì vậy, một quả đạn chùm có thể gây sát thương trên phạm vi lên đến 30.000 m2 tùy vào độ cao khi các đạn con được phóng ra.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đạn chùm sẽ không giúp Ukraine xoay chuyển tình hình chiến sự. Không những thế, việc Mỹ chấp thuận cung cấp đạn chùm cho Ukraine cũng là cách thừa nhận ngấm ngầm rằng những chiến thuật hiệp đồng chiến đấu hiện đại mà các nước phương Tây đã huấn luyện cho quân đội Ukraine đã không thể áp dụng trong cuộc xung đột hiện tại. Thay vào đó, lực lượng Kyiv lại đang quay về áp dụng chiến thuật đấu pháo để bào mòn sức đối phương.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News ngày 20.7, ông John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, cho hay Ukraine có thể sẽ nhận được máy bay chiến đấu F-16 trước cuối năm nay.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh quan điểm của giới chức Mỹ hiện tại rằng F-16 khó thay đổi cục diện trên chiến trường, và lực lượng Kyiv hiện có nhu cầu cấp bách hơn về đạn pháo.
Thưa quý vị, về tình hình giao tranh thì hôm 20.7, Tư lệnh Lục quân Ukraine Oleksandr Syrskyi tự tin cho biết các điều kiện cần thiết để Ukraine đánh bật quân Nga ra khỏi Bakhmut đã hội tụ đầy đủ.
Tướng Syrskyi cho rằng khi tấn công Bakhmut, lực lượng Wagner đã mắc sai lầm lớn là phá hủy hầu hết các công trình kiên cố. Và giờ đây chính quân Nga phải hứng chịu hậu quả khi thiếu nơi trú ẩn hoặc cơ động an toàn, không còn các điểm cao để thiết lập các hỏa điểm khống chế hiệu quả các hướng tấn công của Ukraine.
Ông Syrskyi nói các lực lượng Nga đã bị "bao vây một nửa" tại Bakhmut, và cơ hội để Ukraine giành lại nơi đây đã đến.
Ukraine đã phải thay đổi chiến thuật tấn công sau những thiệt hại đáng kể trong thời gian đầu của cuộc phản công. Theo một bài báo mới đây, những tổn thất này lớn đến mức đã khiến cả Kyiv lẫn các đồng minh phương Tây phải giật mình kinh ngạc.
Không chỉ tấn công vũ khí phương Tây trên chiến trường mà Nga còn cảnh báo rằng nếu nhà thầu Đức xây nhà máy xe tăng ở Ukraine, Moscow sẽ coi đó là mục tiêu hợp lệ để tập kích.
Kế hoạch xây nhà máy này đã được công ty quốc phòng Đức Rheinmetall công bố hồi đầu tháng. Dự kiến tại đây các công nhân Ukraine sẽ được đào tạo để sửa chữa các loại thiết giáp do công ty Rheinmetall sản xuất, ví dụ như xe chiến đấu bộ binh Marder, xe tăng Leopard 2 và hệ thống pháo Pzh 2000. CNN đưa tin kế hoạch này có thể được triển khai "trong vòng 12 tuần".
Nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 20.7 cảnh báo kế hoạch xây dựng nhà máy xe tăng ở Ukraine sẽ gây ra "sự khiêu khích quy mô toàn cầu".
Bà nói nhà máy như vậy “sẽ là mục tiêu hợp lệ của lực lượng Nga, ngang hàng với bất cứ mục tiêu nào khác của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine".
Trong một thông tin khác, các ngoại trưởng EU đã thảo luận về đề xuất quỹ trị giá 20 tỉ euro để mua vũ khí, đạn dược và viện trợ quân sự cho Ukraine trong vòng 4 năm. Ngoài ra, EU cho biết sẽ kéo dài lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng cho đến hết tháng 1.2024.
Như quý vị cũng biết thì vài ngày trước, Mỹ đã công bố gói viện trợ mới trị giá 1,3 tỉ USD. Có một loại vũ khí đáng lưu ý trong đợt viện trợ mới này, có thể sẽ giúp Ukraine tăng cường năng lực tấn công chính xác và diệt máy bay không người lái.
Tổng thống Volodymyr Zelensky đã bãi nhiệm ông Vadym Prystaiko với tư cách là đại sứ Ukraine tại Anh.
Ông Prystaiko cũng bị cách chức đại diện của Ukraine tại Tổ chức Hàng hải thế giới.
Sắc lệnh của ông Zelensky không nêu rõ lý do cho việc bãi nhiệm. Tuy nhiên, việc này diễn ra khoảng một tuần sau khi nhà ngoại giao này chỉ trích công khai những phát ngôn của Tổng thống Zelensky trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông Prystaiko khi đó cho rằng ông Zelensky có phát ngôn mang ý mỉa mai đồng minh NATO, rất không có lợi.
Theo báo Independent của Anh, ông Prystaiko đã có nhiều cuộc gọi "rất gay gắt" với chính phủ Ukraine ngay sau đó.
Bình luận (0)