Xét xử vụ sai phạm tại SAGRI: Thiệt hại vụ án chưa được khắc phục

16/12/2021 06:34 GMT+7

Xét xử vụ sai phạm tại SAGRI: VKS giữ nguyên quan điểm như đã đề nghị với các bị cáo thuộc nhóm tội tham ô tài sản.

Ngày 15.12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử bị cáo Lê Tấn Hùng cùng 18 đồng phạm liên quan đến vụ án sai phạm tại Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn - SAGRI gây thiệt hại cho nhà nước 672 tỉ đồng. Viện KSND (VKS) TP.HCM đã tranh luận các quan điểm của các luật sư và bị cáo.

Ông Trần Vĩnh Tuyến nói lời sau cùng vụ SAGRI: “Tạo nghiệp thì sẽ bị quả báo…”

Đủ cơ sở truy tố tội tham ô tài sản

Trước đó, các luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng giám đốc SAGRI) cùng 6 đồng phạm về tội “tham ô tài sản” cho rằng, về hành vi ký khống 10 hợp đồng để chiếm đoạt của SAGRI 13,3 tỉ đồng, các bị cáo không có ý thức chiếm đoạt. Do kết quả kinh doanh năm 2016 có lợi nhuận cao, SAGRI muốn cho nhân viên đi học tập nước ngoài, nhưng do hoàn cảnh khách quan nên phải lùi sang năm 2017.

Các bị cáo trong vụ sai phạm tại SAGRI tại tòa

NGỌC DƯƠNG

Theo VKS, SAGRI ký 10 hợp đồng tổng cộng 13,3 tỉ đồng, đã thanh toán hợp đồng với công ty du lịch và số tiền đã ra khỏi quản lý của SAGRI, nhưng không có chuyến đi nào được thực hiện. Trong các hợp đồng này, thời gian thực hiện chuyến đi trước cả thời gian lên chương trình, là hình thức hợp thức hóa hồ sơ. Trên thực tế 10 hợp đồng trên là phương tiện để các bị cáo rút tiền ra khỏi SAGRI.

VKS cho rằng thiệt hại được xác định khi tiền đã thoát ly khỏi SAGRI và việc bị cáo nộp lại tiền là hành vi khắc phục hậu quả, nên luật sư cho rằng các bị cáo khắc phục số tiền hưởng lợi từ hành vi tham ô trước khi khởi tố nên vụ án không có thiệt hại là không có căn cứ.

Từ đó, VKS giữ nguyên quan điểm như đã đề nghị với các bị cáo thuộc nhóm tội tham ô tài sản.

Thiệt hại vụ án kéo dài

Theo VKS, SAGRI đã chuyển nhượng dự án cho Tổng công ty Phong Phú với giá 168 tỉ đồng và không tiến hành thẩm định giá. Theo Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự ở T.Ư, ngay tại thời điểm chuyển nhượng giá trị dự án này đã hơn 500 tỉ đồng, trừ đi 168 tỉ đồng thì thiệt hại 348 tỉ đồng và chưa thu hồi được.

Cũng theo đại diện VKS, không thể áp dụng điểm b, khoản 1, điều 51 để giảm nhẹ cho bị cáo, vì tài sản chỉ được ngăn chặn, còn hậu quả của vụ án vẫn chưa khắc phục. Phải chờ quyết định của HĐXX hủy hợp đồng chuyển nhượng có công chứng thì quyền sử dụng đất mới được chuyển lại cho SAGRI và nhà nước mới thu hồi được.

VKS đã áp dụng có lợi cho bị cáo vì tại thời điểm khởi tố vụ án, ngày 5.7.2019, giá trị quyền sử dụng đất là hơn 800 tỉ đồng. Từ đó, cáo trạng xác định thiệt hại trong vụ án là hơn 672 tỉ đồng, sau khi trừ giá trị chuyển nhượng toàn bộ dự án, thuế là đúng. Vì nếu xác định thiệt hại vào lúc nhà nước thu hồi được khu đất này thì giá trị đất sẽ khác, các luật sư không thể nói trả lại tài sản là không có tội.

VKS cũng làm rõ về động cơ nể nang Lê Tấn Hùng là em trai nguyên một Bí thư thành ủy của hai bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM) và Trần Trọng Tuấn (cựu Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM). Cơ quan tố tụng không yêu cầu bị cáo khai như vậy, bị cáo khai cũng không bị bức cung, nhục hình. Theo VKS, động cơ nể nang, biết sai vẫn làm là hoàn toàn phù hợp thực tế khách quan xảy ra nên VKS quy kết là đúng.

Bị cáo Lê Tấn Hùng ngậm ngùi bào chữa trong vụ án sai phạm tại SAGRI
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.