Hiện tại, để phát hiện và chẩn đoán bệnh Alzheimer, bác sĩ cần cho bệnh nhân quét não hoặc chọc dò tủy sống để đo mức độ thay đổi của protein trong dịch não và thực hiện nhiều bài kiểm tra nhận thức khác nữa. Nhưng trong nghiên cứu do nhóm quốc tế đến từ Thụy Điển và Mỹ trình bày ngày 28.7 tại Hội nghị quốc tế của Hiệp hội Alzheimer, phương pháp xét nghiệm máu được cho là tối ưu hơn.
Các nhà khoa học phát hiện, nồng độ p-tau217 trong máu của những người mắc bệnh Alzheimer cao gấp 7 lần so với những người không mắc bệnh này. P-tau217 xuất hiện trước khi các triệu chứng sa sút trí tuệ biểu hiện khoảng 20 năm và trước cả khi quét não phát hiện ra tình trạng bệnh. Nó có độ chính xác cao - từ 89 đến 98% - tùy thuộc vào mức độ tiến triển của bệnh. Chỉ cần 4ml máu đã đo lượng nồng độ p-tau217, theo Daily Mail.
Các nhà nghiên cứu đánh giá xét nghiệm này quan trọng và họ rất hào hứng với kết quả nghiên cứu. Họ tin rằng đây sẽ là phương pháp sàng lọc đơn giản giúp phát hiện những người có nguy cơ Alzheimer trong tương lai như cách đo nồng độ cholesterol hay huyết áp hiện tại.
Nhưng các chuyên gia dự đoán sẽ mất ít nhất 5 năm nữa xét nghiệm máu nói trên áp dụng trong các phòng khám và cơ sở y tế, theo Daily Mail.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng vấn đề đạo đức cũng cần quan tâm vì xét nghiệm máu cảnh báo nguy cơ Alzheimer được thực hiện rộng rãi có nghĩa là bệnh nhân “phải” biết họ sẽ mất trí nhớ. Điều này có thể ảnh hưởng đến tâm thần người bệnh.
Bình luận (0)