Xét xử 'đại án' Bình Dương: Viện KSND chỉ rõ vai trò của bị cáo Nguyễn Văn Minh

24/08/2022 15:57 GMT+7

Đại diện Viện KSND TP. Hà Nội đối đáp lại quan điểm bào chữa của luật sư và bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bình Dương , chỉ rõ vai trò chủ mưu của bị cáo Minh trong vụ án.

Ngày làm việc thứ 9, phiên tòa sơ thẩm xét xử 28 bị cáo trong 'đại án' Bình Dương, HĐXX dành phần lớn thời gian cho đại diện Viện KSND đối đáp lại quan điểm của các luật sư và bị cáo.

Tại phần tranh luận trước đó, một số luật sư cho rằng không có chứng cứ để chứng minh vai trò chủ mưu, trực tiếp phạm tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” của bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (viết tắt là Tổng công ty Bình Dương).

Vừa là người đứng đầu, vừa chi phối nhiều công ty khác

Đại diện Viện KSND cho rằng, sau khi xem xét vai trò, trách nhiệm và đánh giá thì cơ quan tố tụng, có đủ chứng cứ phản ánh đầy đủ bản chất chủ mưu, cầm đầu, xuyên suốt hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Văn Minh.

Theo kiểm sát viên, xét trách nhiệm, quyền hạn của bị cáo Minh tại Tổng công ty Bình Dương, ngay từ khi mới thành lập, bị cáo Minh được giao chức vụ quan trọng, đứng đầu. Khi doanh nghiệp này cổ phần hóa, bị cáo Minh cũng được giữ chức Chủ tịch HĐQT, do vậy trong suốt quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp, bị cáo Minh luôn trên cương vị người đứng đầu, chịu trách nhiệm chính trước pháp luật và chủ sở hữu về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp này.

Mặt khác, tại các công ty đối tác, công ty liên doanh có liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này, bị cáo Minh vừa là người tham gia trực tiếp điều hành, vừa là người có mối quan hệ, ảnh hưởng chi phối đối với người thực tế quản lý, điều hành những doanh nghiệp ấy.

Cụ thể, đối với Công ty CP Hưng Vượng, bị cáo Minh là Chủ tịch HĐQT từ năm 2004 đến ngày 4.5.2019, nắm giữ hơn 23% cổ phần.

Đối với Công ty CP bất động sản Âu Lạc (Công ty Âu Lạc), căn cứ vào chứng cứ trong hồ sơ vụ án, có cơ sở xác định trong giai đoạn đầu năm 2010, Tổng công ty Bình Dương tìm đối tác để hợp tác thực hiện dự án trên khu đất 43 ha. Do chưa tồn tại đối tác, bị cáo Minh đã chủ động bàn bạc với con rể là bị cáo Nguyễn Đại Dương lập ra Công ty Âu Lạc nhằm mục đích tìm liên doanh thành lập Công ty TNHH đầu tư - xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) nhưng không phải để thực hiện dự án mà để hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ tài sản là khu đất 43 ha và 30% vốn điều lệ là tài sản của doanh nghiệp nhà nước sang cho tư nhân.

Theo kiểm sát viên, điều này đã được chứng minh bằng các tài liệu thu thập được từ hoạt động của Công ty Âu Lạc và lời khai của giám đốc công ty này trong quá trình điều tra.

Tại Công ty Tân Phú, ngoài việc lập liên doanh với Công ty Âu Lạc để thành lập, bị cáo Minh còn thống nhất, cử một thuộc cấp tại Tổng công ty Bình Dương đại diện phần vốn góp tại công ty này.

Bị cáo Nguyễn Văn Minh tại phiên tòa

ĐỖ TRƯỜNG

Đối với Công ty TNHH Phát Triển (Công ty Phát Triển), mặc dù không tham gia quản lý nhưng cơ quan tố tụng xác định, công ty này là "sân sau" của bị cáo Minh, được thành lập theo chủ trương của bị cáo và chỉ đạo hoạt động công ty thông qua con gái, là bị cáo Nguyễn Thục Anh.

Đối với Công ty CP đầu tư và phát triển Tân Thành (Công ty Tân Thành, liên doanh giữa Tổng công ty Bình Dương và 2 công ty khác), bị cáo Minh là chủ tịch HĐQT, đại diện theo pháp luật từ tháng 4.2011 - 1.2018, sau đó là thành viên HĐQT đến tháng 1.2021.

Qua đó, đại diện Viện KSND cho rằng bị cáo Minh ngoài vai trò là Chủ tịch HĐQT (sau là HĐTV) kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương, còn là người đứng đầu hoặc người chỉ đạo, điều hành hoạt động của nhiều công ty đối tác, là cơ sở và tiền đề để bị cáo bàn bạc, thống nhất, chỉ đạo thực hiện phạm tội.

Theo cáo trạng, trên cương vị Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương, bị cáo Nguyễn Văn Minh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo chuyển nhượng trái pháp luật khu đất 43 ha và 30% vốn góp của Tổng công ty Bình Dương tại Công ty Tân Phú sang công ty tư nhân của con rể, gây thất thoát của nhà nước gần 985 tỉ đồng.

Ngoài ra, khi Tổng công ty Bình Dương thực hiện cổ phần hóa, bị cáo Minh đã chỉ đạo các đồng phạm cố ý loại trừ khu đất 145 ha không tính vào giá trị doanh nghiệp, gây thất thoát hơn 4.000 tỉ đồng tài sản nhà nước. Đồng thời, trong thời gian này, cơ quan tố tụng còn cáo buộc bị cáo Minh đã tham ô hơn 815 tỉ đồng, trực tiếp chiếm hưởng hơn 163 tỉ đồng.

Đại diện Viện KSND xác định, bị cáo Nguyễn Văn Minh phạm tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “tham ô tài sản”, đề nghị HĐXX 'đại án' Bình Dương tuyên 29 - 30 năm tù cho tổng cả 2 tội danh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.