Phiên tòa đại án đăng kiểm được mở ra do có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo trong vụ án và kháng nghị của Viện KSND TP.HCM đề nghị tăng hình phạt tù đối với 18 bị cáo. Vụ án có khoảng 100 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.
Bị cáo Đặng Việt Hà có 4 luật sư bào chữa gồm các ông bà: Chu Thị Trang Vân, Nguyễn Ngọc Duy, Nguyễn Minh Luận, Nguyễn Đình Tự.
Còn bị cáo Trần Kỳ Hình có 2 luật sư bào chữa là bà Phạm Thị Thanh Tâm và ông Phan Văn Hải.
Như Thanh Niên thông tin, sau hơn 1 tháng xét xử sơ thẩm, cuối tháng 8 vừa qua, TAND TP.HCM phạt bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam từ tháng 1.2014 - 7.2021) 19 năm tù về tội "nhận hối lộ" hơn 7,1 tỉ đồng, 6 năm tù về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", tổng hợp hình phạt chung là 25 năm tù.
Tòa phạt các bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam từ tháng 8.2021 - 12.2022) 19 năm tù về tội "nhận hối lộ"; Nguyễn Vũ Hải (cựu Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, phụ trách hoạt động của Phòng Tàu sông) 4 năm tù về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" vì hành vi cấp thông báo năng lực cho 15 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện.
Với 251 bị cáo còn lại, HĐXX tuyên phạt từ 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 30 năm tù.
Ngoài ra, HĐXX tuyên tịch thu sung vào ngân sách khoảng 86 tỉ đồng và 99.000 USD mà các bị cáo đã nộp tại cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án. Buộc các bị cáo, người liên quan phải giao nộp lại số tiền hưởng lợi và tiền do phạm tội mà có, trong đó bị cáo Trần Kỳ Hình còn phải nộp tiếp hơn 4 tỉ đồng...
Bị cáo Trần Kỳ Hình với vị trí cục trưởng, vì vụ lợi cá nhân nhận tiền của các bị cáo từ đơn vị đăng kiểm tư nhân hơn 7,1 tỉ đồng. Ngoài ra, bị cáo còn phê duyệt thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đúng quy định. Ghi nhận Hình đã nộp lại 2,85 tỉ đồng và 12.000 USD khắc phục hậu quả.
Đối với bị cáo Đặng Việt Hà, theo tòa, bị cáo đã thiếu giám sát và chỉ đạo lãnh đạo các phòng ban Cục Đăng kiểm Việt Nam, các TTĐK trên cả nước nhận hối lộ; bị cáo vì vụ lợi cá nhân, khi nhận nhiệm vụ cục trưởng đã chỉ đạo cấp dưới nâng mức tiền nhận hối lộ của bản thân lên cao nhất. Tổng số tiền bị cáo Hà phải chịu trách nhiệm chung là hơn 40 tỉ đồng, hưởng lợi 8,55 tỉ đồng.
Bản án này đã bị Viện KSND TP.HCM kháng nghị vào tháng 9 vì cho rằng mức hình phạt mà TAND TP.HCM đã tuyên đối với 18 bị cáo trong vụ án là quá nhẹ, chưa đảm bảo tính răn đe phòng ngừa.
Theo đó, 18 bị cáo bị đề nghị tăng nặng hình phạt tù gồm:
Thứ nhất, các bị cáo Huỳnh Thái Bảo, Trần Văn Cảnh, Sơn Minh Khương và Đặng Phong Em về tội "giả mạo trong công tác".
Thứ hai, các bị cáo Đặng Trần Khanh, Mai Đức Truyền, Trần Anh Tú và Nguyễn Đức Nam về tội "nhận hối lộ".
Thứ ba, các bị cáo Võ Tấn Đạt, Phạm Ngọc Hoan, Đậu Đức Vũ, Huỳnh Văn Thoa, Dương Nghĩa, Nguyễn Thái Hòa và Nguyễn Văn Thái về tội "làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức".
Thứ tư, các bị cáo Trịnh Bình Dương và Vũ Hồng Quang về tội "đưa hối lộ".
Thứ năm, bị cáo Nguyễn Minh Trị về các tội danh "giả mạo trong công tác" và "nhận hối lộ".
Cũng theo kháng nghị, hành vi phạm tội của các bị cáo được thực hiện trong thời gian dài, xảy ra một cách có hệ thống từ cấp cao nhất là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến các đăng kiểm viên tại các phòng, trung tâm trực thuộc, thậm chí cả nhân viên bảo vệ, nhân viên giám sát, học việc...
Các bị cáo chiếm đoạt tài sản lớn, gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe của người dân khi tham gia giao thông đường thủy, đường bộ. Ngoài ra, hành vi này còn gây ảnh hưởng xấu và làm giảm uy tín của cơ quan nhà nước; gây bất bình, tạo dư luận xấu trong xã hội. Chính vì vậy việc xử lý nghiêm đối với các bị cáo cũng là một biện pháp răn đe phòng ngừa chung không chỉ tại TP.HCM mà còn ở các địa phương khác trên cả nước.
Bình luận (0)