Trong phần tuyên án, HĐXX cũng kiến nghị xem xét trách nhiệm của Bộ Công thương; làm rõ những sai phạm của VINAINCON trong việc thực hiện phần C của hợp đồng EPC, nếu có căn cứ thì đề nghị khởi tố trách nhiệm hình sự các cán bộ liên quan.
Chiều 20.4, Hội đồng xét xử TAND TP.Hà Nội tuyên án đối với 19 bị cáo trong vụ án sai phạm tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty CP gang thép Thái Nguyên (TISCO). Theo đó, người bị tuyên mức án cao nhất là bị cáo Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng giám đốc TISCO, với 9 năm 6 tháng tù. Ông Mừng được xác định nắm vai trò chính, trực tiếp chỉ đạo thực hiện hành vi phạm tội; phải chịu trách nhiệm toàn bộ về hiệu quả dự án. HĐXX cho rằng, đáng lẽ khi nhà thầu Tập đoàn khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) vi phạm hợp đồng, bị cáo phải có trách nhiệm xem xét biện pháp dừng, chấm dứt hợp đồng với MCC, đòi lại tiền tạm ứng, thì bị cáo lại chỉ đạo đàm phán với MCC để tách gói thầu phần xây dựng ra khỏi hợp đồng, đồng ý việc TISCO chịu rủi ro phát sinh, trong khi đây là trách nhiệm của MCC.
Bị cáo Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc TISCO, bị tuyên 8 năm 6 tháng tù. Các bị cáo Ngô Sỹ Hán, Đặng Văn Tập, Đồng Quang Dương, Mai Văn Tinh, Đỗ Xuân Hòa bị tuyên mức án từ 8 năm đến 5 năm tù. Có 3 bị cáo nhận mức 3 năm tù là Đậu Văn Hùng, Nguyễn Trọng Khôi và Đặng Thúc Kháng. 5 bị cáo cùng nhận mức án 2 năm tù là Ngô Sỹ Bính, Lê Thị Tuyết Lan, Trịnh Khôi Nguyên, Nguyễn Văn Tráng, Nguyễn Chí Dũng, Hoàng Ngọc Diệp. 1 bị cáo bị tuyên 18 tháng tù là Đoàn Thu Trang và 2 bị cáo được hưởng án treo 18 tháng là Lê Phú Hưng và Nguyễn Minh Xuân.
Các bị cáo phải bồi thường 830 tỉ đồng
Về phần dân sự, các bị cáo bị buộc phải bồi thường 830 tỉ đồng lãi vay cho chủ đầu tư TISCO (nhà nước chiếm 65% cổ phần). Theo đó, bị cáo Trần Trọng Mừng bị yêu cầu bồi thường 130 tỉ đồng, Trần Văn Khâm 120 tỉ đồng, Ngô Sỹ Hán 90 tỉ đồng, Mai Văn Tinh 80 tỉ đồng… Các bị cáo bị yêu cầu bồi thường thấp nhất là Đoàn Thu Trang, Nguyễn Minh Xuân… đều ở mức 6 tỉ đồng. Nhiều tài sản của các bị cáo tiếp tục bị kê biên, phong tỏa để phục vụ thi hành án, trừ khoản giao dịch hơn 1,8 triệu USD tại tài khoản đứng tên Đậu Văn Long (con trai bị cáo Đậu Văn Hùng) tại Ngân hàng Standard Chartered được xóa bỏ phong tỏa do HĐXX cho rằng không liên quan đến vụ án.
HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo gây thiệt hại “đặc biệt nghiêm trọng”, riêng khoản lãi vay của chủ đầu tư để thực hiện dự án đã lên tới hơn 830 tỉ đồng. Ngoài ra, chưa tính đến thiệt hại khi dự án bị tạm ngừng, các thiết bị máy móc đã đầu tư vào dự án bị xuống cấp hư hỏng. Hành vi của các bị cáo “ảnh hưởng xấu đến việc phát triển kinh tế và niềm tin của nhân dân vào công tác quản lý kinh tế của nhà nước”.
Tuy vậy, các bị cáo cũng được giảm nhẹ mức án vì HĐXX xem xét đến bối cảnh khủng hoảng kinh tế trong thời gian triển khai dự án “phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng”; khi nhà thầu nước ngoài vi phạm hợp đồng, TISCO và Tổng công ty thép VN đã có văn bản yêu cầu thực hiện hợp đồng; đã tính đến phương án khởi kiện, phạt và chấm dứt hợp đồng; các bị cáo không có mục đích tư lợi, lại có nhiều thành tích trong công tác, trong đó có nhiều người cống hiến cả cuộc đời cho ngành thép.
Đề nghị xem xét trách nhiệm của Bộ Công thương
Căn cứ lời khai của các bị cáo tại phiên tòa cùng chứng cứ có trong hồ sơ, HĐXX kiến nghị xem xét trách nhiệm của Bộ Công thương trong việc đưa ra các chủ trương, quyết định không đúng quy định pháp luật, đồng thời giới thiệu và lựa chọn đơn vị không đủ năng lực để thực hiện phần C của hợp đồng EPC số 01. “Đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hậu quả của vụ án”, HĐXX nhận định.
HĐXX cũng cho rằng cần làm rõ những sai phạm của VINAINCON trong việc thực hiện phần C của hợp đồng EPC, nếu có căn cứ thì đề nghị khởi tố trách nhiệm hình sự các cán bộ có liên quan theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)