Xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba: Kiến nghị làm rõ về người không tiện nói tên

31/12/2022 06:26 GMT+7

Số tiền 9 tỉ đồng mà bị cáo Mai khai 'chuyển cho người không tiện nói tên', HĐXX vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba kiến nghị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đấu tranh, làm rõ.

Ngày 30.12, TAND TP.HCM kết thúc nội dung tuyên án vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “rửa tiền”, xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba) sau khi đã tuyên án cũng như trách nhiệm bồi thường dân sự đối với bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Alibaba, chịu án chung thân) cùng các đồng phạm hôm 29.12.

Người “không tiện nói tên” nghi nhận 9 tỉ đồng trong vụ án Alibaba là ai?

Trong phần tuyên án hôm qua, HĐXX tuyên Phụ lục 02 - Danh sách 58 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đóng số tiền còn lại. HĐXX phân tích đối với khách hàng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với cá nhân bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực (cùng là em trai Luyện), Trịnh Minh Pháp (cựu Giám đốc Công ty 108) mà không thông qua pháp nhân chủ đầu tư: “Dù nguồn gốc tài sản, các quyền sử dụng đất trên từ tiền chiếm đoạt của các bị hại, tuy nhiên, thời điểm ký hợp đồng, các thửa đất trên có giấy chứng nhận hợp pháp, thỏa thuận tự nguyện, ngay tình và thanh toán 50 - 100%. Căn cứ khoản 2 Điều 133 bộ luật Dân sự 2015, công nhận thỏa thuận trên. Trường hợp chưa thanh toán 100% hợp đồng, cần thanh toán phần còn lại vào tài khoản của cơ quan thi hành án. Sau đó, tài sản trên sẽ được giải tỏa kê biên, hủy bỏ ngăn chặn giao dịch để đăng bộ, sang tên theo quy định”, chủ tọa thay mặt HĐXX phân tích.

Trong nội dung tuyên án, HĐXX cũng kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ thêm một số nội dung. Cụ thể, HĐXX nhận định theo luật Đất đai năm 2013, đất trồng lúa chỉ được chuyển nhượng giữa các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong một xã. Luật cấm không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa với hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Qua xác minh, bị cáo Pháp thường trú tổ 5, P.An Bình, TX.An Khê, Gia Lai và tạm trú H.Nhơn Trạch, Đồng Nai. Ngày 25.12.2018 và 18.1.2019, lần lượt ông Đỗ Tấn Chiến (Phó chủ tịch UBND P.An Bình, TX.An Khê, Gia Lai) và ông Dương Thanh Hùng (Phó chủ tịch UBND TX.Tóc Tiên, H.Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) xác nhận Pháp đang sản xuất đất nông nghiệp, có nguồn thu nhập ổn định. Từ xác nhận trên, bị cáo Pháp nhận chuyển nhượng nhiều thửa đất trồng lúa, lập khống dự án và bán cho người dân, gây thiệt hại đặc biệt lớn.

Tương tự, còn có hành vi của bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực. Tổng cộng 3 bị cáo đã nhận chuyển nhượng 89.233 m2 đất trồng lúa tại Đồng Nai và 6.317 m2 tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Xem nhanh 20h ngày 30.12: Hai phó thủ tướng thôi chức ủy viên T.Ư | Cựu bí thư bị khai trừ Đảng

“HĐXX kiến nghị Công an Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Gia Lai làm rõ sai phạm cá nhân liên quan, xử lý theo quy định”, chủ tọa nêu.

Về 13,9 tỉ đồng “rửa tiền”, HĐXX buộc HD Bank nộp lại hơn 1,7 tỉ đồng tiền bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện, bị tuyên 30 năm tù) đã thanh toán hợp đồng tín dụng và dành quyền khởi kiện cho HD Bank (nếu có yêu cầu) đối với các hợp đồng tín dụng liên quan đến bị cáo Mai và Công ty Alibaba. Buộc Mai nộp lại gần 12,2 tỉ đồng còn lại để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường cho các bị hại. Riêng 9 tỉ đồng Mai khai “chuyển cho người không tiện nói tên”, HĐXX kiến nghị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đấu tranh, làm rõ, nếu có căn cứ xác định tội phạm mới thì xử lý theo quy định pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.