Làng Robotyne là khu dân cư quan trọng ở phía tây vùng Zaporizhzhia mà lực lượng Ukraine đã giành được trong tháng 9.
Viện ISW lưu ý rằng các đơn vị Nga tại đây đang tiến hành nhiều cuộc phản kích chiến thuật gần Robotyne trong chiến lược “phòng thủ chiều sâu” trước lực lượng phản công Ukraine.
Tuy nhiên, một diễn biến không xuất phát từ các mặt trận lại có thể gây quan tâm hơn nhiều, đó là điều đã xảy ra trên tại quốc hội Mỹ hôm 30.9.
Quốc hội lưỡng viện Mỹ đã nhất trí thông qua dự luật ngân sách tạm thời của Mỹ, trong đó không có viện trợ dành cho Ukraine. Điều này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến Kyiv trong giai đoạn quan trọng này của cuộc phản công. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lập tức gây sức ép lên giới nghị sĩ đảng công hòa để thông qua gói ngân sách mới cho Ukraine.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết hiện chưa có kế hoạch triển khai chuyên gia huấn luyện quân sự tới Ukraine, đáp trả những bình luận của bộ trưởng quốc phòng.
Cho đến nay, Anh và các đồng minh vẫn tránh hiện diện quân sự chính thức ở Ukraine để giảm nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Grant Shapps, người được bổ nhiệm vào vị trí này vào tháng 9, trong một cuộc phỏng vấn trước đó cho biết ông muốn triển khai các chuyên gia huấn luyện quân sự đến Ukraine, bên cạnh việc huấn luyện lực lượng vũ trang Ukraine ở Anh hoặc các nước phương Tây khác.
Vài giờ sau khi cuộc phỏng vấn đó được công bố, ông Sunak khẳng định hiện chưa có kế hoạch đưa quân đội Anh tới Ukraine trong thời gian sớm.
Ông Sunak nói: "Điều mà bộ trưởng Quốc phòng nói là có thể một ngày nào đó trong tương lai chúng tôi sẽ thực hiện một số hoạt động huấn luyện ở Ukraine. Nhưng chuyện đó là chuyện lâu dài, không phải ở đây và bây giờ. Sẽ không có binh sĩ Anh nào được cử đi chiến đấu ở cuộc xung đột hiện tại".
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Shapps ngày 1.10 cũng cho biết Anh sẽ triển khai một số máy bay chiến đấu Typhoon tới Ba Lan theo đề nghị của đồng minh NATO này. Ông Shapps cho biết quyết định này “nhằm hỗ trợ đồng minh NATO trước lo ngại ngày càng tăng về hành động quân sự của Nga".
Ngày 2.10, Tổng cục Tình báo Ukraine (HUR) tuyên bố nhà máy sản xuất tên lửa hành trình Kh-59 ở miền tây nước Nga đã bị các máy bay không người lái tấn công vào cuối tuần qua.
Trong một thông báo trên kênh Telegram, HUR cho biết vụ tấn công ngày 1.10 vào nhà máy hàng không Smolensk đã gây thiệt hại đáng kể và làm gián đoạn quá trình sản xuất tên lửa của Nga.
Theo cơ quan này, Kh-59 là một trong những tên lửa được Nga sử dụng thường xuyên nhất để bắn vào các mục tiêu ở Ukraine.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã "đánh chặn" tất cả UAV ở Smolensk và người đứng đầu khu vực cho biết không có thương vong hay thiệt hại nào được ghi nhận.
Hồi ngày 1.10, trên mạng xã hội cũng xuất hiện các đoạn video cho thấy một UAV dường như tấn công căn cứ trực thăng Nga ở thành phố Sochi. Sau đó, trang tin Pravda của Ukraine nói vụ tấn công ở Sochi do Cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine thực hiện, và mục tiêu là bãi đậu của một căn cứ trực thăng ở Sochi.
Trong bản tin cập nhật tình hình chiến sự Ukraine, Bộ Quốc phòng Anh nhận định Nga nhiều hoạt động của hạm đội Nga đang được chuyển đến Novorossiysk ở Nga trước các mối đe dọa đối với trụ sở Sevastopol ở Crimea.
Bộ Quốc phòng cho biết: “Trong những tuần gần đây, lực lượng hàng không hải quân của Hạm đội Biển Đen đã đảm nhận một vai trò đặc biệt quan trọng trong các hoạt động của hạm đội, trong bối cảnh Nga đang chật vật để đối phó với nhiều mối đe dọa cùng lúc xuất hiện ở sườn phía nam" của cuộc xung đột.
“Nga đang cố gắng sử dụng sức mạnh không quân hải quân để triển khai lực lượng trên vùng tây bắc biển Đen", báo cáo viết. Các thủy phi cơ Be-12 dù đã lâu năm nhưng vẫn đang phải tuần tra liên tục, có thể để nhằm săn tìm các loại xuồng tấn công không người lái của Ukraine.
Chiến sự đã kéo dài hơn 19 tháng và vấn đề viện trợ đang gây lo lắng cho chính phủ Kyiv. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 20.9 cho biết nước này sẽ không gửi vũ khí cho Ukraine vì cần tập trung cho phòng thủ quốc gia. Đến hôm 30.9, quốc hội Mỹ loại viện trợ cho Ukraine ra khỏi dự luật ngân sách tạm thời. Và mới nhất, một nước từng ủng hộ mạnh mẽ Ukraine vừa trải qua một cuộc bầu cử mà người chiến thắng đã khẳng định sẽ ngừng viện trợ cho Kyiv.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm 2.10 nói rằng ông tôn trọng sự lựa chọn của người dân Slovakia và còn quá sớm để đánh giá rằng chiến thắng của ông Fico sẽ tác động đến Kyiv ra sao.
Bratislava là một trong những quốc gia ủng hộ nhiều nhất cho Kyiv kể từ khi xung đột nổ ra vào năm ngoái.
Slovakia đã chuyển cho Ukraine hơn một nửa số máy bay chiến đấu MiG của mình và hàng chục xe bộ binh. Đây là quốc gia EU đầu tiên hỗ trợ Kiev hệ thống tên lửa phòng không S-300.
Nhưng sự ủng hộ này có còn tiếp tục trong tương lai hay không sau khi ông Fico lên nắm quyền thì vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Phát biểu sau chiến thắng của mình, ông Fico cho biết ông sẽ nỗ lực hết mình để khởi động các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine.
Ông nói: "Giết chóc nhiều hơn sẽ không giúp được ai cả".
Nhưng Kyiv khó lòng hoan nghênh các cuộc đàm phán vì điều này có thể sẽ liên quan đến đề xuất nhượng bộ lãnh thổ cho Nga.
Theo trang Politico Europe, phương Tây cũng không nên quá lo lắng về việc ông Fico tuyên bố ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Sở dĩ như vậy là bởi Slovakia đã chuyển cho Ukraine tất cả mọi thứ họ có thể cho đi, nên dòng chảy viện trợ sẽ không giảm đáng kể. Và nếu chính phủ mới không cho phép vũ khí từ phương Tây được trung chuyển qua lãnh thổ Slovakia, điều này cũng sẽ chỉ gây bất tiện về hậu cần.
Hơn nữa, để thực hiện cam kết xốc lại nền kinh tế và tăng chi tiêu xã hội, ông Fico sẽ cần sự giúp đỡ từ EU, bao gồm khoản 6 tỉ euro mà Brussels dự kiến dành cho Slovakia. Bất cứ chính phủ Slovakia nào cũng sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi đối đầu với Brussels về các vấn đề khác.
Dù vậy, kết quả bầu cử tại Slovakia vẫn có thể tạo ra tác động đối với xung đột Ukraine. Nó có thể giúp những lời kêu gọi dừng hoặc giảm hỗ trợ cho Kyiv chiếm được chỗ đứng trong các cuộc bàn luận ngôn chính trị tại châu Âu.
Cũng liên quan đến vấn đề viện trợ quân sự, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine mới đây đã lên tiếng yêu cầu phương Tây phải nói rõ sẽ hỗ trợ cho Kyiv trong bao lâu. Phát ngôn này được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện lo ngại viện trợ sẽ không còn dồi dào cho Ukraine.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao EU tại Kyiv hôm 2.10 là một sự kiện lịch sử gửi đi một thông điệp hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine.
Phát biểu cùng người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell, ông Kuleba nói việc tổ chức một cuộc họp của Hội đồng Đối ngoại EU lần đầu tiên bên ngoài biên giới khối này sẽ gửi đi "một thông điệp".
Ông nói: “Một thông điệp hỗ trợ, sự hỗ trợ không giới hạn mà EU đang dành cho Ukraine, điều mà chúng tôi rất biết ơn”.
Ông Borrell cho biết các bộ trưởng EU sẽ nghiên cứu kế hoạch hòa bình do Tổng thống Zelensky đưa ra.
Ông nói thêm rằng các ngoại trưởng EU đã đến Kyiv để thể hiện "cam kết của họ và cam kết của Liên minh châu Âu trong việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga". Và ông Borrell nhấn mạnh: "Tương lai của Ukraine là trong EU".
Bình luận (0)