Xem nhanh: Chiến dịch ở Ukraine ngày 171, Nga cảnh báo Mỹ, EU xác nhận tiêu chuẩn kép

13/08/2022 23:55 GMT+7

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các lực lượng nước này đã kiểm soát hoàn toàn làng Pisky ở ngoại vi tỉnh Donetsk. Nếu được xác thực, đây là bước tiến mới trong nỗ lực của Nga nhằm kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass của Ukraine .

Chính quyền Ukraine trong khi đó tỏ ra cương quyết sẽ giành lại kiểm soát toàn bộ lãnh thổ. Cố vấn tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak hôm nay nói rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine chỉ chấm dứt khi vùng Crimea được trao trả về cho Ukraine, và lãnh đạo Nga bị trừng phạt.

Quốc hội Latvia hôm 11.8 đã tuyên bố Nga là nhà nước bảo trợ khủng bố vì xung đột ở Ukraine và kêu gọi các đồng minh phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện hơn đối với Moscow.

Giới nghị sĩ Mỹ cũng đã có động thái tương tự. Hai thượng nghị sĩ hàng đầu của Mỹ - ông Richard Blumenthal của đảng Dân chủ và ông Lindsey Graham thuộc đảng Cộng hòa - tuyên bố sẽ vận động Thượng viện Mỹ thông qua dự luật xếp Nga vào danh sách nhà nước bảo trợ khủng bố. Nga đã có phản ứng rất quyết liệt trước khả năng này.

Sau vụ nổ gần đây tại căn cứ không quân Nga ở Crimea, đài RT hôm 12.8 đưa tin Bộ Quốc phòng Ukraine khuyến cáo du khách Nga không nên đến bán đảo Crimea trong mùa hè này, với hàm ý đe dọa rằng du khách Nga có thể thiệt mạng nếu quân đội Ukraine pháo kích hoặc không kích. Khuyến cáo được đưa lên Twitter ngày 11.8, cùng một đoạn video về các vụ nổ tại căn cứ không quân Saky của Nga ở Crimea ngày 9.8.

Nguyên nhân gây ra các vụ nổ tại căn cứ Saky vẫn còn là bí ẩn, nhưng hình ảnh hiện trường cho thấy nhiều khả năng căn cứ đã bị tấn công bởi vũ khí có khả năng tránh được hệ thống phòng thủ của Nga.

Theo Reuters, giới chuyên gia phương Tây nhận định vụ nổ tại căn cứ Saky cho thấy Ukraine có lẽ đã có được một khả năng tấn công tầm xa mới có thể giúp thay đổi cục diện của cuộc chiến. Ngoài ra, Viện Nghiên cứu chiến tranh (Mỹ) nhận định các quan chức Ukraine đang xem vụ nổ tại Crimea là khởi đầu cho cuộc phản công của lực lượng nước này ở miền nam, báo hiệu các cuộc giao tranh trong những tuần tới sẽ trở nên ác liệt hơn.

Căn cứ này nằm ngoài tầm bắn của các loại hỏa tiễn tiên tiến mà các nước phương Tây thừa nhận đã gửi đến Ukraine cho đến nay, như tổ hợp HIMARS, nhưng vẫn nằm trong phạm vi của các loại đạn uy lực hơn mà Kyiv đang muốn được Mỹ cung cấp. Tuy nhiên, Washington đã tuyên bố rằng mình không can dự vào vụ nổ vì chưa cung cấp loại đạn này cho Kyiv.

Trong một cuộc họp báo ở Berlin ngày 11.8, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ước tính dự án tái thiết Ukraine sẽ tiêu tốn nhiều hơn so với Kế hoạch Marshall nổi tiếng do Mỹ tài trợ năm 1947 nhằm khôi phục châu Âu sau Thế chiến 2. Kế hoạch Marshall đã tiêu tốn khoảng 13 tỉ USD vào thời điểm thực hiện (tức khoảng 150 tỉ USD theo giá trị tiền tệ hiện nay) cho các chương trình phục hồi kinh tế. Trước đó, Thủ tướng Scholz cho hay sự tàn phá mà ông chứng kiến khi đến thăm Ukraine trong tháng 6 đã khiến ông nhớ đến hình ảnh các thành phố của Đức bị tàn phá sau Thế chiến 2 và nhấn mạnh “giống như châu Âu bị chiến tranh tàn phá khi đó, Ukraine ngày nay cần có một Kế hoạch Marshall để tái thiết”.

Kính mời quý vị theo dõi bản tin tổng hợp tình hình giao tranh Nga-Ukraine ngày 13.8.2022 của Báo Thanh Niên để biết thêm chi tiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.