Hôm 31.5, trong Hội nghị “Tiếp cận kỹ thuật xét nghiệm mới trong chẩn đoán và điều trị”, phó giáo sư -tiến sĩ - bác sĩ Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD), đã chia sẻ về hướng xét nghiệm y khoa thế hệ mới trong thời đại y học chính xác (Personalized Medicine).
Theo phó giáo sư Bình: Y học chính xác là một cách tiếp cận mới trong phòng ngừa và điều trị bệnh hiện nay. Cách tiếp cận này cho phép các bác sĩ điều trị và phòng ngừa bệnh cho từng đối tượng người bệnh, có tính đến sự thay đổi của từng cá nhân về gien, môi trường và lối sống.
Nhờ vậy, việc chẩn đoán và điều trị sẽ chính xác và hiệu quả hơn so với cách điều trị theo các phác đồ chung, được phát triển dựa trên một quần thể bệnh lớn như trước giờ.
Các ứng dụng của y học chính xác góp phần chăm sóc sức khỏe mỗi người ở nhiều thời điểm trong cuộc đời. Trong đó, xét nghiệm gien sàng lọc di truyền có thể được sử dụng trước khi thụ thai để dự đoán nguy cơ các bệnh di truyền sang con cái.
Cụ thể, khi mang thai 8 tuần 12 tuần, thai phụ có thể làm xét nghiệm di truyền để đánh giá các bất thường nhiễm sắc thể của thai nhi và thậm chí có thể giải toàn bộ trình tự bộ gien của thai nhi. Bộ gien này có thể được sử dụng để chẩn đoán nhanh chóng nhiều tình trạng bệnh lý, giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.
Y học chính xác có thể được áp dụng để chẩn đoán chính xác và điều trị nhiều loại bệnh, đặc biệt là ung thư và các bệnh mạn tính (đái tháo đường, tim mạch…).
Bình luận (0)