Tuy nhiên, thông báo này không nêu rõ xuồng của Ukraine là loại có người lái hay là xuồng điều khiển từ xa, địa điểm xảy ra sự việc và loại vũ khí được chiếc Su-30SM sử dụng để diệt mục tiêu. Giới chức Ukraine cũng chưa bình luận về thông tin.
Các cuộc tập kích bằng thiết bị bay không người lái (UAV) vào đất Nga vẫn tiếp diễn. Giới chức Nga đầu ngày 22.8 cho biết quân đội nước này đã bắn hạ 4 UAV của Ukraine gần Moscow và trên khu vực Bryansk giáp biên giới Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết không có thương vong trong vụ tấn công mới nhất.
Một trong số các UAV bị bắn hạ trên bầu trời Krasnogorsk, một thị trấn bên ngoài Moscow, nơi đặt trụ sở chính quyền khu vực Moscow.
Các video và hình ảnh từ hiện trường do hãng truyền thông Baza của Nga đăng tải cho thấy các cửa sổ bị vỡ trong một tòa nhà chung cư cao tầng và các mảnh vỡ trên vỉa hè.
Hãng tin TASS đưa tin không phận thủ đô của Nga đã bị đóng cửa trong thời gian ngắn và 3 sân bay lớn ở Moscow đã đình chỉ các chuyến bay.
Ukraine thường không nhận trách nhiệm về các cuộc tập kích bằng UAV này. Nhưng vào hôm 21.8, người phát ngôn của Tổng cục Tình báo Ukraine (HUR) Andriy Yusov, khi được hỏi về vụ tấn công bằng UAV trước đó, đã úp mở trả lời rằng “HUR đang hoạt động”.
Về diễn biến trên các mặt trận, phía Nga cho biết quân đội nước này đã cải thiện vị trí gần Kupiansk, thành phố mà Ukraine đã tái kiểm soát vào hồi năm ngoái.
Theo thứ trưởng quốc phòng Ukraine Hanna Maliar, giao tranh dữ dội cũng diễn ra gần thành phố Lyman thuộc tỉnh Donetsk. Bà cho biết Nga đang củng cố lực lượng để tiếp tục tấn công vào Lyman và Kupyansk.
Bên cạnh đó, bà Maliar cho biết lực lượng Nga đang tìm cách bao vây thành phố Avdeevka của tỉnh Donetsk, song không thành công. Các đơn vị Nga cũng cố gắng giành lại vị trí tại làng Urozhaine, nơi Ukraine đã giành được kiểm soát vào tuần trước.
Nga chưa bình luận về thông tin này.
Tại mặt trận miền nam, Ukraine và Nga tiếp tục giao tranh dữ dội để giành giật làng Robotyne.
Lực lượng Ukraine tại đây đã được củng cố bằng lữ đoàn đổ bộ đường không tinh nhuệ số 82, nhờ vậy đã có những bước tiến đáng kể trong những tuần gần đây.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Quốc phòng Maliar hôm 21.8 cũng cho rằng việc truyền thông để lộ thông tin về lữ đoàn 82 tham chiến đã khiến đơn vị này bị không kích đến 5 lần/ngày. Bà cảnh báo người chia sẻ trái phép thông tin về hoạt động của quân đội Ukraine có thể đối mặt mức án 5-8 năm tù.
Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, cho biết cam kết của một số nước châu Âu liên quan F-16 sẽ giúp Ukraine giảm thiểu tổn thất và giảm leo thang xung đột.
Ông Podolyak nói: "Việc chuyển giao máy bay chiến đấu (F16) cho Ukraine trước hết là để các nước tài trợ hiểu đầy đủ về bản chất chung của chiến sự và giai đoạn này. Nó cũng liên quan đến việc giảm căng thẳng, giảm đáng kể nguy cơ mở rộng xung đột và thúc đẩy một kết quả công bằng. Điều này cũng giúp giảm thiểu tổn thất của Ukraine, tối ưu hóa các hoạt động tấn công và tăng hiệu quả tiêu diệt quân Nga".
Trước đó vào cuối tuần qua, Hà Lan và Đan Mạch đã tuyên bố sẽ cung cấp F-16 cho Ukraine khi quá trình đào tạo phi công kết thúc.
Ukraine đã phá hủy một máy bay ném bom siêu thanh của Nga trong một cuộc tấn công bằng UAV, theo báo cáo từ BBC và truyền thông Ukraine.
Các báo cáo dựa trên những hình ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy chiếc máy bay tầm xa Tupolev Tu-22 đang bốc cháy. Các hình ảnh đã được phân tích bởi BBC.
BBC đưa tin chiếc máy bay bốc cháy dường như nằm ở phía nam St Petersburg, dựa trên các manh mối trực quan và hình ảnh vệ tinh trước đây về căn cứ không quân Nga.
Cuối tuần trước, Bộ Quốc phòng Nga cho biết một UAV Ukraine đã tấn công vào sân bay quân sự ở khu vực Novgorod của Nga, gây ra hỏa hoạn và làm hư hại một máy bay chiến đấu.
Ukraine chưa thừa nhận vụ tấn công và hiếm khi bình luận về các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.
Trong bản cập nhật tình báo mới nhất, Bộ Quốc phòng Anh cũng đề cập đến báo cáo trên.
Theo tình báo Anh, máy bay ném bom hạng trung Tu-22M3 của Nga rất có thể đã bị phá hủy tại căn cứ không quân Soltsky-2 ở vùng Novgorod hôm 19.8, cách biên giới Ukraine 650 km.
“Nếu đúng, điều này làm tăng thêm sức nặng cho nhận định rằng một số cuộc tấn công bằng UAV nhằm vào các mục tiêu quân sự của Nga đang được tiến hành từ bên trong lãnh thổ Nga. Các máy bay không người lái Copter dường như không đủ tầm xa để tiếp cận Soltsky-2 từ bên ngoài nước Nga”, Bộ Quốc phòng Anh viết.
Tình báo Anh nhận định cuộc tấn công nói trên một lần nữa đặt ra câu hỏi về năng lực của Nga trong việc bảo vệ các địa điểm chiến lược bên trong nước.
Cũng trong một thông tin liên quan, Nga được cho là đã tổn thất thêm 2 trực thăng tấn công Ka-52 tại chiến trường Ukraine.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm 21.8, tướng Marco Bertolini, cựu chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm liên hợp của Ý, cho rằng Ukraine không thể giành chiến thắng quân sự trong cuộc xung đột với Nga và nên cân nhắc đàm phán.
Ông lập luận: "Thực tế, Ukraine không thể đạt được các mục tiêu đề ra theo đúng kế hoạch và khung thời gian dự kiến. Cuộc phản công của họ đang diễn biến rất chậm. Phương Tây thậm chí đang ngày càng hoài nghi về năng lực quân sự của Ukraine. Bức tranh đang bắt đầu thay đổi".
Tướng Bertolini cho rằng Nga chiếm ưu thế về quân số cũng như hỏa lực so với Ukraine, kể cả khi phương Tây đã đổ viện trợ quân sự cho Kyiv.
Ông cũng chỉ ra: "Rõ ràng, Nga sẽ không chấp thuận một lệnh ngừng bắn trong khi Ukraine có thể gia nhập NATO vài phút sau đó và có cơ hội kích hoạt xung đột trở lại. Cuộc chiến này chỉ có thể giải quyết thông qua đàm phán".
Ukraine chưa có phản ứng về phát ngôn trên.
Chuyển sang một thông tin khác, trong video mới nhất được công bố, lãnh đạo tập đoàn quân sự tư nhân Wagner đã tuyên bố sẽ giúp nước Nga “trở nên vĩ đại hơn”.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley, đã gặp Giáo hoàng Francis tại Vatican ngày 21.8, thảo luận về các vấn đề bao gồm cả xung đột ở Ukraine.
Hãng tin AFP dẫn lời tướng Milley sau đó cho biết: "Giáo hoàng rõ ràng rất quan tâm đến hàng trăm ngàn người đã thiệt mạng và bị thương cũng như những sinh mạng của dân thường vô tội".
Ông Milley nói Giáo hoàng muốn lắng nghe quan điểm của ông về “tình trạng chiến tranh và tình trạng của cuộc chiến, cũng như thảm kịch nhân loại đang diễn ra ở Ukraine".
Ông Milley đã đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine, trong đó có việc cung cấp thiết bị quân sự và huấn luyện để giúp Kyiv chống lại lực lượng Nga.
Trong khi đó, Giáo hoàng Francis thường xuyên kêu gọi hòa bình ở Ukraine và đặc phái viên hòa bình của ông đã đến Moscow vào tháng 6, chỉ vài tuần sau khi đến thăm Kyiv.
Bình luận (0)