Xét tuyển y khoa bằng môn văn: Lo ngại chất lượng tuyển sinh

Quý Hiên
Quý Hiên
26/05/2023 06:05 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu xét tuyển y khoa dựa vào kết quả các môn học thì môn văn chỉ để tham khảo, chứ không thể thay thế các môn khoa học tự nhiên - những môn được xem là cốt lõi với ngành y.

CẦN CĂN CỨ VÀO YẾU TỐ YÊU THÍCH NGÀNH NGHỀ

Theo GS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội), với tuyển sinh ngành y, có một yếu tố rất quan trọng mà các trường đều mong muốn đạt được là tuyển được những thí sinh (TS) có tình yêu thực sự với ngành y, bởi đây là nghề đòi hỏi sự đào tạo công phu, dài lâu, quá trình học tập (cũng như làm việc sau này) rất gian khổ.

Nếu sinh viên không yêu nghề sẽ sớm chán học, dẫn tới kết quả học tập không tốt, thậm chí bỏ học. Không phải vô lý khi ở các nước có nền đào tạo y khoa phát triển (trừ Pháp và một vài nước chịu ảnh hưởng từ nền đào tạo y khoa Pháp), tuyển sinh đầu vào ngành y đều đòi hỏi TS đã học xong cử nhân. Bởi khi đó, người học mới có sự chín chắn nhất định, mới thực sự biết mình có khả năng, có muốn theo đuổi, gắn bó với ngành y hay không.

Xét tuyển y khoa bằng môn văn: Lo ngại chất lượng tuyển sinh - Ảnh 1.

Chất lượng đầu vào là yếu tố quan trọng bậc nhất khi tuyển người học các ngành liên quan sức khỏe

PHẠM HỮU

Với học sinh (HS) lớp 12, những em thực sự có ý thức về nghề không nhiều. Vì thế, khi tuyển sinh đầu vào đối tượng này, việc HS tập trung học tốt khối B khi thi y là một chỉ dấu tạm thời có thể tin tưởng là các em yêu thích ngành y, muốn thi y. Kết quả thi khối B cho thấy khả năng hiện thực hóa mong muốn của các em đến đâu. Do đó, việc dùng các tổ hợp "lạ" để tuyển sinh ngành y của một số trường cho thấy những trường này bỏ ngoài yếu tố yêu thích ngành nghề của TS khi tuyển sinh. Đó là chưa xét đến yếu tố chất lượng đào tạo sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi đầu vào tuyển sinh được đánh giá trên các căn cứ "lạc lõng", hoặc không có tính cốt lõi trong tuyển sinh ngành y.

"Đâu đó người ta vẫn nói, để có chất lượng thì quan trọng là quá trình đào tạo, còn đầu vào chỉ cần HS tốt nghiệp THPT. Nhưng tôi khẳng định, riêng với đào tạo bác sĩ thì đầu vào rất quan trọng, rất ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo, nên phải rất thận trọng trong tuyển sinh", GS Lê Ngọc Thành chia sẻ.

ĐÁNH GIÁ TOÀN DIỆN, NHƯNG KHÔNG THỂ THIẾU ĐIỀU CỐT LÕI

PGS Lê Cự Linh, Phó viện trưởng Viện Khoa học sức khỏe (Trường ĐH VinUni), cho biết VinUni xét tuyển kết hợp phỏng vấn đánh giá năng lực, chứ không chỉ dựa vào kết quả học tập các môn học của TS. Quy trình tuyển sinh của trường sẽ diễn ra theo thứ tự các bước như sau: sàng lọc hồ sơ, dựa trên nhiều yếu tố, trong đó kết quả học tập chỉ là một yếu tố; sau bước sàng lọc hồ sơ, hội đồng tuyển sinh sẽ chọn ra danh sách những TS xứng đáng được vào vòng phỏng vấn; bước tiếp theo là phỏng vấn, đánh giá năng lực cá nhân, quá trình này sẽ bao gồm một cuộc phỏng vấn giữa TS với giảng viên, kéo dài trong thời gian 45 phút và có thể có thêm một số hoạt động khác.

Thực tiễn của ngành y coi trọng tính nhân văn

Trường xét tuyển tổ hợp toán - khoa học tự nhiên - văn cho ngành y khoa. Bài thi khoa học tự nhiên đã gồm 3 môn lý, hóa, sinh. Do đó, tổ hợp xét tuyển này vẫn đảm bảo yêu cầu kiến thức trọng tâm và ổn định trong tổ hợp môn xét tuyển truyền thống của ngành y. Đồng thời, tổ hợp mới này cũng phù hợp với bài thi tốt nghiệp và chương trình phổ thông đổi mới đang thực hiện. Trường thêm (cụ thể là môn văn) chứ không bỏ môn (cụ thể là môn sinh), vì vậy tổ hợp toán - khoa học tự nhiên - văn là phù hợp.

Môn văn được bổ sung vào tổ hợp môn xét tuyển là xuất phát từ thực tiễn của ngành y coi trọng tính nhân văn, lòng trắc ẩn, sự cảm thông, chia sẻ và khả năng chịu áp lực trong quá trình điều trị bệnh nhân. Nên người học cần có kiến thức vững chắc về văn học để thực hiện tốt những việc trên.

Tiến sĩ VÕ THANH HẢI (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân)

H.Ánh (ghi)

Với TS dự tuyển ngành sức khỏe, trong khâu sàng lọc hồ sơ có việc đánh giá ứng viên thông qua hồ sơ học tập, mà trong đó bao giờ hội đồng tuyển chọn cũng nhìn vào 3 môn học quan trọng nhất, đó là toán, hóa, sinh.

"Tất nhiên, chúng tôi không chỉ nhìn vào điểm học tập của 3 môn học trên, mà nhìn rộng ra để đánh giá năng lực toàn diện của TS. Nhưng 3 môn học cốt lõi là cơ sở để chúng tôi nhìn nhận TS có năng lực theo học các kiến thức của chương trình đào tạo ngành sức khỏe hay không. Còn các yếu tố quan trọng khác với ứng viên ngành y, như kỹ năng giao tiếp, khả năng thấu cảm… chúng tôi lọc thông qua một số công cụ, quan trọng là qua vòng phỏng vấn trực tiếp do các giáo sư thực hiện", PGS Linh chia sẻ.

Xét tuyển y khoa bằng môn văn: Lo ngại chất lượng tuyển sinh - Ảnh 3.

Phần lớn các trường đào tạo khối ngành sức khỏe hiện nay tuyển sinh đầu vào bằng khối B

NGỌC DƯƠNG

NGUỒN TUYỂN KHỐI B HIỆN DỒI DÀO

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Đạt, Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Y khoa Vinh), cho thấy với phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, thước đo chất lượng đầu vào đáng tin cậy nhất vẫn là kết quả thi 3 môn toán, hóa, sinh. Vì nó thể hiện kiến thức các em tích lũy được khi học phổ thông, những kiến thức này liên quan mật thiết tới nội dung chương trình đào tạo mà sau này sinh viên ngành y được học tại trường ĐH.

"Có thể một số trường đòi hỏi thêm các khả năng khác của ứng viên, như yêu cầu về ngoại ngữ, tin học… thì họ có thể yêu cầu thêm. Nhưng theo tôi, để đảm bảo chất lượng đầu vào ngành y, có lẽ trước hết nên giữ các yêu cầu cốt lõi là môn toán, hóa, sinh. Còn các yêu cầu khác chỉ để bổ trợ chứ không thể thay thế 3 môn đó", tiến sĩ Đạt nói.

Người học giỏi môn văn rất cần thiết cho công việc này

Năm nay trường sử dụng tổ hợp mới D12 (văn, hóa, Anh). Tổ hợp xét tuyển này của trường vừa đúng quy định pháp luật, vừa đáp ứng được điều kiện cần và đủ của ngành học này.

Việc trường mở rộng thêm môn văn và ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển này nhằm đáp ứng yêu cầu mới của xã hội với người học ngành này. Thực tế xã hội ngày nay đòi hỏi bác sĩ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn cần thái độ tốt, khả năng lắng nghe, tâm lý, biết chia sẻ với người bệnh và cộng đồng. Những tố chất của người học giỏi môn văn rất cần thiết cho công việc này.

Điều kiện cần là quy định đảm bảo chất lượng đầu vào. Bộ GD-ĐT yêu cầu với TS xét tuyển vào ngành này có học lực giỏi lớp 12 hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ

8,0 trở lên. Ngoài ra, TS còn cần đạt điểm xét tuyển theo quy định của trường để trúng tuyển và trải qua quá trình đào tạo kéo dài 6 năm tại trường.

Tiến sĩ NGUYỄN HÙNG VĨ (Trưởng khoa Y, Trường ĐH Văn Lang)

H.Ánh (ghi)

Theo ông Đạt, hằng năm nguồn tuyển khối B luôn dồi dào. Như Trường ĐH Y khoa Vinh, năm ngoái chỉ tiêu chỉ lấy 910 với tất cả các ngành, trong khi có hơn 3.000 nguyện vọng. Vì thế, dù Bộ GD-ĐT chỉ yêu cầu điểm sàn là 22 với ngành y khoa, nhưng Trường ĐH Y khoa Vinh lấy điểm chuẩn ngành y là 24,75. Nghĩa là có một nguồn TS rất lớn tuy đạt từ sàn trở lên mà vẫn không đỗ ngành y khoa Trường ĐH Y khoa Vinh.

Căn cứ vào phổ điểm khối B trên toàn quốc cho thấy, không chỉ ở khu vực miền Trung mà các khu vực khác, TS đạt điểm sàn hoặc cao hơn điểm sàn khối B từ 1 - 2 điểm vẫn không đỗ bất kỳ nguyện vọng y khoa nào là rất lớn. Do đó, nguồn tuyển đảm bảo chất lượng khối B (theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT) là rất lớn, Trường ĐH Y khoa Vinh cho thấy hoàn toàn không cần mở rộng tổ hợp tuyển sinh để có thêm nguồn tuyển.

"Những em ước mơ học y thường đều có sự chuẩn bị để ôn thi khối B từ sớm, hoặc những em có khả năng học ngành y là những em có sở trường học các môn toán, hóa, sinh. Mở rộng nhiều tổ hợp làm cho "bức tranh" tuyển sinh thêm rối rắm, phức tạp, lại gây khó cho TS. Những em đã có ước mơ thi ngành y thì đều xác định học tốt khối B, một số em có thể cũng sẽ thử thêm cơ may ở khối A với một số trường có tuyển khối A. Giờ mà các trường y, dược mở rộng tổ hợp tuyển sinh sẽ gây khó khăn cho các em, làm các em hoang mang, cảm thấy cuộc cạnh tranh không công bằng", tiến sĩ Đạt bình luận. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.