Xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba: Tiếp tục xem xét và nhận đơn của bị hại

14/12/2022 06:20 GMT+7

Ngày 13.12, TAND TP.HCM tiếp tục thẩm vấn người bị hại trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “rửa tiền” xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba (gọi tắt Công ty Alibaba) liên quan bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành công ty) và 22 đồng phạm.

Theo cáo trạng, đối với hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm, Luyện thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba, giao những người thân tín đứng tên và mua một số lượng lớn đất nông nghiệp ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận; tự vẽ ra 58 dự án “ma” và quảng bá là dự án khu dân cư để bán cho khách hàng. Luyện và đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt gần 2.400 tỉ đồng của 4.560 khách hàng. Trong đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã làm việc được với 4.065 nạn nhân, tương đương số tiền hơn 2.100 tỉ đồng bị chiếm đoạt.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

NHẬT THỊNH

Trong phiên thẩm vấn ngày 13.12, một số bị hại mong muốn nhận lại số tiền đã đầu tư vào “dự án”, song cũng có những bị hại mong muốn được nhận đất. Đại diện Viện KSND TP.HCM (VKS) xét hỏi ông T.Đ.Q (người đại diện ủy quyền của bị hại M.C) về yêu cầu Công ty Alibaba tiếp tục thực hiện hợp đồng và được nhận đất. VKS hỏi về thỏa thuận trong các hợp đồng chuyển nhượng là đất thổ cư hay nông nghiệp. Ông Q. trả lời, trong hợp đồng thể hiện là đất thổ cư và có số lô, thửa rõ ràng. Trước khi ký hợp đồng, Luyện nói rõ là đất nông nghiệp và có cam kết đất này sẽ thành đất thổ cư.

Bà bầu vượt 200km đến dự tòa vụ Alibaba: ‘Chỉ mong lấy được tiền gốc’

Theo VKS, các thửa đất của Công ty Alibaba là đất nông nghiệp, hợp đồng giữa hai bên cam kết là đất thổ cư, chỉ khi được nhà nước cho phép thì mới chuyển đổi thành đất thổ cư. Nếu Công ty Alibaba đang giao dịch một sản phẩm không có thật, các bị hại đòi nhận đất thì tòa sẽ lấy đất ở đâu giao cho bị hại? Ông Q. trình bày: “Luyện nói rõ đất này là đất gì và có thể chuyển đổi mục đích hay không, vì tin tưởng nên chúng tôi mua” và nói thêm, ông chỉ là đại diện ủy quyền để nói nguyện vọng của bị hại, những vấn đề khác sẽ do luật sư trình bày khi đến phần tranh luận.

Tại tòa, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Trần Minh Châu đã có thông báo đến các bị hại. Trường hợp bị hại vì lý do cá nhân, sức khỏe không thể tham gia phiên tòa có thể làm đơn xin vắng mặt. Nếu bị hại không tham gia phiên tòa và không thể làm đơn vắng mặt, chủ tọa sẽ xem xét đơn và tài liệu của các bị hại đã gửi tại cơ quan điều tra. Khi thụ lý vụ án, những người chưa được đưa vào danh sách bị hại, tòa cũng tạo điều kiện nhận đơn để xem xét, đảm bảo quyền lợi. Đối với các trường hợp bị hại chưa được xét hỏi, vào ngày cuối cùng của phiên xét hỏi (18.12), HĐXX sẽ giải quyết.

Chủ tọa cũng thông báo tòa sẽ tiếp tục nhận đơn của những cá nhân, tổ chức tham gia mua “dự án” của Công ty Alibaba đến trưa 16.12, và xem xét quyền lợi trong vụ án này nếu có căn cứ. Sau thời gian này, những người chưa kịp nộp đơn, nếu thấy cần thiết thì nộp đơn ra tòa án để giải quyết bằng một vụ kiện dân sự khác.

Hôm nay (14.12), phiên xét xử tạm nghỉ. Đến ngày 15.12, phiên tòa tiếp tục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.