Xét xử vắng mặt là tiền đề truy bắt cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn

16/08/2023 17:54 GMT+7

Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư cho biết, việc xét xử vắng mặt sẽ là tiền đề phục vụ công tác truy bắt những người phạm tội nhưng đang bỏ trốn, trong đó có bị án Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Chiều 16.8, Ban Nội chính T.Ư tổ chức họp báo, thông tin về kết quả phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Báo chí đặt câu hỏi về công tác truy bắt đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC).

Xét xử vắng mặt là tiền đề truy bắt cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư

TUYẾN PHAN

Ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư, cho biết không chỉ trường hợp bị án Nguyễn Thị Thanh Nhàn mà tất cả trường hợp phạm tội mà trốn, cơ quan chức năng đều quyết tâm truy bắt.

Ông Yên đánh giá, việc xét xử vắng mặt đối với người phạm tội (đã có chứng cứ rõ ràng) đang bỏ trốn là tiền đề phục vụ cho việc truy bắt.

Theo giải thích của Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư, khi chưa có bản án, công tác truy bắt đối với người phạm tội bỏ trốn sẽ gặp khó khăn; nhưng khi có bản án, đã xác định là tội phạm tham nhũng, sẽ không quốc gia nào dung thứ. Cũng vì thế, điều kiện truy bắt sẽ thuận lợi hơn.

Ông Yên nói thêm, việc truy bắt đối với tội phạm bỏ trốn, trong đó có cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn sẽ dựa trên quy định pháp luật về tương trợ tư pháp. Với các trường hợp mà Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp, việc này được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại. "Với quyết tâm như vậy, tôi tin rằng thời gian tới sẽ có kết quả", ông Yên nhận định.

Cũng thông tin về việc xét xử vắng mặt một số trường hợp trong thời gian vừa qua, ông Đặng Văn Dũng, Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư, cho hay việc này sẽ mở đường để xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở các vụ án khác, là cơ sở dẫn độ tội phạm.

Đây còn là cơ sở để nghiên cứu, ban hành án lệ áp dụng trên cả nước về việc xét xử đối tượng phạm tội bỏ trốn; là điểm mới, nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc "có bỏ trốn cũng không được".

Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy cứu hình sự trong 3 vụ án

TUYẾN PHAN, TRẦN CƯỜNG

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty AIC, bị truy cứu hình sự trong 3 vụ án khác nhau.

Tháng 1.2023, bà Nhàn bị tuyên phạt 30 năm tù trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai. Đến tháng 4, bà Nhàn bị khởi tố ở vụ án xảy ra  tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.

Tháng 7 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố bà Nhàn và 15 bị can khác trong vụ án vi phạm đấu thầu xảy ra tại Quảng Ninh.

Bà Nhàn bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới điều chỉnh số liệu để ký khống báo cáo tài chính, đưa vào hồ sơ dự thầu với mục đích gian lận, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.

Bà Nhàn còn chỉ đạo nhân viên sử dụng các công ty trong hệ sinh thái của AIC và các công ty có quan hệ phụ thuộc để tham gia dự thầu với vai trò làm "quân xanh" cho Công ty AIC trúng thầu.

Hậu quả, Công ty AIC và công ty liên quan trúng 6 gói thầu mua sắm trang thiết bị tại Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh với tổng số tiền 232,19 tỉ đồng, qua đó gây thiệt hại hơn 50 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.