Xem xét giảm tiếp lãi suất cho doanh nghiệp và người dân

Chí Hiếu
Chí Hiếu
10/07/2020 06:19 GMT+7

Ngày 9.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Hội đồng tư vấn chính sách tài chính , tiền tệ quốc gia.

Tại cuộc họp, một số thành viên kiến nghị, so với các nước thì gói hỗ trợ tài khóa của chúng ta là ít nhất, do đó cần tập trung vào gói này nhiều hơn, cũng như tăng quy mô các gói hỗ trợ, nhất là cho ngành hàng không. Kích cầu nội địa cũng nên hướng vào kích cầu du lịch, bán lẻ, tín dụng tiêu dùng. Ngành ngân hàng cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay.

Mục tiêu cụ thể là năm 2020 và đầu 2021 tăng trưởng tín dụng trên 10%, chủ trương tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3 - 4% GDP để có thêm nguồn lực, chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để có thể hỗ trợ DN, kiên quyết bảo vệ hệ thống DN, không để đứt gãy, mất năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Theo TS Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cần phải thực hiện thật nhanh các gói hỗ trợ đã ban hành gồm gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỉ đồng, gói hỗ trợ tài chính hơn 180.000 tỉ đồng...
TS Trần Du Lịch, nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, cũng nhìn nhận rằng việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, cần đẩy mạnh hơn. Các gói chính sách phải mang tính dài hạn bởi có dự báo một số ngành, lĩnh vực, nhất là ngành sử dụng nhiều lao động phải sang quý 3/2020 mới “thấm đòn” do đứt gãy các hợp đồng. TS Bùi Đức Thụ, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, góp ý cứu trợ doanh nghiệp (DN) là việc cần làm, nhưng gia tăng sức sống cho DN không thể chỉ làm trong 1 năm. Ngoài cơ chế hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của Covid-19, cần có các chính sách hỗ trợ đặc biệt phục vụ tái cơ cấu DN mạnh hơn, không chỉ tái cơ cấu thị trường đầu vào, đầu tư mà cả lao động, tăng sức chống chịu của nền kinh tế.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng ghi nhận các ý kiến cho rằng xu hướng các nước là tiếp tục thực hiện giải pháp kích thích kinh tế, cả về tài khóa và tiền tệ. Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu dài hơi hơn từ nay đến năm 2021 để xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ kích thích kinh tế, xác định những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và các ngành, lĩnh vực ngắn hạn, trung hạn trong đó có vấn đề tăng bội chi, huy động thêm nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và đời sống, tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân. Thực hiện chính sách tài khóa tiền tệ theo phương châm chủ động, tích cực hỗ trợ tăng trưởng là rất quan trọng.
Theo Thủ tướng, mục tiêu cụ thể là năm 2020 và đầu 2021 tăng trưởng tín dụng trên 10%, chủ trương tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3 - 4% GDP để có thêm nguồn lực, chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để có thể hỗ trợ DN, kiên quyết bảo vệ hệ thống DN, không để đứt gãy, mất năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu. Cần điều hành chủ động, linh hoạt hơn nữa các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ để đạt 2 mục tiêu: kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và đời sống; giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, duy trì niềm tin chỉ đạo điều hành.
Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục xem xét giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với DN và người dân. Tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, dành nguồn lực cho những nhiệm vụ cấp bách, chống dịch, hỗ trợ kịp thời cho người dân, DN. Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước - cơ quan thường trực của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia và Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện báo cáo kiến nghị của Hội đồng tại cuộc họp để Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước về vĩ mô tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phục hồi phát triển KT-XH.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.