Xem nhanh: Chiến dịch ngày 564, tướng Mỹ cảnh báo Ukraine chỉ còn 1 tháng; thêm Challenger 2 bị hạ?

Xem nhanh: Chiến dịch ngày 564, tướng Mỹ cảnh báo Ukraine chỉ còn 1 tháng; thêm Challenger 2 bị hạ?

11/09/2023 23:46 GMT+7

Quân đội Ukraine hôm 11.9 cho biết đã giành lại được thêm lãnh thổ hơn ở mặt trận phía đông và phía nam trong chiến dịch phản công.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar nói Kyiv đã giành lại gần 2 km2 lãnh thổ xung quanh thành phố Bakhmut trong tuần qua.

Bà Maliar cho biết Ukraine đã kiểm soát được một phần làng Opytne ở phía nam thành phố Avdiivka, cũng như có bước tiến gần làng Novomaiorske ở khu vực phía đông Donetsk. Bên cạnh đó, bà Maliar cho biết cũng có thêm một số thành công gần Andriivka và Klishchiivka ở gần Bakhmut. Theo vị quan chức này, lực lượng Kyiv đã giành lại khoảng 49 km2 diện tích gần Bakhmut kể từ khi cuộc phản công bắt đầu.

Ở phía nam, nơi lực lượng Ukraine đang cố gắng tiến về phía biển Azov nhằm chia cắt lực lượng Nga, bà Maliar cho biết lực lượng Ukraine đã đạt được thành công ở phía nam làng Robotyne và phía tây Verbove ở vùng Zaporizhzhia, và giành lại 1,5 km2 lãnh thổ trong tuần qua.

Không thể xác thực thông tin của hai bên về diễn biến chiến trường.

Các tiến bộ được đưa ra trong bối cảnh một vị tướng hàng đầu Mỹ cảnh báo rằng thời gian để Ukraine giành được đột phá không còn nhiều.

Liên quan đến nhận định các hoạt động quân sự sẽ bị cản trở khi Ukraine bước vào mùa thu, lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine Kyrylo Budanov tuyên bố lực lượng nước này sẽ tiếp tục phản công cho dù “cái lạnh và địa hình ẩm ướt, bùn lầy có gây khó khăn cho chiến đấu”.

Cơ quan tình báo quân sự Ukraine ước tính Nga đã triển khai khoảng 420.000 quân đến Ukraine. Phó lãnh đạo cơ quan này, ông Vadym Skibitskyi hôm 19.9 cho biết Nga đã triển khai 46 hệ thống tên lửa Iskander dọc biên giới 2 nước.

Trả lời phỏng vấn tạp chí The Economist cuối tuần qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã sẵn sàng cho một cuộc xung đột kéo dài với Nga khi triển vọng hòa đàm vẫn mờ mịt.

Ông Zelensky tiếp tục bác bỏ ý tưởng nhượng bộ Nga để chấm dứt xung đột. Ông tuyên bố cuộc chiến sẽ còn tiếp diễn "chừng nào lực lượng Nga còn trên lãnh thổ Ukraine".

Theo ông Zelensky, Nga đang tìm cách vắt kiệt nguồn lực của Ukraine, nhưng chính Nga cũng sẽ bất lợi nếu xung đột kéo dài vì nguồn lực hạn chế.

Ông Zelensky thừa nhận có nguy cơ phương Tây có thể cắt giảm viện trợ khi xung đột kéo dài, và khi đó, Ukraine có thể sẽ phải "quân sự hóa hoàn toàn nền kinh tế".

Nói về viện trợ quân sự cho Ukraine thì một loại vũ khí đình đám nước này đã nhận được là xe tăng chủ lực Challenger 2 của Anh. Đây là loại vũ khí chưa từng bị bắn hạ trên chiến trường trước khi được chuyển đến Ukraine. Nhưng cho đến nay đã có 2 chiếc bị vô hiệu hóa trong cuộc phản công miền nam.

Hãng tin Interfax hôm nay 11.9 dẫn một số nguồn tin cho hay nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ thăm vùng Viễn Đông của Nga trong những ngày tới.

Trong khi đó, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc hôm nay dẫn một nguồn tin chính phủ cấp cao giấu tên nói nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như đã khởi hành tới Nga để tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin.

Theo nguồn tin này, một đoàn tàu của Triều Tiên được cho là chở nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đã rời thủ đô Bình Nhưỡng vào tối 10.9 và cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo có thể diễn ra sớm nhất là vào ngày 12.9.

Đây sẽ là chuyến thăm thứ hai của ông Kim tới Nga. Vào năm 2019, ông đã đến ga Khasan và sau đó đến thăm Vladivostok.

Ở một diễn biến khác thì có thông tin cho biết Mỹ đang có ý định chuyển giao tên lửa ATACMS có tầm bắn tới 300 km cho Ukraine. Loại tên lửa này có thể được bắn bằng từ các tổ hợp pháo phản lực HIMARS, giúp Ukraine tấn công sâu vào hậu phương Nga.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 10.9 cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm hồi sinh thỏa thuận ngũ cốc biển Đen nhưng loại trừ Nga đều không có tính bền vững cao. Nga đã rút khỏi sáng kiến này vào tháng 7.

Tại cuộc họp báo sau khi Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn (tức G20) bế mạc tại Ấn Độ hôm 10.9, ông Erdogan khẳng định Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đều tiếp tục thảo luận về thỏa thuận ngũ cốc, và cho rằng vẫn hy vọng để thỏa thuận được hồi sinh.

Ông Erdogan thúc giục một số nhà lãnh đạo G20 đáp ứng một số yêu cầu của Nga về xuất khẩu ngũ cốc, phân bón.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.