Xếp hạng không phải là quốc hữu hóa di tích

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
08/03/2020 12:29 GMT+7

PGS-TS Đặng Văn Bài cho rằng thật vô lý nếu không làm giấy tờ, mở thừa kế được cho di tích quốc gia quán phở Bình.

Từ tự hào thành nỗi khổ

PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cho biết ông đã gặp, nói chuyện với chủ quán phở Bình ở đường Lý Chính Thắng (TP.HCM) nhiều lần khi còn làm ở Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL). Cũng chính ông là người đã khích lệ chủ quán phở Bình làm thủ tục xếp hạng di tích quốc gia với ngôi nhà của mình.
“Tôi khích lệ nhưng quan trọng là ông ấy yêu cách mạng, yêu đồng đội nên mới giữ lại kỷ niệm với đồng đội, đồng thời cũng là tự hào của mình. Nghĩa là vẫn là sở hữu của người ta. Nếu muốn sửa thì vẫn có quyền sửa chữa, chỉ giữ lại không gian có nắp hầm chui xuống chẳng hạn thôi. Không phải là quốc hữu hóa”, ông Bài nói.
Vì thế, ông Bài cũng rất thắc mắc về việc làm sổ hồng cho ngôi nhà. “Tại sao lại không làm được? Đấy là do cơ quan quản lý nhà nước không nắm được luật. Sở hữu tư nhân là sở hữu tư nhân. Còn xếp hạng là đặt dưới sự bảo hộ của nhà nước về mặt luật pháp chứ không phải là xếp hạng di tích tư nhân là nhà nước hóa cái nhà đấy”, ông Bài nói.
Theo ông Bài, về phương án cho căn nhà, có thể nhà nước đền bù một địa điểm khác kèm thêm một số tiền, hoặc có thể mua lại ngôi nhà nếu họ muốn bán. “Mình phải làm từ nguyện vọng của người dân. Chứ nếu không trường hợp này (không mở thừa kế được, không thế chấp vay vốn ngân hàng được - PV) xảy ra chả ai muốn xếp hạng di tích tư nhân nữa. Thế thì việc xếp hạng từ niềm tự hào trở thành nỗi khổ”, ông Bài nói.

Quản lý cần theo hướng có lợi cho người dân

PGS-TS Khuất Tân Hưng, ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho rằng pháp luật nên quy định rõ những trường hợp di tích sở hữu tư nhân như quán phở Bình hay nhà cổ của ông Vương Hồng Sển. “Việc quản lý cần theo hướng có lợi cho người dân, nếu không thì họ không bao giờ chấp nhận công trình trở thành di sản nữa”, ông Hưng nói. Ông Hưng cũng nhắc lại việc người dân đòi trả danh hiệu ở làng cổ Đường Lâm. Đó cũng do quyền lợi người dân không được bảo đảm.
Ông Hưng cho rằng, với quán phở Bình và nhà cổ Vương Hồng Sển, di tích đang như “bị bắt làm con tin” khi nhà nước và tư nhân chưa đồng thuận.
Theo luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư Hà Nội, giấy tờ sở hữu trước đây của nhà ông Bình vẫn được công nhận, những vụ việc này cộng với việc cấp sổ đỏ sai cho “dinh vua Mèo” mới đây cho thấy ý thức của quản lý nhà nước văn hóa về pháp luật dân sự không cao. “Nhìn dưới góc độ của ngành văn hóa thôi là chưa đủ, cần cập nhật, bổ sung góc nhìn mới về hệ thống pháp luật của nhà nước”, ông Tú nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.