Xét tuyển sớm ĐH điều chỉnh theo hướng nào?

13/08/2024 05:46 GMT+7

Xét tuyển sớm giúp các trường ĐH chủ động hơn, thí sinh cũng có thêm lựa chọn để phù hợp với năng lực, sở trường. Tuy nhiên xét tuyển sớm cũng có không ít những mặt trái, thiếu công bằng với thí sinh trong một số trường hợp.

Do đó, từ năm 2025, dự kiến Bộ GD-ĐT xem xét sửa quy chế, điều chỉnh quy định về xét tuyển sớm.

Xét tuyển sớm ĐH điều chỉnh theo hướng nào?- Ảnh 1.

Thí sinh, phụ huynh tìm hiểu về việc tuyển sinh của trường ĐH. Hiện nay hầu hết các trường ĐH đều sử dụng những phương thức xét tuyển sớm

ĐÀO NGỌC THẠCH

CÓ HIỆN TƯỢNG MẤT CÔNG BẰNG TỪ TUYỂN SINH SỚM

Từ năm 2015, Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và các trường ĐH xét tuyển căn cứ trên điểm thi kỳ thi này. Cũng từ năm 2015, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển. Đến năm 2018, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và các trường ĐH được tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong năm. Từ năm 2019, các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển; và bắt đầu từ năm 2022 được tổ chức xét tuyển sớm (không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT).

Trong thời gian qua, có hơn 20 phương thức tuyển sinh khác nhau ở tất cả các trường, trong đó có những phương thức phức tạp, khó hiểu, gây nhiễu thông tin với người học. Nhưng đáng nói hơn, đại diện Bộ GD-ĐT nhiều lần nhấn mạnh tác động gây mất công bằng giữa các thí sinh (TS) trong xét tuyển sớm.

Trong hội nghị tổng kết tuyển sinh năm nay, đại diện Bộ GD-ĐT nêu ví dụ: Một trường có 100 chỉ tiêu ngành, trường ấn định 60 chỉ tiêu xét tuyển sớm, vậy căn cứ nào để xác định chỉ tiêu sớm này? Có trường còn chưa dự báo được tỷ lệ ảo nên đưa lên 200, lúc đăng ký vào đã hơn 100, không còn chỉ tiêu cho TS xét tuyển bằng phương thức khác. Đấy là một hiện tượng rất nhức nhối trong một số năm qua.

Sự thiếu công bằng này dẫn tới việc có trường tuyển vượt chỉ tiêu rất nhiều. Có trường để không bị vượt, siết chặt chỉ tiêu phương thức khác dẫn đến tình trạng điểm chuẩn nhảy vọt lên. Đáng chú ý, Bộ GD-ĐT từng chỉ ra tình trạng chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển ở một số cơ sở đào tạo khi trường không đưa danh sách trúng tuyển lên hệ thống, gọi TS nhập học sớm…

HIỆU QUẢ THẤP

Tiến sĩ Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TP.HCM, thừa nhận sau 2 năm thực hiện xét tuyển sớm, hiệu quả rất thấp. Theo đó, chỉ có khoảng 20 - 25% TS đã trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm vào trường đăng ký làm nguyện vọng 1 để trúng tuyển chính thức. Tỷ lệ này ở Trường ĐH Đà Lạt chỉ là 16%, Trường ĐH Văn Lang là gần 30%...

Xét tuyển sớm ĐH điều chỉnh theo hướng nào?- Ảnh 2.

Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ĐH bằng các phương thức xét tuyển năm 2023

Bộ GD-ĐT

Thống kê của Bộ GD-ĐT ở năm 2023 cho thấy có tới 214 trong tổng số 322 cơ sở đào tạo công bố xét tuyển sớm. Nhưng trong tổng số trên 375.500 TS trúng tuyển xét tuyển sớm, chỉ có trên 147.000 trường hợp đăng ký nguyện vọng 1 trúng tuyển sau lọc ảo. Có nghĩa là chưa đến 40% trường hợp quyết định nhập học bằng phương thức này.

Thống kê của Bộ cũng cho thấy 2 phương thức xét tuyển chủ đạo vẫn là điểm thi tốt nghiệp THPT (chiếm gần 50% TS trúng tuyển) và xét học bạ (trên 30% trúng tuyển). Các kỳ thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy chỉ chiếm 2,5%. Các phương thức xét tuyển khác chỉ chiếm 14,10% TS trúng tuyển trong năm này. Đáng chú ý, có những phương thức không có TS trúng tuyển.

Tiến sĩ Thái Doãn Thanh nhận định: "Điều này cho thấy việc xét tuyển sớm không hiệu quả, gây lãng phí, mất thời gian của cả TS, phụ huynh lẫn trường ĐH".

Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, chia sẻ: "Các trường phải huy động lực lượng để tổ chức xét tuyển sớm. TS phải tìm hiểu thông tin, có những phương thức phức tạp, rối rắm... rất tốn thời gian và công sức, nhưng hiệu quả thì không như mong muốn".

ĐỀ XUẤT CHỈ MỘT ĐỢT XÉT TUYỂN CHÍNH THỨC

Từ những bất cập nêu trên, đại diện nhiều trường ĐH cho rằng Bộ GD-ĐT nên điều chỉnh theo hướng chỉ có một đợt xét tuyển chính thức, sẽ đảm bảo công bằng cho TS và không ảnh hưởng tới giáo dục phổ thông.

Tiến sĩ Trần Hữu Duy cho biết: "Từ năm ngoái, TS chỉ phải đăng ký lên hệ thống tên trường, tên ngành và thứ tự ưu tiên nguyện vọng. Còn việc lựa chọn tổ hợp môn nào, phương thức nào là do các trường tự chọn làm sao để đảm bảo quyền lợi cao nhất cho TS. Điều đó có nghĩa rằng tất cả các phương thức xét tuyển đều có thể thực hiện trong đợt xét tuyển chính thức. Khi xét tuyển sớm, TS cũng phải đăng ký lại nguyện vọng trúng tuyển sớm lên hệ thống để đảm bảo chắc chắn trúng tuyển. Do đó, việc tổ chức xét tuyển sớm là không cần thiết".

"Quy chế tuyển sinh cũng đã nói rõ đối tượng xét tuyển vào ĐH là TS đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, vậy khi chưa có kết quả xét tốt nghiệp THPT thì cho phép tuyển sinh là không phù hợp. Do đó, Bộ nên quy định một đợt tuyển sinh chính thức. Nếu thiếu chỉ tiêu thì các trường có quyền tuyển sinh các đợt bổ sung", tiến sĩ Duy đề xuất.

Xét tuyển sớm ĐH điều chỉnh theo hướng nào?- Ảnh 3.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Xét kết quả thi tốt nghiệp là phương thức theo thống kê của Bộ GD-ĐT chiếm gần 50% thí sinh trúng tuyển

NGỌC DƯƠNG

Về các phương thức xét tuyển, tiến sĩ Trần Hữu Duy cho rằng dù các trường được tự chủ tuyển sinh nhưng cũng không nên tổ chức quá nhiều phương thức phức tạp, rối rắm; chỉ nên sử dụng một vài phương thức đơn giản, dễ hiểu để phụ huynh và học sinh không phải mất quá nhiều thời gian tìm hiểu và tính toán căng thẳng. Đồng thời, sự phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức phải hợp lý, đảm bảo công bằng.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cũng nêu quan điểm nên có một đợt xét tuyển. "Lợi ích của việc xét tuyển một đợt là giúp quy trình tuyển sinh trở nên đơn giản và minh bạch hơn. TS sẽ không phải lo lắng về việc nộp hồ sơ nhiều lần hoặc lựa chọn thời điểm xét tuyển sớm. Điều này cũng giúp giảm thiểu nhầm lẫn và áp lực trong việc chọn trường và ngành", tiến sĩ Tuấn phân tích.

Bên cạnh đó, theo tiến sĩ Võ Văn Tuấn, việc này sẽ đảm bảo tính công bằng hơn giữa các TS. Mọi TS đều tham gia vào cùng một quy trình, từ đó tránh được tình trạng chạy đua xét tuyển sớm và các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường như hiện nay.

Tuy nhiên, tiến sĩ Tuấn cho rằng xét tuyển một đợt duy nhất có thể tạo ra áp lực rất lớn cho cả TS và các trường ĐH. "TS có thể cảm thấy căng thẳng hơn vì chỉ có cơ hội duy nhất để được xét tuyển. Điều này cũng có thể làm tăng rủi ro đối với những TS gặp vấn đề trong quá trình chuẩn bị hoặc nộp hồ sơ. Bên cạnh đó là khả năng quá tải hệ thống khi tất cả TS nộp hồ sơ cùng một lúc, gây ra các sự cố kỹ thuật như sập hệ thống hoặc chậm trễ trong quá trình xét tuyển", tiến sĩ Tuấn chia sẻ.

Vì thế, xét tuyển một đợt có thể giải quyết được một số bất cập hiện tại, nhưng cần phải xem xét kỹ lưỡng về cách thức thực hiện và các biện pháp hỗ trợ đi kèm.

Tiến sĩ Thái Doãn Thanh chỉ ra việc xét tuyển sớm dẫn đến tỷ lệ ảo rất lớn và cho rằng chỉ nên có một đợt xét tuyển chính thức. "Vẫn có các phương thức để TS lựa chọn và đảm bảo trúng tuyển bằng phương thức có điểm cao nhất. Lúc đó sẽ đảm bảo công bằng giữa các TS và không ảnh hưởng tới chất lượng học tập, thi tốt nghiệp của TS. Trường nào chưa tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt này thì có thể xét tuyển đợt bổ sung", tiến sĩ Thanh nêu.

Chênh lệch trên 3 điểm kết quả thi tốt nghiệp THPT của 2 nhóm THÍ SINH

Năm nay, Vụ Giáo dục ĐH đã thực hiện và công bố kết quả phân tích trúng tuyển ĐH bằng 2 phương thức xét tuyển chính trong tuyển sinh năm 2023. Cụ thể, Vụ Giáo dục ĐH đã thực hiện thống kê 2 nhóm TS trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ và xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Song song đó là thực hiện so sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT của 2 nhóm TS này.

Kết quả so sánh điểm thi tốt nghiệp THPT của 2 nhóm TS cho thấy có 60% TS trúng tuyển bằng học bạ có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp 3 môn khoảng 20 điểm. Trong khi đó, 60% TS trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT có điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn trên 23 điểm. Như vậy, sự chênh lệch kết quả thi tốt nghiệp THPT của 2 nhóm TS này là trên 3 điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.