Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 417 có diễn biến gì nóng?

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 417 có diễn biến gì nóng?

17/04/2023 23:50 GMT+7

Báo cáo cập nhật của Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho rằng trách nhiệm tiến hành các chiến dịch tấn công của Nga ở Ukraine dường như ngày càng được chuyển nhiều cho lực lượng đổ bộ đường không tinh nhuệ của Nga.

Bộ Quốc phòng Anh trong báo cáo tình báo mới cho rằng thượng tướng Mikhail Teplinsky, chỉ huy Lực lượng Đổ bộ đường không tinh nhuệ Nga, "nhiều khả năng quay lại vai trò chính ở Ukraine", sau khi bị mất chức hồi tháng 1.

ISW nhận định rằng việc tái bổ nhiệm tướng Teplinsky, dù vai trò chưa rõ, dường như là dấu hiệu cho thấy Nga chuẩn bị sắp xếp lại các chỉ huy cấp cao sau đợt tấn công mùa đông không thành công như mong đợi, và giữa khả năng Ukraine phản công.

Các blogger quân sự Nga cũng đưa tin về việc lực lượng quân sự tư nhân Wagner đang sử dụng xe tăng T-90 trong cuộc tấn công ở Bakhmut. Đây là dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo Nga đã phân bổ nhiều thiết bị hiện đại hơn cho Wagner. Do đó, việc tái bổ nhiệm tái Teplinsky cũng có thể là một nỗ lực của quân đội Nga nhằm cải thiện quan hệ với lực lượng Wagner nhằm hoàn thành nhiệm vụ chiếm Bakhmut.

Ở một diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16.4 đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc.

Thư ký An ninh Quốc gia và Quốc phòng của Ukraine, ông Oleksiy Danilov hôm 16.4 nói nước này chưa phát hiện Nga sử dụng vũ khí của Trung Quốc trong cuộc xung đột.

Như quý vị đã biết, Trung Quốc tự xem mình có tiềm năng là bên trung gian đàm phán cho Nga và Ukraine. Hôm 14.4, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương nói Bắc Kinh sẽ không bán vũ khí cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột.

Trong khi đó, hãng tin Kyodo ngày 17.4 đưa tin ngoại trưởng các nước G7 nhóm họp tại Nhật Bản đã đồng ý tăng cường hợp tác nhằm ngăn ngừa Nga né tránh các lệnh cấm vận về kinh tế và nhận vũ khí từ các nước khác để phục vụ chiến dịch tại Ukraine.

Các ngoại trưởng thuộc nhóm G7, gồm các nước Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý, cũng lên án thông báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc sẽ điều động vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus.

Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi, người chủ trì cuộc họp, cho biết G7 dự định thể hiện "quyết tâm mạnh mẽ" của mình để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Thưa quý vị, liên quan đến cuộc phản công dự kiến sắp diễn ra của Ukraine, các tài liệu tình báo rò rỉ gần đây cho thấy Mỹ không quá lạc quan.

Những tài liệu mật này cho thấy trong những cuộc thảo luận ở Lầu Năm Góc, các quan chức Mỹ nhận định chiến thắng quân sự toàn diện cho Ukraine là bất khả thi và phương Tây cũng gặp rất nhiều khó khăn trong duy trì nguồn cung vũ khí, đạn dược cho Kyiv.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) đánh giá "không có bất cứ giải pháp" để chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine trong năm 2023, khi cả hai bên đều không thể tung ra đòn quyết định. Họ cũng cảnh báo khi chiến sự kéo dài, sự ủng hộ của người dân phương Tây, đặc biệt là dân Mỹ, sẽ suy yếu dần và khó lòng duy trì nguồn tiền viện trợ hàng tỉ USD cho Ukraine.

Một cựu bộ trưởng quốc phòng Ukraine mới đây cũng thừa nhận rằng phương Tây có lẽ đang nghi ngờ Ukraine có thể giành lại được toàn bộ các lãnh thổ Nga đang kiểm soát, bao gồm cả bán đảo Crimea.

Cũng liên quan đến vụ rò rỉ tài liệu mật nghiêm trọng gần đây tại Lầu Năm Góc, từ số tài liệu này đã lộ ra thêm thông tin chi tiết về vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào máy bay trinh sát A-50U của Nga được triển khai tại Belarus.

Như quý vị còn nhớ, phe đối lập lưu vong Belarus hôm 26.2 nói rằng ột nhóm chống chính phủ đã dùng UAV tập kích và phá hủy hoàn toàn phi cơ quân sự trị giá hơn 348 triệu USD này ở căn cứ Machulishchy gần thủ đô Minsk.

Theo một tài liệu bị rò rỉ đóng dấu mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), đặc vụ Ukraine nằm vùng ở Belarus đã hành động trái lệnh Tổng thống Volodymyr Zelensky khi tập kích máy bay A-50U Nga.

Theo tài liệu, giám đốc Cơ quan An ninh Ukraine Vasyl Malyuk ban đầu đề xuất sử dụng tên lửa để tấn công máy bay Nga đồn trú tại Belarus. Tuy nhiên, ông sau đó đề xuất sử dụng UAV cỡ nhỏ để thực hiện nhiệm vụ này, vì tình báo Ukraine có đặc vụ nằm vùng ở Belarus.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các cố vấn lo ngại rằng vụ tấn công này có thể thúc đẩy Belarus tham gia chiến sự cùng Nga. Theo chỉ đạo của ông Zelensky, Cơ quan An ninh Ukraine đã đình chỉ kế hoạch tấn công, nhưng vụ tập kích nhắm vào máy bay A-50U của Nga ở Belarus cuối cùng vẫn xảy ra.

Theo tài liệu tình báo Mỹ bị rò rỉ, Giám đốc Cơ quan An ninh Ukraine Malyuk “sau đó giải thích với ông Zelensky rằng đặc vụ nằm vùng tại Belarus đã tự ý tiến hành tập kích máy bay dù không được chỉ đạo".

Phía Belarus nói vụ tấn công chỉ khiến máy bay bị hư hỏng nhẹ bên ngoài Chiếc A-50 này sau đó đã rời căn cứ ở Belarus, có lẽ trở về Nga để sửa chữa.

Nhân nói về các loại UAV dùng để tấn công, phía Nga gần đây nhắc đến hiệu suất chiến đấu của một loại UAV mà theo họ là đã giúp gây thiệt hại đến 50% số pháo kéo và pháo tự hành mà NATO cung cấp cho Ukraine.

Vũ khí phương Tây đang tiếp tục được đổ đến Ukraine để giúp nước này chuẩn bị lực lượng cho cuộc phản công lớn dự kiến sẽ diễn ra trong những tuần tới. Hãng tin Reuters hôm 17.4 đưa tin Bộ Quốc phòng Slovakia cho biết nước này đã bàn giao tất cả 13 máy bay chiến đấu MiG-29 mà nước này đã cam kết cho Ukraine. Trong số này thì 10 máy bay có thể vận hành và ba chiếc được dùng để rã xác lấy phụ tùng.

Slovakia đã cùng với Ba Lan cam kết cung cấp máy bay vào tháng 3 để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga và đã bàn giao 4 máy bay đầu tiên vào tháng trước.

Slovakia năm ngoái quyết định loại biên phi đội tiêm kích MiG-29 được chế tạo từ thời Liên Xô do quá trình bảo đảm vận hành phải phụ thuộc vào các công ty và kỹ thuật viên Nga. Kể từ đó, hai nước láng giềng Cộng hòa Czech và Ba Lan đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ không phận cho Slovakia.

Trong khi đó, tờ La Republica ngày 16.4 đưa tin Ý đã chuyển hàng chục khẩu pháo tự hành M109 155 mm do Mỹ sản xuất đã được tân trang lại cho Ukraine. Tờ báo này dẫn lời một số nguồn tin giấu tên cho biết Rome có kế hoạch chuyển giao tổng cộng 60 khẩu pháo M109 cho Kyiv "trong tương lai gần". Nhiều pháo M109 và đạn đã được một số quốc gia phương Tây, bao gồm cả Mỹ, tặng cho Ukraine.

Trước đó, tờ The Washington Post ngày 12.4 đưa tin cuộc phản công của Ukraine bị trì hoãn do nhiều yếu tố, bao gồm thời tiết, chuyển giao thiết bị chậm và thiếu đạn dược.

Tờ Kyiv Independent dẫn lời giới chức nói để tiến hành một cuộc phản công tổng lực, các đơn vị quân đội Ukraine cần có thêm trang thiết bị hạng nặng, xe bọc thép và huấn luyện.

Tờ Kyiv Independent cũng dẫn lời quan chức Ukraine cảnh báo về một mối đe dọa mới từ các cuộc không kích của Nga.

Việc Ba Lan và Hungary tuyên bố cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine để hỗ trợ sản xuất trong nước. Liên minh châu u (EU) sau đó đã chỉ trích hành động đơn phương của các nước này.

Phát ngôn viên Ủy ban châu u hôm 16.4 ra tuyên bố: "Chúng tôi đã biết về việc Ba Lan và Hungary thông báo cấm nhập khẩu ngũ cốc cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác từ Ukraine. Cần phải làm rõ rằng chính sách thương mại thuộc thẩm quyền của Liên minh châu u (EU), do đó những hành động đơn phương là điều không thể chấp nhận".

EU khẳng định vào những thời điểm khó khăn, điều quan trọng nhất là phải phối hợp và thống nhất các quyết định trong liên minh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.