Cùng với vật, đến lượt taekwondo cũng bị xử ép, còn bắn súng “cầm vàng lại để vàng rơi”. Đó là những nỗi đau mà các vận động viên VN đã gặp phải ở các kỳ SEA Games mà chính lãnh đạo đoàn thể thao VN rất bức xúc khi nhắc lại.
Nhắm mắt làm ngơ
|
Ngay trong kỳ SEA Games 16 năm 1991, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) đã nếm ngay “mùi” cay đắng vì bị xử ép. Trong đó taekwondo là môn bị vùi dập nhiều nhất. Trong trận chung kết của VĐV người Tây Ninh Lê Thị Hương với một VĐV người Philippines, võ sĩ VN đã liên tục bị trọng tài bắt nhiều lỗi vô lý, khiến cô bị sốc tâm lý và ép mất “vàng” trước một đối thủ dưới cơ. Quá sửng sốt và bất mãn trước kết quả sai trái, đoàn TTVN kiên quyết không cho Hương lên nhận HCB cho tới khi Ban tổ chức xướng tên đến lần thứ ba, võ sĩ VN mới miễn cưỡng bước lên bục.
Trưởng đoàn TTVN Đoàn Thao khi đó rất bức xúc tìm gặp riêng Tổng thư ký Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á và là người phụ trách môn taekwondo hỏi: “Với tư cách là một người có chuyên môn về taekwondo, tôi muốn nghe ý kiến của ông về kết quả trận đấu vừa rồi”. Vị này im lặng, sau đó tìm cách né tránh sự chất vấn của đoàn VN.
Nỗi oan ức của taekwondo Việt Nam vẫn bị lặp lại ở SEA Games 17, 18 và 19. Ở SEA Games 17 và 19, Trương Tuấn Vũ đều chỉ giành HCB do bị xử thua kỳ quặc trước đối thủ. Trong trận chung kết gặp võ sĩ Malaysia, trọng tài đã “nhắm mắt làm ngơ” để đối thủ liên tục sử dụng đòn đá vào hạ bộ của Tuấn Vũ khiến anh bị đau cần sự chăm sóc của bác sĩ. Theo nguyên tắc, khi đó trọng tài có quyền dừng trận đấu để Vũ chữa trị rồi mới cho đấu. Thế nhưng khi Vũ vừa đau đớn ôm “hạ bộ” bước ra ngoài thì trọng tài lại tuyên bố cho võ sĩ Malaysia thắng bất chấp sự phản ứng của đoàn VN. Chưa hết, Vũ còn bị xui ở Jakarta khi trọng tài muốn cho võ sĩ chủ nhà ĐKVĐ SEA Games chiến thắng nên dù Vũ đánh trúng rất nhiều lần nhưng vẫn không có điểm, còn đối thủ Indonesia chỉ chạy né nhưng vẫn giữ hòa trong 3 hiệp chính. Sau đó chẳng cần tung bất cứ cú đá nào, võ sĩ này vẫn “mặc nhiên” được cho thắng ưu thế trong sự bất bình của đoàn VN.
Còn tại Chiangmai năm 1995, võ sĩ Trần Minh Nghĩa của TP.HCM cũng bị xử ép trắng trợn khi thi đấu với VĐV người Singapore. Trong quá trình thi đấu, VĐV Việt Nam lỡ chân chạy ra ngoài, nếu theo luật chỉ bị trừ 1 điểm, nhưng những ai có mặt ở trận thi đấu hôm ấy đã sửng sốt khi trọng tài tuyên bố đuổi VĐV Việt Nam ra khỏi sàn đấu và xử thua. Khi tìm hiểu, Ban lãnh đạo đoàn Việt Nam mới biết rằng hóa ra người thắng trong trận này sẽ phải đánh với VĐV Thái Lan. Mà taekwondo VN vốn trên Thái Lan một bậc, nên nước chủ nhà “ép được cứ ép” càng sớm càng tốt để rảnh tay thâu tóm huy chương.
|
Giọt nước mắt của các cô gái bắn súng
Không chỉ bị xử ép trong quá trình thi đấu, thậm chí ngay khi thắng thua đã được ấn định, nước chủ nhà vẫn tìm cách lật lại kết quả để ngăn việc giành HC của tuyển thủ Việt Nam. Trưởng đoàn TTVN Đoàn Thao vẫn nhớ mãi hình ảnh những nữ xạ thủ Việt Nam ấm ức đến phát khóc khi bị mất tấm HCV tưởng đã nắm chắc trong tay tại SEA Games 18 ở Chiangmai (Thái Lan). Sáng hôm ấy, nhận được tin báo đến dự lễ trao HCV cho tuyển nữ bắn súng Việt Nam, ông Đoàn Thao vừa bước xuống xe trước cổng Nhà thi đấu Sport Complex thì đã thấy các nữ xạ thủ Đặng Thị Đông, Ngô Ngân Hà chạy ra, mắt ai cũng đỏ hoe. Hóa ra, chỉ ít phút sau khi công bố Việt Nam giành chiến thắng, hơn tuyển nữ Thái Lan 1 điểm, BTC đã đổi lại kết quả: tuyên bố chấm thiếu cho Việt Nam 2 điểm, nhưng chấm thiếu cho tuyển Thái Lan những 3 điểm. Thế là khi chưa kịp lâng lâng với niềm vui chiến thắng, các nữ xạ thủ VN lại bị đẩy ngay xuống vị trí thua cuộc một cách thô bạo.
Không thể nào diễn tả được nỗi đau đớn của các người đẹp bắn súng VN khi “cầm vàng lại để vàng rơi”. Ông Đoàn Thao đã cùng với trưởng bộ môn bắn súng khi đó là ông Nguyễn Văn Hùng cùng các HLV đã chạy như bay đến bàn trọng tài để hỏi vì sao lại có chuyện công bố rồi lại thay đổi kỳ lạ này. Nhưng dù các quan chức VN phản ứng quyết liệt, viết văn bản phản kháng với BTC, nhưng kết quả vẫn không thay đổi. Đơn giản như ông Đoàn Thao cay đắng thừa nhận: “Dù bắn súng là môn điểm số rất rõ ràng, nhưng thời đó việc cộng điểm rất thủ công, bắn xong là trọng tài gỡ ngay bia ra, xóa ngay dấu vết, đâu có gì làm bằng chứng nên có cãi cũng chẳng giải quyết được gì”.
Tịnh Tâm
>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 4: Trọng tài đổi trắng thay đen
>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 3: Tắc trách của VFF
>> Xì căng đan SEA Games - Kỳ 2: Cay cú là... đấm
>> Xì căng đan SEA Games: Chuyện 'bắt cóc' ở Philippines
>> SEA Games 2013: HLV của U.23 Malaysia đau đầu vì chấn thương
>> Campuchia thưởng đậm cho các VĐV đạt thành tích cao tại SEA Games 2013
>> Futsal Việt Nam đặt mục tiêu giành HCV SEA Games 2013
>> U.23 Singapore chưa chuẩn bị tốt cho SEA Games 2013
Bình luận (0)