Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 419 có diễn biến gì nóng?

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 419 có diễn biến gì nóng?

19/04/2023 23:28 GMT+7

Theo CNN dẫn thông tin từ quân đội Ukraine, Nga đã tiến hành 60 cuộc không kích trong 24 giờ qua khi giao tranh ác liệt vẫn tiếp tục diễn ra ở miền đông Ukraine, đặc biệt là bên trong và xung quanh thành phố Bakhmut.

Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine trong một bản cập nhật tình hình sáng 19.4 cho biết: “Trong ngày qua, đối phương đã phóng 4 tên lửa và thực hiện 60 cuộc không kích, 58 cuộc tấn công bằng pháo phản lực bắn loạt; dân thường cũng bị thương".

Bộ này cho biết thêm rằng các lực lượng phòng vệ Ukraine đã đẩy lùi hơn 60 cuộc tấn công các khu vực trên mặt trận trong 24 giờ qua.

Trước đó vào hôm 18.4, lực lượng không quân Ukraine thông báo Moscow đã phát động một cuộc tấn công trong đêm vào thành phố Odessa bằng máy bay không người lái (UAV) tự sát.

Không quân Kyiv cho biết đã phá hủy 10/12 UAV này.

Bộ chỉ huy tác chiến miền Nam của Ukraine cho biết thêm rằng một trong những máy bay trên đã đâm vào một cơ sở hạ tầng và gây hỏa hoạn, nhưng đám cháy đã nhanh chóng được dập tắt. Không có thương vong nào được báo cáo.

Ngày 18.4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm đến Kherson và Luhansk. Điện Kremlin sau đó có thông tin chi tiết hơn về sự kiện này. Theo đó, đây là chuyến thăm hoàn toàn bất ngờ đối với các chỉ huy tại chỗ. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Sĩ quan chỉ huy cánh quân Dnepr và cánh quân Đông được yêu cầu tham gia họp với Tổng thống qua cầu truyền hình, và hoàn toàn không biết rằng ông Vladimir Putin sẽ đến thăm khu vực họ phụ trách".

Ông Peskov nói Tổng thống Putin quyết định trực tiếp thăm sở chỉ huy lực lượng Nga tại hai tỉnh để các sĩ quan không phải rời nhiệm vụ để tới Moscow dự họp. Sau cuộc họp với Tổng thống, các chỉ huy đã lập tức trở về vị trí chỉ huy tại thực địa.

Cũng trong cùng ngày 18.4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến thăm một thành phố trên tiền tuyến hiện đang đối mặt với nguy cơ bị Nga tập trung tấn công mạnh.

Trả lời phỏng vấn thông tấn xã Tass của hôm 18.4, ông Yan Gagin, cố vấn cấp cao của lãnh đạo vùng ly khai Donetsk, cho biết lực lượng quân sự tư nhân Wagner của Nga được cho đã kiểm soát khoảng 90% diện tích Bakhmut.

Một tuần trước, người lãnh đạo Wagner, ông Yevgeny Prigozhin nói Nga đã kiểm soát hơn 80% Bakhmut, bao gồm toàn bộ các tòa nhà hành chính. Tuy nhiên, ông Prigozhin cũng xác nhận lực lượng Ukraine chưa có dấu hiệu rút khỏi Bakhmut và Wagner cần sự hỗ trợ từ phía quân đội Nga để duy trì nhịp độ chiến sự ở Donbass.

Ông Yan Gagin cáo buộc quân đội Ukraine đã và đang cho nổ phá hủy các cơ sở hạ tầng chính trước khi rời khỏi vùng ngoại ô phía tây của Bakhmut. Ông nói: "Các lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng chiến thuật tiêu thổ. Đây là những gì họ đã làm ở Volnovakha và Mariupol, và bây giờ, họ đang cho nổ tung và cài bẫy mìn tại các cơ sở hạ tầng chính ở Bakhmut trước khi rút lui khỏi vùng ngoại ô phía tây của thành phố”.

Giới chức “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” (DPR) tự xưng hôm nay cáo buộc Ukraine phá hủy các tòa nhà chung cư đã khiến "ít nhất 20 người, trong đó có ba trẻ em, thiệt mạng khi đang ẩn náu trong tầng hầm các tòa nhà này".

Ukraine chưa bình luận về các thông tin mà phe ly khai đưa ra. Nhưng hôm 18.4, Tướng Ukraine Oleksandr Syrskyi, Tư lệnh lục quân Ukraine nói Nga đang "tăng cường hoạt động của pháo hạng nặng và các cuộc không kích" ở Bakhmut, đồng thời nói thêm rằng vụ pháo kích đang "biến thành phố thành đống đổ nát".

Trong khi đó, viện trợ quân sự của phương Tây đang tiếp tục đổ đến Ukraine. Mỹ xác nhận các xe bọc thép M2 Bradley đã xuất hiện ở Ukraine.

Còn theo CNN, Đức đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tới Ukraine, giúp Kyiv củng cố năng lực phòng không đang bị suy giảm trong cuộc chiến tiêu hao.

Bên cạnh hệ thống Patriot, chính phủ Đức trong tuần trước cũng đã chuyển giao thêm 16 xe tải Zetros bổ sung và 2 phương tiện bảo vệ biên giới bổ sung.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, có hiệu quả cao trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo và hành trình, được coi là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến và hiệu quả nhất.

Đức và Mỹ đã cam kết gửi cho Ukraine hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến vào tháng 12 năm ngoái, sau nhiều lần yêu cầu từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Hà Lan cũng đã bày tỏ “ý định” gửi cho Ukraine hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, theo CNN.

Tuy nhiên, với dòng viện trợ vũ khí, khí tài ngày càng hiện đại đổ đến, binh sĩ Ukraine cũng đối mặt với một khó khăn mới.

Cũng trong một thông tin liên quan đến viện trợ vũ khí, tổng thống Hàn Quốc mới đây để ngỏ khả năng Hàn Quốc gửi vũ khí cho Ukraine. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc đề cập tới khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát. Phương Tây trước đó nhiều lần kêu gọi Hàn Quốc viện trợ vũ khí cho Ukraine nhưng Tổng thống Yoon Suk-yeol hồi đầu tháng 4 tái khẳng định chính sách của Hàn Quốc cấm cung cấp vũ khí cho các quốc gia có xung đột.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh liên bang Nga Dmitry Medvedev cùng ngày đăng tuyên bố trên mạng xã hội nói rằng nếu Hàn Quốc thay đổi quan điểm, những vũ khí mới nhất của Nga sẽ xuất hiện tại CHDCND Triều Tiên.

Phát biểu tại hội nghị hôm 18.4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo hệ thống kiểm soát vũ khí toàn cầu có thể sụp đổ khi các cường quốc rút khỏi những thỏa thuận hạt nhân quan trọng.

Ông Stoltenberg nói: "Chúng ta đang đứng trước ngã ba đường, trong đó một hướng là sự biến mất của các cơ chế kiểm soát vũ khí quốc tế, dẫn đến sự bùng nổ của vũ khí hủy diệt hàng loạt, tiềm ẩn nhiều hậu quả nguy hiểm".

Tuyên bố được ông Stoltenberg đưa ra vài tuần sau khi Nga đình chỉ tham gia New START, hiệp ước kiểm soát hạt nhân cuối cùng với Mỹ, và sau đó công bố kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Nhà lãnh đạo NATO cho rằng quyết định này khiến Nga trở thành "mối đe dọa trực diện với an ninh NATO".

Trong một thông tin khác, hôm 18.4, ông Oleg Kotenko, đặc phái viên phụ trách vấn đề người mất tích trong hoàn cảnh đặc biệt của Ukraine, cho hay khoảng 7.000 binh sĩ Ukraine mất tích trong cuộc xung đột.

Theo giới chức Ukraine, những binh sĩ thuộc diện mất tích có thể bị Nga bắt giữ hoặc đã tử trận nhưng không tìm thấy thi thể hoặc không nhận dạng được.

Cả Nga và Ukraine đến nay hiếm khi công bố số liệu binh sĩ thương vong hay mất tích trong cuộc xung đột kéo dài hơn một năm qua.

Kể từ khi giao tranh nổ ra, hai bên đã tiến hành nhiều đợt trao đổi tù binh. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 18.4 cho biết, đến nay, nước này đã nhận lại được hơn 2.200 binh sĩ trong các đợt trao đổi tù binh.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine gần đây đã có một câu nói lỡ lời buộc ông sau đó phải xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một phát biểu hồi đầu tháng, Bộ trưởng Oleksii Reznikov nói tổn thất binh sĩ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga ít hơn số nạn nhân trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 2.

Đến ngày 17.4, ông Reznikov phải đăng trên trang Twitter lời “thành thật xin lỗi người dân Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ, những người bị tổn thương” khi nghe phát biểu của ông. Ông cũng bày tỏ sự biết ơn sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bối cảnh đang tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, dường như Nga vẫn muốn chứng tỏ mình đủ năng lực để tiến hành các hoạt động thường quy của lực lượng vũ trang tại những khu vực khác trên đất nước rộng lớn này. Mới đây Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã triển khai một cuộc tập trận lớn và Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow vẫn đặt việc phát triển năng lực hải quân lên hàng đầu, đồng thời cảnh báo rằng hạm đội chắc chắn có thể được triển khai trong các cuộc xung đột theo bất kỳ hướng nào.

Theo CNN dẫn lời một nhà phân tích, tổn thất trên chiến trường và lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến quân đội Nga rơi vào tình trạng khó khăn, nhưng Moscow vẫn sẽ có đủ hỏa lực để kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine.

Báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết Nga đã mất gần 10.000 đơn vị thiết bị quan trọng như xe tăng, xe tải, pháo và máy bay không người lái.

Nhưng CSIS này cũng nói rằng Nga có thể tận dụng các nguồn dự trữ từ thời Chiến tranh Lạnh và cũ hơn để bù đắp những gì nước này đã mất.

Báo cáo viết: "Chất lượng của quân đội Nga về trang thiết bị tiên tiến có thể sẽ giảm sút, ít nhất là trong thời gian tới”.

CSIS cũng nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của sự tổn thất xe tăng chiến đấu chủ lực Nga, đặc biệt là những phương tiện hiện đại.

Cơ quan nghiên cứu này cho biết Moscow phải tân trang và đưa những chiếc xe tăng cũ hàng thập niên của mình trở lại hoạt động vì không có đủ nguồn lực để chế tạo xe mới, khi các lệnh trừng phạt khiến họ không thể tìm nguồn cung phụ tùng và thiết bị cần thiết để lắp ráp.

Phía Nga chưa bình luận về báo cáo này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.