Xem nhanh: Ngày 366 chiến dịch, Ukraine nhận xe tăng Leopard, ngóng M1-Abrams; Nga mất 50% T-72?

Xem nhanh: Ngày 366 chiến dịch, Ukraine nhận xe tăng Leopard, ngóng M1-Abrams; Nga mất 50% T-72?

25/02/2023 23:42 GMT+7

Trong cuộc họp báo ngày 24.2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine đang chuẩn bị một chiến dịch lớn để giành lại bán đảo Crimea. Ông nói Ukraine đang thành lập các đơn vị mới đặc biệt cho nhiệm vụ này, trong đó có sự tham gia của số quân nhân đang được đào tạo ở nước ngoài.

Nga đã nhiều lần cảnh báo sẽ xem việc tấn công vào Crimea là hành động vượt giới hạn. Đầu tháng 2, Phó chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev, tuyên bố rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào Crimea sẽ được coi là một cuộc tấn công trực tiếp vào chính Nga và sẽ "đối mặt với sự trả đũa không thể tránh khỏi bằng bất kỳ loại vũ khí nào".

Cũng trong ngày 24.2, giới chức Ukraine chỉ ra những dấu hiệu cho thấy Nga đang khẩn trương gia tăng phòng vệ cho Crimea.

Ở phía ngược lại, ông Vladimir Rogov, một quan chức thân Nga tại miền nam Ukraine, hôm 24.2 cho biết quân đội Ukraine đã huy động một lực lượng lớn về khu vực hữu ngạn sông Dnipro ở vùng Dnepropetrovsk. Ông nhận định đây là động thái chuẩn bị vượt sông nhằm tiến hành một cuộc phản công lớn tại khu vực miền Nam nước này.

Ông Rogov bình luận rằng kế hoạch tấn công của Ukraine có thể đến từ sức ép từ các quốc gia phương Tây, những nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Kyiv.

Liên quan đến viện trợ quân sự thì hôm 24.2, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố chi tiết những loại vũ khí mà Washington D.C sẽ gửi cho Kiev trong gói viện trợ quân sự mới nhất trị giá 2 tỉ USD.

Theo đó, Mỹ sẽ gửi cho Ukraine đạn dược bổ sung cho các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt HIMARS, đạn pháo cỡ nòng 155mm, đạn tên lửa dẫn đường bằng laser, các máy bay không người lái CyberLux K8, Switchblade 600, Altius-600 và Jump 20, thiết bị tác chiến điện tử chống UAV, phương tiện dọn mìn, và trang thiết bị liên lạc an toàn. Bên cạnh đó, một khoản tiền tài trợ cho hoạt động huấn luyện, bảo trì và vật tư thay thế cũng được gửi đến cho Ukraine.

Cũng trong ngày 24.2, sau thời gian dài chờ đợi, Kyiv hôm 24.2 đã nhận được lô xe tăng Leopard 2 đầu tiên từ Ba Lan. Tuy nhiên, một quan chức của quân đội Mỹ mới đây thông báo rằng Ukraine sẽ khó nhận được xe tăng Abrams mà Washington đã hứa cung cấp trong năm nay.

Báo cáo tình báo của Bộ Quốc phòng Anh hôm 24.2 nhận định rằng đến thời điểm hiện tại, chiến dịch quân sự của Nga có lẽ “chủ yếu tìm cách làm suy yếu quân đội Ukraine, thay vì tập trung vào việc giành thêm diện tích lớn lãnh thổ".

Theo tình báo quốc phòng Anh Nga giờ đây có khả năng "theo đuổi một chiến dịch dài hạn mà Moscow cho rằng lợi thế về dân số và tài nguyên của Nga cuối cùng sẽ khiến Ukraine cạn kiệt nguồn lực".

Tuy nhiên, quân đội Nga chắc chắn đã phải chịu những tổn thất đáng kể về nhân lực, vật lực trong một năm giao tranh vừa qua. Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, quân đội Nga có thể đã mất đến gần một nửa số lượng xe tăng chủ lực T-72 của mình tại Ukraine.

Theo hãng tin Reuters, các nhà lãnh đạo tài chính của các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có bất đồng về cuộc chiến ở Ukraine và về việc giải quyết gánh nặng nợ nần cho các quốc gia đang phát triển.

Cuộc họp hôm 25.2 của các bộ trưởng tài chính và giám đốc ngân hàng trung ương của các nước G20 do Ấn Độ chủ trì có khả năng kết thúc vào cuối ngày hôm nay mà không có thông cáo chung, do không có sự đồng thuận về cách mô tả cuộc xung đột Ukraine.

Trong khi Mỹ và nhóm các đồng minh G7 đã kiên quyết yêu cầu thông cáo chung phải mạnh lên án Nga về cuộc xung đột ở nước láng giềng, thì các phái đoàn Nga và Trung Quốc phản đối điều này.

Một nguồn tin cấp cao của G20 cho biết các cuộc đàm phán về thông cáo chung rất khó khăn khi Nga và Trung Quốc bác bỏ các đề xuất của các nước phương Tây. Theo vị này và một số quan chức khác, sự đồng thuận về thông cáo chung khó có thể đạt được.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) vào tối 24.2 đã thông qua gói trừng phạt thứ 10 đối với Nga sau một thời gian đàm phán.

Gói trừng phạt mới nhất bao gồm các hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với hàng hóa lưỡng dụng cũng như các biện pháp chống lại các thực thể hỗ trợ cuộc xung đột, truyền bá tuyên truyền hoặc vận chuyển máy bay không người lái được Nga sử dụng.

Như vậy có thể thấy Mỹ và các đồng minh châu Âu vẫn kiên trì đường lối ủng hộ Ukraine kháng cự Nga. Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp cấm vận nhằm trừng phạt và suy yếu Nga, phương Tây tiếp tục đẩy mạnh cung cấp vũ khí với độ uy lực và tầm tấn công ngày càng lớn hơn. Tuy nhiên, có một loại vũ khí mà các nước phương Tây đến nay vẫn chưa đồng ý cung cấp cho Ukraine, đó là các loại máy bay chiến đấu hiện đại. Mới đây Tổng thống Mỹ Joe Biden lại có dịp đề cập đến câu hỏi về khả năng viện trợ máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc vào ngày 28.2.

Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh cho biết chuyến thăm sẽ kéo dài đến ngày 2.3 theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tổng thống Lukashenko là đồng minh thân cận của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin và đã ủng hộ cuộc xung đột của Moscow tại Ukraine.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Belarus Sergei Aleinik hôm 24.2 nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Minsk để tăng cường lòng tin chính trị lẫn nhau.

Vào hồi tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Tập và Tổng thống Lukashenko đã công bố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện khi người nhà lãnh đạo gặp nhau tại thủ đô Samarkand của Uzbekistan.

Cũng trong một thông tin liên quan Trung Quốc, phương Tây trong những ngày gần đây đang tung ra cáo buộc Bắc Kinh đang cân nhắc cung cấp vũ khí cho Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC News hôm 24.2, khi được hỏi về khả năng Trung Quốc chuyển vũ khí hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, Tổng thống Joe Biden nói Mỹ sẽ có "Biện pháp đối phó sẽ như với các nước đã vượt qua lằn ranh. Nói cách khác, Mỹ đã và sẽ áp đặt biện pháp trừng phạt nghiêm khắc với bất kỳ ai làm điều đó".

Tuy nhiên, Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng theo dự đoán của ông, Trung Quốc sẽ không cung cấp vũ khí cho Nga.

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, Tổng thống Biden cho rằng việc Bắc Kinh tham gia vào việc đàm phán về kết quả của cuộc xung đột là "không hợp lý".

Ông Biden nói: "Tổng thống Putin đang hoan nghênh (kế hoạch hòa bình của Trung Quốc), vậy làm sao nó có thể tốt được".

Hôm qua 24.2, Bắc Kinh đã kêu gọi ngừng bắn và đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, và đề xuất 12 điểm để chấm dứt chiến sự.

Kế hoạch của Trung Quốc kêu gọi cả hai bên đồng ý giảm leo thang dần dần và cảnh báo chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tỏ ra thận trọng với đề xuất của Bắc Kinh, nhưng ông cũng nói rằng kế hoạch này chỉ được chấp nhận nếu Nga rút quân khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine mà Moscow đang kiểm soát.

Tổng thống Ukraine cho biết ông "muốn tin" Bắc Kinh quan tâm đến một "hòa bình công bằng". Điều đó có nghĩa là không “cung cấp vũ khí cho Nga”.

EU, NATO cho rằng kế hoạch hòa bình Trung Quốc nêu ra phản ánh không đầy đủ về cuộc chiến, và Bắc Kinh không đủ độ trung lập và tin cậy để dàn xếp xung đột.

Trong khi đó, Nga lại tuyên bố chỉ có một kịch bản duy nhất được xảy ra nếu muốn nối lại đàm phán.

Theo báo The Guardian, quân đội Ukraine cho biết trong hôm 24.2 Nga đã tăng gấp đôi số lượng tàu đang hoạt động ở biển Đen lên 8 tàu. Kyiv dự đoán đây có thể là bước chuẩn bị cho nhiều cuộc tấn công tên lửa hơn.

Hải quân Nga thường xuyên phóng tên lửa từ Hạm đội biển Đen như một phần trong nỗ lực của Moscow nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng và các cơ sở sản xuất điện của Ukraine.

Một trong số các tàu được trang bị 8 tên lửa Kalibr.

Vào cuối tuần trước, Ukraine cho biết Nga đã phóng 4 tên lửa Kalibr từ biển Đen, 2 trong số đó đã bị bắn hạ.

Hạm đội biển Đen của Nga đóng tại Crimea, bán đảo mà Moscow sáp nhập vào năm 2014. Trong quá trình tham gia chiến dịch quân sự của Nga, hạm đội này đã chịu một số tổn thất, mà nặng nhất là việc kỳ hạm Moskva bị đắm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.