Xét nghiệm kháng thể Covid-19: có nên quá lo nếu lượng kháng thể ít?
Sau khi đã khỏi bệnh Covid-19 hay đã tiêm vắc xin Covid-19, nhiều người đã tìm đến xét nghiệm kháng thể với hy vọng biết được mình có đủ kháng thể bảo vệ hay không. Nhưng liệu xét nghiệm kháng thể có trả lời được câu hỏi này?
Tự động phát
Xét nghiệm kháng thể là gì?
Xét nghiệm kháng thể có thể giúp bạn biết liệu mình đã bị nhiễm Covid-19 trước đó hay chưa. Nhân viên y tế sẽ lấy một mẫu máu nhỏ, sau đó mang đi xét nghiệm xem có kháng thể trong máu hay không. Kháng thể là các protein do cơ thể tạo ra để chống lại nhiễm trùng.
Kết quả xét nghiệm dương tính tức trong máu có kháng thể, nhờ đã nhiễm Covid-19 hay đã tiêm vắc xin giúp tạo ra kháng thể. Tuy nhiên, đây chưa phải cơ sở để khẳng định khả năng miễn dịch mạnh hay yếu.
Với người chưa tiêm vắc xin, xét nghiệm kháng thể có thể cho biết đã từng nhiễm bệnh hay chưa, nhưng không biết rõ đã nhiễm khi nào. Cần lưu ý là xét nghiệm kháng thể không thể khẳng định một người có đang nhiễm Covid-19 hay không. Muốn biết điều này phải kiểm tra bằng xét nghiệm PCR.
Hiện cả Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), cũng như Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ, đều khuyến nghị không dùng xét nghiệm kháng thể để xác định mức độ miễn dịch trước Covid-19.
Chuyên gia khuyến nghị không dùng xét nghiệm kháng thể để xác định mức độ miễn dịch trước Covid-19. |
johns hopkins |
Vì sao lại như vậy?
Dữ liệu cho thấy nhìn chung mức độ trung hòa kháng thể thấp đồng nghĩa với việc cơ thể dễ bị nhiễm có triệu chứng hơn. Tuy nhiên, giới khoa học cho rằng vẫn còn nhiều yếu tố quan trọng khác góp phần vào phản ứng miễn dịch.
Bác sĩ Dorry Segev, giám đốc Nhóm nghiên cứu dịch tễ trong ghép tạng tại Johns Hopkins Medicine, giải thích về điều này trên trang tin Slate. Đầu tiên, kháng thể mỗi người tạo ra là khác nhau. Có người tạo kháng thể mạnh, dễ dàng khắc chế virus, nên dù lượng kháng thể ít nhưng vẫn tạo đủ bảo vệ so với người có lượng kháng thể cao nhưng không mạnh bằng. Khoa học chưa hoàn toàn phân tích được sự khác biệt trong kháng thể mỗi người tạo ra, và xét nghiệm kháng thể cũng không phản ánh rõ sự mạnh yếu này.
Lý do thứ hai là sau khi tăng cao khi bị nhiễm Covid-19 hay chích ngừa, mức kháng thể giảm dần theo thời gian một cách tự nhiên. Nhưng như vậy không có nghĩa là cơ thể mất bảo vệ. Hệ thống miễn dịch có thể sản xuất tức thời kháng thể ngay khi mầm bệnh quay lại nhờ các tế bào lympho B.
Xét nghiệm kháng thể chỉ đo được mức kháng thể trong cơ thể hiện tại chứ không đo lường được năng lực sản xuất kháng thể. Do đó, xét nghiệm kháng thể khó mà thể hiện được điều này.
Hơn nữa, hệ miễn dịch của con người không chỉ có kháng thể mà còn có những tế bào lympho T được huấn luyện để chống virus. Tuyến phòng thủ dự phòng này dù có thể không kịp ngăn nhiễm nhưng cũng có thể ngăn không cho virus gây thiệt hạng nặng. Xét nghiệm kháng thể có thể đo đếm được số này nhưng không đầy đủ vì nhiều tế bào nằm sâu trong các mô.
Xét nghiệm kháng thể không giúp biết rõ năng lực miễn dịch do kháng thể tạo ra sau khi nhiễm hoặc tiêm vắc xin. |
travel covid test |
Một lý do nữa, theo trang NPR, là việc thiếu tiêu chuẩn chung. Xét nghiệm kháng thể có thể cho ra các kết quả khác nhau tùy theo độ nhạy và mục tiêu phát hiện. Ví dụ, một số xét nghiệm kháng thể thương mại chỉ phát hiện được các kháng thể sinh ra sau khi nhiễm Covid-19, chứ không phải sinh ra sau khi tiêm chủng. Như vậy, xét nghiệm kháng thể có lẽ sẽ không giúp bạn biết rõ năng lực miễn dịch do kháng thể tạo ra sau khi nhiễm hoặc tiêm vắc xin.
Kể cả với lượng kháng thể thấp thì cơ thể vẫn có thể tự bảo vệ tốt bằng cách tạo ra kháng thể mới nếu nhiễm virus. Do vậy, không nên quá lo lắng hay quá tự tin với kết quả xét nghiệm kháng thể, và 5K vẫn là cách bạn bảo vệ mình và những người xung quanh hiệu quả trước bệnh Covid-19.
Bình luận (0)