Xét xử Nguyên Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình: Bị cáo nhìn nhận chưa làm tròn nhiệm vụ chính trị

Phan Thương
Phan Thương
27/06/2018 04:53 GMT+7

Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Đặng Thanh Bình, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhìn nhận “có trách nhiệm chính trị khi không thực hiện được phương án tái cơ cấu tài chính TrustBank”.

[VIDEO] Nguyên Phó thống đốc Đặng Thanh Bình một mực phủ nhận trách nhiệm trực tiếp
Hôm qua (26.6), TAND TP.HCM tiếp tục thẩm vấn bị cáo Đặng Thanh Bình cùng 4 đồng phạm về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, khi không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, để xảy ra thiệt hại hơn 15.000 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB, tiền thân là Ngân hàng Đại Tín - TrustBank).
“Ban lãnh đạo NHNN có trách nhiệm…”
Trình bày trước đại diện VKS, bị cáo Đặng Thanh Bình nêu ngoài nhiệm vụ được giao là Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bị cáo còn phụ trách quản lý Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, Vụ Pháp chế, giúp Thống đốc NHNN chỉ đạo công tác tái cơ cấu 6 ngân hàng (NH) yếu kém, trong đó có TrustBank.
Khi được hỏi về trách nhiệm trong việc để bị án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) thao túng, sử dụng NH như là phương tiện phạm tội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo Bình nói: “Tôi có trách nhiệm chỉ đạo hoạt động Cơ quan thanh tra giám sát trên lĩnh vực thanh tra, giám sát của NH. Về pháp luật, tôi có trách nhiệm xử lý toàn bộ những vấn đề mà cơ quan thanh tra, giám sát trình lên; và trình lên tôi phải có đề xuất xử lý cụ thể thì tôi mới xử lý. Tôi nhận thấy trong vụ việc này, đứng ở góc độ trách nhiệm tôi đã làm đầy đủ và kịp thời những tờ trình, kiến nghị của Cơ quan thanh tra giám sát trình lên... Tôi chỉ có trách nhiệm chính trị khi không thực hiện được phương án tái cơ cấu tài chính. Việc đổ vỡ phương án tái cơ cấu TrustBank thì Ban lãnh đạo NHNN có trách nhiệm về hậu quả này”.
Trả lời tại tòa về vai trò, trách nhiệm của thanh tra giám sát, đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho biết trong báo cáo của Tổ giám sát VNCB, có Báo cáo số 78 ngày 16.8.2014 nêu một số dấu hiệu vi phạm của VNCB. Ngay sau khi nhận được báo cáo này, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN đã tham mưu và Thống đốc NHNN đã ra văn bản chỉ đạo VNCB lập tức thu hồi các khoản tiền liên quan. Đồng thời, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo cần tăng cường giám sát VNCB.
Về các khoản tiền sử dụng sai mục đích của VNCB mà Thống đốc NHNN chỉ đạo VNCB lập tức thu hồi, đại diện Thanh tra giám sát NHNN cho biết chưa thu hồi được và đó là một trong những khoản tiền thiệt hại xảy ra tại VNCB mà vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 1 và 2 đã đề cập.
Bút phê trái chỉ đạo của Thủ tướng?
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, để thực hiện tái cơ cấu TrustBank, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN có Tờ trình số 1340 gửi ông Đặng Thanh Bình, kiến nghị Thống đốc cho phép áp dụng điều kiện tài chính đối với nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu TrustBank, cụ thể: có khả năng về tài chính để góp vốn thành lập NH TMCP và cam kết không được dùng vốn ủy thác, vốn vay của các tổ chức, cá nhân khác để góp vốn.
Theo Viện KSND tối cao, yêu cầu nêu trong phương án của NHNN, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị của Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN là đảm bảo được năng lực tài chính thực sự của nhóm cổ đông tham gia tái cơ cấu TrustBank. Nhưng bị cáo Bình đã không thực hiện đúng yêu cầu mà có bút phê vào Tờ trình 1340: “Việc kiểm tra vốn góp sẽ được thực hiện sau này, cần nghiên cứu đề xuất cách làm để đảm bảo thực hiện được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và của chính NHNN”.
Cũng theo cáo trạng, quá trình tái cơ cấu TrustBank, ông Bình biết rõ do năng lực tài chính của nhóm cổ đông Phạm Công Danh còn hạn chế dẫn đến việc tái cơ cấu chậm nhưng vẫn chấp thuận phương án tái cơ cấu TrustBank, tạo điều kiện cho nhóm Phạm Công Danh vào quản lý, nắm giữ điều hành TrustBank.
Trả lời những câu hỏi của các luật sư bào chữa cho mình, bị cáo Bình trình bày khái niệm “kiểm tra năng lực tài chính” và “kiểm tra vốn góp” là hoàn toàn khác nhau. “Kiểm tra vốn góp là kiểm tra nguồn gốc số vốn góp nhằm chuyển nhượng cổ phần cũng như tăng vốn điều lệ để thực hiện tái cơ cấu TrustBank; còn việc đánh giá năng lực tài chính là khả năng huy động các nguồn lực của nhà đầu tư để có thể có tiền tham gia tái cơ cấu”, bị cáo Bình khai.
Ngoài ra, theo bị cáo Bình, bút phê của bị cáo trong Tờ trình 1340 thể hiện rõ hai ý của bị cáo. Thứ nhất, việc kiểm tra vốn góp sẽ thực hiện sau; còn nội dung kiểm tra năng lực tài chính là nằm trong ý thứ 2 trong nội dung bút phê “cần nghiên cứu đề xuất cách làm để đảm bảo thực hiện được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và của chính NHNN”...
Đề nghị triệu tập Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN
Hôm qua, sau phần thẩm vấn nguyên Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình, VKS cho rằng có nhiều vấn đề liên quan đến vai trò, trách nhiệm của Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN trong vụ án, vì vậy VKS đề nghị HĐXX triệu tập ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, đến tòa để làm rõ sự thật khách quan vụ án. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng đề nghị triệu tập cá nhân Nguyễn Hữu Nghĩa là không cần thiết, còn việc xem xét trách nhiệm, vai trò Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, nếu có HĐXX sẽ xem xét trong giờ nghị án và có quan điểm xử lý trong bản án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.