Ngày 19.11, TAND tỉnh Trà Vinh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai vụ án “trục lợi chính sách” xảy ra tại TP.Trà Vinh gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Diệp Văn Thạnh, nguyên Chủ tịch UBND TP.Trà Vinh, rời khỏi tòa sau ngày xét xử đầu tiên |
BẮC BÌNH |
17 bị cáo trong vụ án này gồm: Diệp Văn Thạnh, nguyên Chủ tịch UBND TP.Trà Vinh; Trần Trường Sơn, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Trà Vinh cùng nhiều bị cáo là nguyên cán bộ, công chức Phòng TN-MT TP.Trà Vinh và các 'cò' đất.
Cả 17 bị cáo bị Viện KSND tỉnh Trà Vinh truy tố về hành vi “vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Phiên tòa có 19 luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, trong đó chỉ có một luật sư được chỉ định.
Tạo điều kiện cho 'cò' đất trục lợi
Theo cáo trạng, từ năm 2009 đến tháng 8.2018, ông Diệp Văn Thạnh với vai trò Phó chủ tịch và Chủ tịch UBND TP.Trà Vinh đã cùng Trần Trường Sơn chỉ đạo cấp dưới triển khai thực hiện chính sách miễn giảm tiền đất thổ cư cho người có công nhằm giúp họ cải thiện chỗ ở theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ ngành T.Ư có liên quan.
Cụ thể, theo Quyết định 118 của Thủ tướng và Thông tư 30 của Bộ TN-MT, việc xem xét để hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở phải dựa trên kiến nghị của UBND cấp xã nơi người đó cư trú của đối tượng hưởng chính sách. Những kiến nghị đó phải được UBND cấp huyện thuộc tỉnh xác minh lại trước khi trình lên cấp UBND cấp tỉnh hoặc thành phố trực thuộc T.Ư xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất phải có biên bản xác minh, giao đất trên thực địa, thực tế.
Tại tỉnh Trà Vinh, UBND tỉnh có công văn ủy quyền cho UBND cấp huyện xem xét tự quyết định và chịu trách nhiệm với Chủ tịch UBND tỉnh trong triển khai công tác này.
Khoảng 100 người là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có mặt tại tòa theo triệu tập |
BẮC BÌNH |
Với thẩm quyền của mình, ông Diệp Văn Thạnh ký ban hành 2 công văn yêu cầu bỏ qua nội dung kiến nghị của UBND xã và xác minh lại của UBND cấp huyện. Từ đó, các 'cò' đất có điều kiện trục lợi thông qua việc tìm đến gia đình có người trong diện hưởng chính sách lên thổ cư để làm thủ tục hợp đồng chuyển nhượng hoặc tặng cho đất khống; hợp thức hóa hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ đất khác thành đất thổ cư và được hưởng chính sách miễn, giảm tiền từ 65 - 100%.
Gây hậu quả nghiêm trọng
Sau khi biết quyết định đơn giản hóa thủ tục lên đất thổ cư dành cho người có công của mình đã gây hậu quả nghiêm trọng, ông Thạnh vẫn không chỉ đạo điều chỉnh. Cụ thể, tại cuộc họp ngày 20.8.2014, ông Thạnh với vai trò Chủ tịch UBND TP.Trà Vinh có nghe báo cáo về việc “cò" đất lợi dụng chính sách để làm hồ sơ hợp thức hóa cho chủ đất hưởng lợi nhưng ông Thạnh không chỉ đạo chấn chỉnh, không báo cáo UBND tỉnh Trà Vinh, đồng thời ký một thông báo chỉ đạo tiếp tục thực hiện theo quy định đang gây thất thoát ngân sách nhà nước. Từ đó, về thủ tục, Phòng TN-MT TP.Trà Vinh khi thẩm định hồ sơ cho miễn, giảm vẫn tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại công văn mà ông Thạnh ký sai.
Lực lượng cảnh sát đưa các bị cáo rời khỏi tòa sau ngày xét xử đầu tiên |
BẮC BÌNH |
Tại cuộc họp ngày 22.8.2016, lãnh đạo Phòng TN-MT TP.Trà Vinh tiếp tục có ý kiến phản ánh “dấu hiệu mua bán chế độ chính sách, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất không thật tăng lên bất thường”. Nhưng, ông Thạnh vẫn chỉ đạo “cho tiếp tục thực hiện hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất và hồ sơ miễn, giảm tiền sử dụng đất với gia đình chính sách như trước đây đã thực hiện. Khi nào gia đình chính sách và chủ đất có phát sinh tranh chấp, khiếu nại thì sẽ giải quyết tiếp”.
Trong thời gian kể trên, tổng cộng ông Diệp Văn Thạnh và ông Trần Trường Sơn đã ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và miễn giảm tiền sử dụng đất 704 hồ sơ, với số tiền miễn, giảm gần 120 tỉ đồng, trong đó có 313 hồ sơ miễn giảm sai, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 70 tỉ đồng,…
Theo HĐXX, phiên tòa xét xử bị cáo Diệp Văn Thạnh, Trần Trường Sơn và 15 bị cáo khác được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 ở tỉnh Trà Vinh đang diễn biến phức tạp. HĐXX phải đảm bảo việc thực hiện nghiêm theo thủ tục tố tụng chung và các quy định về y tế đối với gần 200 người tham dự…trong khu vực diễn ra phiên tòa nên mất rất nhiều thời gian. Cáo trạng sẽ được đại diện Viện KSND tỉnh Trà Vinh công bố tiếp tục vào phiên xử tiếp theo. Dự kiến phiên tòa sơ thẩm sẽ kéo dài trong 10 ngày làm việc.
Tháng 10.2018, ông Diệp Văn Thạnh đã bị kỷ luật với hình thức cách chức Chủ tịch UBND TP.Trà Vinh; ông Trần Trường Sơn bị kỷ luật cảnh cáo. Ngoài ra, còn có ông Phạm Văn Tám (hiện là Giám đốc Sở Công thương) cũng bị kỷ luật cảnh cáo, do trong thời gian giữ chức Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Trà Vinh, ông Tám có trách nhiệm liên quan đến những sai phạm nêu trên. Đến tháng 8.2019, Công an tỉnh Trà Vinh đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Thạnh và ông Sơn để điều tra về hành vi “vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và lần lượt sau đó 15 bị cáo khác cũng bị khởi tố với tội danh tương tự trong vụ án "trục lợi chính sách" dành cho người có công với cách mạng này.
Liên quan đến vụ việc này, Báo Thanh Niên đã có loạt bài phản ánh "Chiêu trò trục lợi chính sách ở Trà Vinh" (đăng từ ngày 4 - 7.5.2020).
Bình luận (0)