Xét xử đường dây buôn lậu gần 400 kg vàng: Viện Kiểm sát kết luận ‘ít nghiêm trọng’ !

22/01/2014 09:00 GMT+7

Hôm qua 21.1, phiên tòa sơ thẩm của TAND H.Châu Thành (Tiền Giang) xét xử đường dây đưa hàng trăm kg vàng từ Campuchia tuồn về TP.HCM tiêu thụ đã kết thúc phần xét hỏi. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã trình bày quan điểm luận tội và đề nghị mức hình phạt đối với từng bị cáo.

* VKS đề nghị Hội đồng xét xử tuyên... trả lại 92 kg vàng cho các bị cáo

Hôm qua 21.1, phiên tòa sơ thẩm của TAND H.Châu Thành (Tiền Giang) xét xử đường dây đưa hàng trăm kg vàng từ Campuchia tuồn về TP.HCM tiêu thụ đã kết thúc phần xét hỏi. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã trình bày quan điểm luận tội và đề nghị mức hình phạt đối với từng bị cáo.

Xét xử đường dây buôn lậu gần 400 kg vàng: Viện Kiểm sát kết luận ‘ít nghiêm trọng’ !
Toàn cảnh phiên tòa - Ảnh: Hoàng Phương

“Xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo”

Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng 2 bị cáo Nguyễn Ngọc Luân và Nguyễn Thị Tuyết Vân (em vợ Luân) chỉ được cấp phép kinh doanh dịch vụ cầm đồ, nhưng vì ham lợi nên 2 bị cáo đã mua vàng thỏi không rõ nguồn gốc, với số lượng lớn, để bán lại cho Phạm Tùng Nguyên, Tiêu Khai Phến và một số tiệm vàng khác tại TP.HCM để thu lợi.

Ngày 4.2.2010, Luân và Vân thuê người mang tổng cộng 92 kg vàng lên TP.HCM giao cho Nguyên và Phến thì bị công an phát hiện, bắt giữ. Qua điều tra, Luân và Vân khai nhận ngoài số vàng bị bắt quả tang, 2 bị cáo từng bán trót lọt cho Nguyên và Phến 244 kg vàng, gây thất thu thuế hơn 614 triệu đồng. Chưa kể, 129 kg vàng mà Luân và Vân khai nhận đã bán cho 3 tiệm vàng khác chưa được làm rõ.

Đối với Phạm Tùng Nguyên, bị cáo vốn là nhân viên kỹ thuật cửa hàng vàng bạc đá quý thuộc chi nhánh Công ty CP vàng bạc đá quý SJC Chợ Lớn. Dù bị cáo không có giấy phép kinh doanh nhưng vì ham lợi nên đã mua vàng thỏi của Luân và Vân để gia công thành vàng nữ trang, hoặc nấu lại thành vàng miếng rồi đem bán cho các tiệm vàng ở TP.HCM thu lợi bất chính. Riêng Tiêu Khai Phến, dù được cấp phép mua bán, gia công vàng, trang sức mỹ nghệ, nhưng cũng sai phạm khi mua vàng thỏi của Luân và Vân để gia công thành vàng nữ trang bán thu lợi...

Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định truy tố các bị cáo về tội “kinh doanh trái phép” theo khoản 2, điều 159 Bộ luật Hình sự là có căn cứ và hoàn toàn chính xác. “Các bị cáo đều phạm tội lần đầu, ít nghiêm trọng, tại tòa khai báo thành khẩn, biết ăn năn hối cải và nộp lại số tiền thu lợi bất chính. Vì vậy, Hội đồng xét xử cần xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo khi áp dụng hình phạt”, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị.

“Chị Mũi”, “chị Hai” là ai ?

Chi tiết đáng lưu ý là khi mới bị bắt, 2 bị cáo Luân và Vân có lời khai trùng khớp về một người phụ nữ tên Kỵ, từ Campuchia sang Châu Đốc để móc nối với 2 bị cáo thực hiện việc buôn lậu vàng. Để đường dây buôn lậu an toàn, người phụ nữ này cho nhiều số điện thoại của mình, đồng thời cho Luân và Vân sim điện thoại Campuchia để 2 bên liên lạc và đặt mua vàng mỗi ngày. Căn cứ vào lời khai trên, cơ quan điều tra phối hợp với Cảnh sát Vương quốc Campuchia đã xác minh được những người mua bán vàng qua biên giới với Luân và Vân chính là Tăng Ly Sun và Phong Khi Yén (con của Sun) ngụ tại đường 298, TP.Phnom Penh. Hai người này là chủ tiệm kinh doanh vàng thẻ và vàng ký.

Từ những cơ sở trên, cáo trạng năm 2011 của Viện KSND Tiền Giang đã truy tố Luân, Vân và các đồng phạm về tội buôn lậu. Thế nhưng vụ án sau đó đã bị “đóng băng” sau khi TAND tỉnh Tiền Giang trả hồ sơ lại và yêu cầu “điều tra bổ sung vì chứng cứ yếu, chưa đủ cơ sở quy kết các bị cáo phạm tội buôn lậu”. Mãi đến ngày 25.9.2013, Công an Tiền Giang mới ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự từ tội “buôn lậu” sang tội “kinh doanh trái phép”, đồng thời chuyển hồ sơ về Công an H.Châu Thành để “điều tra lại từ đầu”.

Và tại phiên tòa sơ thẩm lần này, cả 2 bị cáo Luân và Vân đều phủ nhận, nói không hề biết người phụ nữ nào tên Kỵ, cũng không có số điện thoại và không hề liên lạc qua điện thoại với người tên Kỵ. Thẩm phán Trương Thị Tuyết Linh hỏi: “Vì sao trong suốt một thời gian dài bị cáo khai là buôn lậu, đến hơn một năm sau mới đổi lời khai”? Bị cáo Luân: “Trước đây khai vậy vì tâm thần bị hoảng loạn”. Thẩm phán Linh hỏi: “Bị cáo nói mua bán vàng với người phụ nữ tên Mũi, vậy có biết địa chỉ của người này không?”. Bị cáo Luân: “Chị Mũi nói nhà ở Tịnh Biên, cách nhà bị cáo chừng 25 cây số, nhưng chưa gắn số nhà. Còn bị cáo thì bận mua bán nên đâu có vô đó làm chi”.

Đây chính là lời khai lại để chuyển tội danh của các bị cáo từ “buôn lậu” thành “kinh doanh trái phép” với khung hình phạt nhẹ hơn. Nhưng “chị Mũi” và “chị Hai” (bị cáo Vân khai là ở Núi Sam) là ai? Vì sao cơ quan điều tra đã không làm rõ và tại phiên tòa, tình tiết quan trọng này cũng bị bỏ qua một cách khó hiểu.

Án đề nghị bằng thời gian tạm giam

Mức án đại diện Viện Kiểm sát đề nghị đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Luân và Nguyễn Thị Tuyết Vân là từ 1 năm 6 tháng đến 2 năm tù (trừ thời gian bị tạm giữ, tạm giam hơn 11 tháng), Phạm Tùng Nguyên và Tiêu Khai Phến từ 1 năm 3 tháng đến 1 năm 6 tháng tù (trừ thời gian tạm giam hơn 6 tháng). Riêng Lê Văn Don, Hồng Đức Sanh và Nguyễn Văn Lợi mỗi bị cáo 1 năm 3 tháng 22 ngày tù (do các bị cáo bị tạm giam 1 năm 3 tháng 22 ngày nên đã chấp hành xong hình phạt).

Ngoài ra, đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị trả lại cho các bị cáo một số tài sản, trong đó có 62 kg vàng cho Nguyễn Ngọc Luân và 30 kg vàng cho Nguyễn Thị Tuyết Vân (bị bắt giữ ngày 4.2.2010).

>> Kiểu tố tụng làm ‘teo tóp’ một vụ án buôn lậu vàng cực lớn
>> Bộ Công an lên kế hoạch kiểm soát buôn lậu vàng
>> Buôn lậu vàng bằng… trực tràng
>> Chặt đứt đường dây buôn lậu vàng
>> Buôn lậu vàng, lãnh án

Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.