Xem nhanh: Ngày 450 chiến dịch, Mỹ mở đường cho F-16 đến Ukraine, sắp cạn ngân sách viện trợ

Xem nhanh: Ngày 450 chiến dịch, Mỹ mở đường cho F-16 đến Ukraine, sắp cạn ngân sách viện trợ

20/05/2023 23:16 GMT+7

Trong ngày 19.5, Ukraine nói đã đẩy lùi nhiều đợt tấn công của các lực lượng Nga đang cố gắng giành giật các khu vực xung quanh thành phố Bakhmut.

Ông Yevgeny Prigozhin, người lãnh đạo lực lượng quân sự tư nhân Wagner đang đóng vai trò xung kích trong cuộc tấn công của Nga vào Bakhmut, cho biết trên ứng dụng Telegram rằng “các trận chiến khốc liệt, đẫm máu” đang tiếp diễn. Ông tuyên bố rằng Wagner sắp hoàn thành việc chiếm giữ thành phố này.

Một số binh sĩ thuộc một đơn vị súng cối Ukraine ở gần Bakhmut nói với Reuters rằng lực lượng Ukraine có những bước tiến trong tuần qua nhưng đang phải đối mặt với hỏa lực dữ dội từ quân Nga.

Giữa lúc Ukraine chuẩn bị tiến hành cuộc phản công được mong đợi từ lâu, chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky vừa nhận được tin vui liên quan đến chiến đấu cơ F-16, loại vũ khí mà Kyiv bấy lâu nay đang mong chờ phương Tây viện trợ.

Sau nhiều tháng tuyên bố Ukraine không cần F-16 để đối đầu Nga, Mỹ cuối cùng cũng thay đổi quan điểm, đồng ý để các quốc gia đồng minh gửi tiêm kích tiên tiến của phương Tây cho Ukraine.

Theo cố vấn Bộ Quốc phòng Ukraine Yuri Sak, Kyiv giờ đây hy vọng các chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất sẽ đến tay họ sớm nhất vào mùa thu này. Ông nói: “Nếu tất cả chúng ta đều cùng nỗ lực và nhanh chóng đưa ra quyết định, tôi ước chừng đến cuối tháng 9, đầu tháng 10, chúng ta sẽ có thể thấy những chiếc F-16 đầu tiên bay trên bầu trời Ukraine”.

Đan Mạch, Bồ Đào Nha đã ngay lập tức bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ đào tạo phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu F-16, sau quyết định ủng hộ từ Mỹ. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng hoan nghênh thông báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trong khi đó, hãng thông tấn TASS dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết các nước phương Tây sẽ gặp “rủi ro lớn” nếu cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.

Liên quan đến viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, tính đến thời điểm này, Washington đã hỗ trợ vũ khí, nhân đạo.. lên đến hàng chục tỉ USD và kể từ khi chiến sự bùng phát, Mỹ là một trong các đồng minh ủng hộ Ukraine nhiều nhất. Tuy nhiên, mới đây hãng tin AP đưa tin rằng Lầu Năm Góc thừa nhận có sự chênh lệch về giá tiền trên giấy tờ và trên thực tế của các loại vũ khí mà họ gửi đến Ukraine, với mức chênh lệch ít nhất là 3 tỉ USD.

Rạng sáng ngày hôm nay, Kyiv lại chịu đợt tập kích mới bằng UAV tự sát của Nga. Các vụ nổ được ghi nhận ở thủ đô và ở thành phố Chernihiv (đông bắc Kyiv) khi lưới phòng không nước này hoạt động.

Ông Serhiy Popko, người đứng đầu chính quyền quân sự Kyiv, nói: “Tất cả mục tiêu được phát hiện trên không đã bị lực lượng phòng không tiêu diệt”. Ông Popko cho biết thêm đây là cuộc không kích thứ 11 vào Kyiv kể từ đầu tháng 5.

Ông nói mảnh vỡ UAV rơi xuống đường phố đã gây ra đám cháy trên nóc tòa nhà chung cư 9 tầng tại quận Dniprovskyi.

Nga đã tiến hành tập kích đường không bằng tên lửa và UAV tự sát gần như hằng ngày vào Ukraine những ngày gần đây.

Hôm 19.5, phát biểu trên truyền hình, Cục phó Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine Vadym Skibitsky cho rằng Moscow đang tập trung tấn công các cứ điểm và kho đạn nhằm làm gián đoạn quá trình chuẩn bị phản công của Kyiv.

Ông Skibitsky nói lực lượng Nga đang tập kích nhiều trung tâm chỉ huy, tuyến tiếp tế hậu cần và những điểm tập kết quy mô lớn đạn dược, vũ khí, nhiên liệu và binh lực.

Ông cũng cho hay phía Nga “dành sự chú ý đặc biệt với các hệ thống phòng không” Ukraine. Còn bà Natalia Humeniuk, người phát ngôn Bộ tư lệnh Tác chiến miền Nam thuộc quân đội Ukraine, cho rằng Moscow đang tăng cường độ không kích nhằm đánh giá, xác định vị trí các tổ hợp phòng không Ukraine và tìm cách bào mòn lưới phòng không của nước này.

Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về phát biểu của các quan chức Ukraine.

Trong một thông tin khác, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố gói viện trợ quân sự trị giá 375 triệu USD cho Ukraine tại TP.Hiroshima (Nhật Bản), nơi ông đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2023, một quan chức Mỹ cho biết.

Theo quan chức giấu tên này, gói hỗ trợ mới sẽ bao gồm pháo, đạn dược và bệ phóng tên lửa của hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS.

Mỹ đến nay đang đứng đầu danh sách viện trợ cho Ukraine, và như quý vị đã biết thì Tổng thống Joe Biden từng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến chừng nào còn cần thiết. Tuy nhiên, một vấn đề lớn đang phát sinh đặt ra nguy cơ dòng viện trợ từ Mỹ sẽ phải tạm ngưng.

Một quan chức Ukraine tuyên bố nước này đã tấn công một căn cứ phòng không Nga ở thành phố Mariupol vào đêm 19.5. Quan chức này là ông Petro Andriushchenko, cố vấn thị trưởng Mariupol do Ukraine bổ nhiệm Ông nói nhiều vụ nổ đã vang lên tại căn cứ có 150 lính phòng không Nga đóng quân.

Trung tâm Kiểm soát và Phối hợp chung (JCCC), một tổ chức của Nga chuyên giám sát các vụ tập kích nhằm vào tỉnh Donetsk và Luhansk, nói rằng quân đội Ukraine đã phóng 4 tên lửa tầm xa từ hướng tây bắc vào Mariupol tối 19.5.

Hãng thông tấn TASS của Nga trước đó dẫn lời quan chức “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng nói rằng các vụ nổ xảy ra ở khu vực sân bay cũ của Mariupol.

Đây là lần đầu tiên Mariupol, thành phố nằm bên bờ biển Azov, bị tập kích trong gần một năm qua, kể từ sau khi Nga giành quyền kiểm soát. Ukraine trước đây không có các loại vũ khí tầm xa đủ chính xác để tấn công, nên đây nhiều khả năng là các tên lửa hành trình tầm xa vừa được phương Tây chuyển giao cho Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa đến TP.Hiroshima (Nhật Bản) để tham dự hội nghị thượng đỉnh G7. Sau khi hạ cánh tại đây, ông viết trên mạng xã hội Twitter nội dung: “Nhật Bản, G7, các cuộc gặp quan trọng với đối tác và bạn bè của Ukraine. An ninh và tăng cường hợp tác vì thắng lợi của chúng ta. Hòa bình hôm nay sẽ tới gần hơn”.

Một quan chức Liên minh châu Âu (EU) nói ông Zelensky sẽ tham gia hai phiên họp vào ngày 21.5, trong đó một phiên chỉ dành cho các thành viên G7 và tập trung vào xung đột tại Ukraine.

Tại những phiên họp đã diễn ra, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí áp đặt thêm lệnh cấm vận lên Nga và các bên ủng hộ chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine. G7 nhấn mạnh không thể đạt được hòa bình nếu Nga chưa rút toàn bộ lực lượng vô điều kiện khỏi Ukraine.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm 19.5 cho biết nước này “hoan nghênh bất cứ nỗ lực hòa giải nào nếu đáp ứng 2 điều kiện cơ bản”.

Nguyên tắc đầu tiên là mọi cuộc hòa đàm, hòa giải phải dẫn đến việc khôi phục toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Ukraine. Ông Kuleba nhấn mạnh Ukraine “không chấp nhận bất cứ kế hoạch hòa bình, sáng kiến hòa bình, nỗ lực hòa giải nào dẫn đến sự mất mát lãnh thổ”.

Một điều kiện nữa, theo ông Kuleba, là không cho phép đóng băng xung đột vì như vậy sẽ giúp Nga có thời gian tập hợp thêm lực lượng để tiến hành một chiến dịch tấn công lớn hơn nữa.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen mới đây cũng tuyên bố các quốc gia thành viên của nhóm G7 phải ủng hộ kế hoạch hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Theo bà von der Leyen, bất kỳ sáng kiến nào nhằm tạo điều kiện cho việc tiến hành đàm phán bình đẳng giữa Nga và Ukraine đều nên bị bác bỏ.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã ngay lập tức lên tiếng phản bác. Hôm 19.5, ông Medvedev viết trên mạng xã hội Telegram rằng: “Làm thế nào có thể tham gia các cuộc đàm phán bình đẳng với một quốc gia đang chịu sự tác động từ bên ngoài? Các cuộc đàm phán chỉ có thể diễn ra với ‘các ông chủ’ của họ, cụ thể là với Washington. Ngoài ra, không có bên đàm phán nào khác”.

Cũng trong hôm 19.5, ông Medvedev đã thông báo số liệu tân binh gia nhập quân đội từ ngày 1.1 đến 19.5. Dẫn lại thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, ông cho biết trong giai đoạn đó đã có hơn 117.000 người tham gia quân đội Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hồi tháng 12.2022 nói rằng cần phải tăng số lượng quân nhân lên 1,5 triệu người để đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới.

Cũng trong ngày 19.5, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên án phương Tây đang tìm cách bẻ gãy Nga thành hàng chục nhà nước, và đang tìm cách chia rẽ giữa những dân tộc thiểu số và những nhóm quốc gia khác nhau bên trong lãnh thổ Nga.

Nhưng ông Putin nhấn mạnh phương Tây cấm vận Nga càng nhiều thì mức độ kết dính của xã hội Nga càng tăng thêm.

Nếu phương Tây liên tiếp áp đặt các vòng trừng phạt lên Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt, thì Nga cũng đã nhiều lần có động thái đáp trả. Mới đây nhất, Nga thông báo sẽ đưa 500 người Mỹ vào diện cấm vận, và một trong số họ có cựu Tổng thống Barack Obama.

Phát biểu bên lề hội nghị G7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói lợi ích của Liên minh châu Âu (EU) là duy trì hợp tác ổn định và xây dựng với Trung Quốc. Đồng thời, ông cho biết EU sẽ kêu gọi Trung Quốc tăng sức ép để Nga chấm dứt hành động quân sự tại Ukraine. Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ tiết lộ các nhà lãnh đạo dự kiến ra tuyên bố với một phần cụ thể về Trung Quốc, gồm nhiều vấn đề như cưỡng ép kinh tế đến các hành vi khác.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói các thành viên G7 muốn giảm thiểu rủi ro liên quan Trung Quốc, không phải là phân ly với quốc gia này. Ông tiết lộ tuyên bố chung của các lãnh đạo sẽ nhấn mạnh rằng mỗi nước có một mối quan hệ và cách tiếp cận độc lập, nhưng G7 đoàn kết và đồng lòng về một bộ tiêu chuẩn chung.

Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản tuyên bố cực kỳ quan ngại về những tín hiệu của các động thái tiêu cực liên quan Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh G7, đồng thời kêu gọi Tokyo không biến hội nghị thành “màn diễn chính trị” chống lại Bắc Kinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.