Như Thanh Niên đã thông tin, năm nay một số trường đại học (ÐH) quyết định đưa môn văn vào tổ hợp xét tuyển ngành y khoa. Trong đó, Trường ÐH Văn Lang sử dụng môn văn cho tổ hợp D12 (ngữ văn, hóa học, tiếng Anh), Trường ÐH Duy Tân có tổ hợp A16 (toán, khoa học tự nhiên, văn), Trường ÐH Võ Trường Toản và Trường ÐH Tân Tạo cùng sử dụng điểm môn văn cho tổ hợp khối B03 (toán, văn, sinh)…
Việc đưa môn văn vào tổ hợp 3 môn để xét tuyển ngành y là chuyện lạ khi trước nay các trường hầu hết chỉ sử dụng tổ hợp truyền thống B00 (toán, hóa, sinh) cho ngành đào tạo đặc thù này. Vì thế, dư luận đang có những quan điểm khác nhau, trong đó không ít ý kiến cho rằng có sự nhập nhằng về căn cứ tuyển sinh.
Lý giải cách làm này, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ÐH Duy Tân, cho biết năm nay trường xét tuyển tổ hợp toán - khoa học tự nhiên - văn cho ngành y khoa; trong đó: "Bài thi khoa học tự nhiên đã gồm 3 môn lý, hóa, sinh. Do đó, tổ hợp xét tuyển này vẫn đảm bảo yêu cầu kiến thức trọng tâm và ổn định trong tổ hợp môn xét tuyển truyền thống của ngành y. Ðồng thời, tổ hợp mới này cũng phù hợp với bài thi tốt nghiệp và chương trình phổ thông đổi mới đang thực hiện".
Ông Hải nói thêm, môn văn được bổ sung vào tổ hợp môn xét tuyển là xuất phát từ thực tiễn của ngành y coi trọng tính nhân văn, lòng trắc ẩn, sự cảm thông, chia sẻ và khả năng chịu áp lực trong quá trình điều trị bệnh nhân (BN). Theo ông, người học cần có kiến thức vững chắc về văn học để thực hiện tốt những việc trên.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ, Trưởng khoa Y Trường ÐH Văn Lang, cho biết việc trường mở rộng thêm môn văn và ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển này nhằm đáp ứng yêu cầu mới của xã hội với người học ngành y. Thực tế xã hội ngày nay đòi hỏi bác sĩ (BS) không chỉ giỏi chuyên môn mà còn cần thái độ tốt, khả năng lắng nghe, tâm lý, biết chia sẻ với BN và cộng đồng. "Những tố chất của người học giỏi môn văn rất cần thiết cho công việc này", ông Vĩ nói.
Thêm môn văn là hợp lý
Nhiều bạn đọc (BÐ) ủng hộ việc đưa môn văn vào xét tuyển y khoa. BÐ Vietroad phân tích: "Lời văn không thể diệt vi trùng nhưng có thể trấn an BN, giúp BN có tâm lý tốt. Tâm lý tốt sẽ kích hoạt đề kháng nội tại, đó là loại thuốc tự nhiên, ít tốn kém và không phản ứng phụ… Tư vấn y khoa, tư vấn tâm lý mà không biết cách diễn đạt cho BN hiểu thì thế nào? Lâu nay xảy ra việc người nhà BN đuổi đánh BS cũng vì họ không được giải thích tường tận, dễ hiểu... Ngữ văn đâu phải chỉ để viết truyện với làm thơ?".
Cùng ý kiến, BÐ Quân cho rằng: "Tuyển ngành y, tính điểm môn văn cũng là hợp lý. Học sinh giỏi môn văn thường có khả năng lập luận tốt để nói chuyện với người nhà BN, và chắc chắn là chữ sẽ dễ đọc chứ không cẩu thả như nhiều BS hiện nay".
BÐ Kieu Dung chia sẻ: "Ở Mỹ, sinh viên (SV) phải học xong một bằng ÐH đạt điểm khá trở lên mới được nộp hồ sơ thi ngành y. Họ phải tham gia kỳ thi bắt buộc MCAT để đánh giá năng lực hiểu biết về khoa học tự nhiên, khoa học hành vi, và các khái niệm xã hội cũng như tư duy phê phán. Trước đó, SV phải hoàn thành một khóa học ở bậc ÐH về văn chương và ngôn ngữ. Khóa học đó không chỉ giúp SV nâng cao năng lực ngôn ngữ để đối thoại với BN mà còn để thấu cảm với những thống khổ và hoàn cảnh của BN, bởi văn học là nhân học. Ngoài ra, SV còn được xét điểm tham gia các hoạt động cộng đồng, thực tập ở bệnh viện…".
Cần có bằng chứng "thêm môn văn thì ưu việt hơn"
Nhận xét về vấn đề trên, BÐ M.P.H dè dặt cho rằng: "Có bột mới gột nên hồ. Theo tôi, bột ở đây là chất lượng từ đầu vào, đòi hỏi thí sinh phải giỏi sinh, hóa và toán; qua quá trình đào tạo chuyên sâu khi tốt nghiệp mới có thể thành một BS giỏi. Chứ tuyển chọn thí sinh theo môn không thuộc chuyên ngành (văn) thì liệu chất lượng đầu ra có được đảm bảo? Rất cần có sự phản biện và chứng minh rằng việc tuyển chọn SV ngành y dựa trên kết quả môn văn sẽ chất lượng hơn cách tuyển chọn xưa nay".
Ðồng quan điểm, BÐ Trịnh Mạch Hoạch cho rằng: "Lúc tôi học THPT nhiều bạn học rất giỏi toán, lý, hóa, sinh... nhưng môn văn thì cố gắng làm bài cho đạt trung bình, vì không có năng khiếu, họ viết lách cũng khó khăn. Tôi không phản bác xét tuyển y khoa thêm môn văn nhưng đưa ra thì phải có bằng chứng khoa học để chứng minh sự cần thiết phải xét tuyển như vậy".
"Quan trọng là chất lượng đào tạo và kiểm soát chặt đầu ra", BÐ DK ý kiến.
Bình luận (0)