Trong những mùa tuyển sinh gần đây, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL bỗng nổi lên như một yêu cầu quan trọng để được ưu tiên xét vào một số trường, ngành "hot" như: Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Y dược TP.HCM, các trường thành viên của hai ĐH quốc gia. Điều này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, một bên cho rằng làm như vậy là tạo ra sự bất công trong tuyển sinh, bên kia cho rằng trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay mà không sử dụng được ngoại ngữ thì cũng chẳng khác gì mù chữ. Cuộc tranh luận cho đến nay dường như đang đi vào chỗ bế tắc, khi lập luận của bên nào cũng hết sức hợp lý.
Phản đối không ít, ủng hộ nhiều không kém
Lý do để phản đối cách làm này tất nhiên là không ít. Trong điều kiện của Việt Nam ngày nay, chất lượng dạy học ngoại ngữ cũng như cơ hội tiếp cận và sử dụng ngoại ngữ của học sinh ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa luôn thấp hơn so với những thành phố lớn. Không những thế, do sự chênh lệch về điều kiện kinh tế, học sinh của các khu vực này cũng khó khăn hơn trong việc tham gia các lớp học thêm và luyện thi để có thể đạt các chứng chỉ quốc tế. Đó là chưa nói đến những ý kiến cho rằng việc các trường ĐH của Việt Nam dùng một chứng chỉ quốc tế với mục tiêu khác hơn mục tiêu của môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT dường như có gì đó chưa hoàn toàn hợp lý.
Nhưng những lý do để ủng hộ cũng nhiều không kém, mà ngẫm ra có vẻ còn thuyết phục hơn. Đành rằng việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển ĐH có thể tạo ra sự bất công cho học sinh ở vùng sâu vùng xa nhưng cũng không thể phủ nhận rằng tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực. Và phải thừa nhận rằng trình độ tiếng Anh của người Việt Nam nói chung vẫn còn là một hạn chế, làm cản trở nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn của đất nước.
Vì vậy, việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển chắc chắn sẽ tạo ra những mặt tích cực nhất định. Thúc đẩy việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên. Những sinh viên ĐH có trình độ ngoại ngữ tốt sẽ dễ dàng tiếp cận các nguồn tài liệu học tập quốc tế, giúp các em tự tin hơn trong học tập và nghiên cứu. Góp phần đào tạo một đội ngũ nhân lực có chất lượng, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Nguồn nhân lực này sẽ là lực lượng nòng cốt giúp Việt Nam có thể cạnh tranh trong môi trường toàn cầu.
Giải pháp đi kèm để đảm bảo công bằng
Trên thực tế, nhiều quốc gia khác cũng sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển ĐH như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc. Tuy nhiên, họ có những giải pháp đi kèm để đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh. Chẳng hạn, cung cấp học bổng tiếng Anh cho học sinh vùng sâu vùng xa, hỗ trợ các em trong việc học tập và luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ. Tổ chức các lớp học ngoại ngữ miễn phí, giúp các em có cơ hội tiếp cận tiếng Anh một cách bình đẳng.
Đó còn là đa dạng hóa phương thức xét tuyển. Bên cạnh chứng chỉ ngoại ngữ, các trường ĐH cũng đưa thêm nhiều yếu tố ưu tiên khác như hoạt động xã hội, tài năng thể thao, âm nhạc, hội họa - là điều mà Việt Nam cũng đang thực hiện, nhưng có lẽ cần đẩy mạnh hơn nữa.
Cá nhân tôi ủng hộ việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển ĐH vì đây là xu thế tất yếu, nhưng cần có những giải pháp đi kèm để đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh. Nhà nước cần quan tâm đầu tư vào việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở vùng sâu vùng xa, đồng thời có những chính sách hỗ trợ học sinh ở các khu vực này để các em có cơ hội tiếp cận tiếng Anh một cách bình đẳng.
IELTS trong tuyển sinh ĐH Một chứng chỉ, mỗi trường quy đổi một kiểu
Có như vậy, việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét tuyển ĐH mới thực sự công bằng và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nước.
Bình luận (0)