Hội thảo triển khai công tác khoa học và công nghệ (KH-CN) ngành y tế 2024 được Bộ Y tế tổ chức hôm nay 16.3, tại Hà Nội.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá, các nhà khoa học ngành y tế, các y bác sĩ đã triển khai và đạt được nhiều thành tựu về nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ trong chẩn đoán, điều trị, sản xuất vắc xin, thuốc, dược liệu.
Một số phương pháp chẩn đoán và điều trị đã đạt kết quả tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới, được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận và được ghi nhận qua các giải thưởng lớn trong nước và quốc tế.
Đáng lưu ý, Việt Nam đã tiếp nhận và làm chủ một số công nghệ sản xuất các loại thuốc chữa bệnh có bản chất là protein và enzyme; phát hiện và ứng dụng các chỉ thị sinh học liên quan đến các bệnh ung thư và bệnh di truyền; đạt được một số kết quả liên quan đến ứng dụng công nghệ tế bào trong bảo tồn và phát triển các nguồn dược liệu quý hiếm.
Tuy nhiên, bà Hương cũng cho rằng, KH-CN trong ngành y tế chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, khả năng và mới chỉ tập trung ở các trung tâm lớn; việc phổ biến, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới chưa được thực hiện kịp thời, hiệu quả; các nghiên cứu còn nhỏ lẻ do trang thiết bị phục vụ nghiên cứu còn thiếu, không đồng bộ và chưa được đầu tư thỏa đáng.
Trong nước còn thiếu nhân lực là các chuyên gia, các nhóm nghiên cứu mạnh; các nghiên cứu có tính dự báo, đo lường khả năng và diễn biến của các bệnh dịch mới nổi, bệnh dịch tái diễn còn chưa được chú trọng đầy đủ và vẫn còn ít nghiên cứu tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế, khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Rà soát điều chỉnh hành lang pháp lý
TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục KH-CN và đào tạo (Bộ Y tế), cho rằng để thúc đẩy KH-CN phát triển bắt buộc phải rà soát và điều chỉnh lại các hành lang pháp lý liên quan KH-CN nói chung, đặc biệt việc sửa đổi luật KH-CN, vì luật đã ban hành từ 2013 đã quá lạc hậu.
Ví dụ như những vấn đề liên quan đến khuyến khích các nhà khoa học, liên quan đến chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, hay vấn đề liên quan đến sở hữu kết quả nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm KH-CN hiện vẫn chưa được quy định rõ trong luật. Do vậy, vấn đề đầu tiên phải rà soát sửa đổi bổ sung và hoàn thiện lại hệ thống văn bản.
Cũng theo ông Quang, việc sửa đổi luật KH-CN phải phù hợp với các luật chuyên ngành, vì nghiên cứu KH-CN trong y tế liên quan đến con người, phải tôn trọng các quy định về đạo đức trong nghiên cứu, đó là vấn đề rất quan trọng.
Về mũi nhọn tập trung cho phát triển KH-CN ngành y tế giai đoạn tới, ông Quang cho biết, y tế dự phòng là một trong những nội dung lớn được Bộ Y tế quan tâm đầu tư, thông qua việc triển khai các nghiên cứu, xây dựng được mô hình và giải pháp can thiệp cho hệ thống y tế dự phòng, đặc biệt với các bệnh mới nổi, tái nổi.
"Chúng ta luôn luôn chủ động cho công tác dự phòng, từ con người, hệ thống phòng xét nghiệm đến nghiên cứu cơ bản, phân tích gen, sinh học phân tử. Cần phải rất sẵn sàng để đánh giá giải pháp và mô hình để phòng chống dịch bệnhh", ông Quang nhấn mạnh.
Theo Cục KH-CN và đào tạo, trong nước đã thực hiện xét nghiệm chỉ điểm trong chẩn đoán phát hiện ung thư, theo dõi đáp ứng khối u với điều trị, theo dõi phát hiện tái phát sau điều trị. Hiện, có các xét nghiệm chỉ điểm phát hiện ung thư buồng trứng; ung thư vú, ung thư phổi.
Các xét nghiệm di truyền, xét nghiệm đột biến gen để dự đoán cho các gen nguy cơ ung thư. Trong đó, phát hiện đột biến gen làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển ung thư vú, ung thư buồng trứng ở phụ nữ. Đột biến gen này cũng làm tăng cơ hội phát triển ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới.
Bình luận (0)