Xích lại gần vang!

16/03/2014 09:28 GMT+7

Ba ba bốn chân và hai chân (papa) đều rớt giá - cơ hội hay thách thức cho những người trong cuộc?

Ba ba bốn chân và hai chân (papa*) đều rớt giá - cơ hội hay thách thức cho những người trong cuộc?

>> Cũng liều để cá trích ve vãn!
>> Có sả thì thì phải có... nén

Xích lại gần vang! 1
Ngon chịu không nổi! Ba ba nấu vang 

Nhẹ nhàng thôi, thử mang con nhỏ đi... tắm  rượu vang cốt để đại tu... đứa lớn! Máy móc chính hãng còn hư hao huống chi bằng xương bằng thịt.

Song, người khác máy ở chỗ: đôi khi “trái tim lầm chỗ để trên đầu” (thơ Tố Hữu). Cho nên, rất cần chút phiêu bồng của âm nhạc, những ngọn nến lung linh và ánh nhìn ngọt ngào âu yếm. Hay nói cách khác là, xin một buổi sống chậm cùng cố nhân!

“Ðôi khi trộm nhìn em, xem dung nhan ấy chứ bây giờ ra sao... Đêm thâu đêm, giấc mộng xanh xao... Mà anh chim vút cánh bay, thăm thẳm đường dài...” (Trộm Nhìn Nhau, Trầm Tử Thiêng). Giọng ca sĩ Hoàng Oanh thời thanh xuân khi thánh thót, lúc thổn thức như tiếng thở dài thân quen, từ đĩa nhựa cải tiến ra đời khoảng thập niên 90. Lời nhạc mượt mà, sâu lắng đến nao lòng.

Hơn sáu mùa sim chín, đôi ta mới tao ngộ trong một “rừng” vang, thật ấm cúng, lãng mạn, giữa trung tâm Sài Gòn ồn ào, náo nhiệt. Em “lá ngọc cành vàng”, tôi lãng tử long đong, xin còn nhớ tên nhau!

Xích lại gần vang! 2
Chết mê! Thưởng vang với ba ba xào gừng. 

Anh chưa quên, em rất mê món ba ba nấu vang thơm thanh thoát. Em còn lém lỉnh phán: “Phái đẹp nên ăn con đực và ngược lại”, mới hợp nguyên tắc âm dương. Có lý! Tuy nhiên, em dẫn giải từ Đông y cho rằng, thịt ba ba bổ âm cho nên nữ ăn tốt hơn nam là chưa chuẩn xác. Bởi theo ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, thầy thuốc thừa truyền vương triều Nguyễn, ở quận Gò Vấp, TP.HCM, bình thường, phái mạnh luôn dư dương còn phái nữ luôn thiếu phần thừa ấy và ngược lại. Do vậy, nếu luận chuyện ăn gì bổ nấy cho thấu đáo, em cần cân nhắc thật kỹ.

Thôi rồi! Em lại rưng rưng ngấn lệ. Ngàn lần xin lỗi em, vì anh không quen “bờ môi chót lưỡi”. Và rất sợ nước mắt mỹ nhân! Thôi đành tự phạt một ly rượu chát cho... vừa lòng em!

Em ơi! Muôn thuở, “tình yêu như tờ giấy trắng”. Say vang, anh khờ khạo đến sáng mai. Say em, khờ dại trọn đường trần ai!

Xích lại gần vang! 3

Xích lại gần vang! 4
Một góc “rừng” vang thật ấm cúng và lãng mạn ở số 4 - 6 Hồ Huấn Nghiệp, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM

Xích lại gần vang! 5
Hoài cổ với máy hát đĩa nhựa cải tiến, từ thập niên 90

Cách chế biến món ba ba om (um) lá cách, theo hướng dẫn của ông Nguyễn Phúc Ưng Viên. Món này có công dụng bồi bổ khí huyết, trợ gan giải độc tốt hơn, nam hay nữ dùng đều tốt, theo y thực triều Nguyễn.
(lưu ý, ba ba dù mới chết cũng không nên ăn)

- Pha nước muối hột hơi mặn vừa ngập, thả ba ba vào từ 30 - 60 phút, cho nó khờ (liệt kháng). Trụng tiếp vào nồi nước ớt nóng khác, có pha ít muối. Lấy ra, mổ xẻ, rửa sạch sẽ bằng nước ấm.
- Nướng sơ vài củ gừng nguyên vỏ, vắt lấy nước cốt hoặc đập giập, giã nhuyễn bôi đều lên thịt da ba ba.
- Kế tiếp, rưới ít rượu nếp nguyên chất vào, trộn đều. Vớt ra, thui sơ trên bếp than hồng.
- Dùng nồi đất là thích hợp và kinh tế (so với nồi đồng, bạc). Nhờ giữ nhiệt lâu, nên ăn sạch nồi vẫn còn âm ấm.
- Đổ ngập nước dừa Xiêm tươi, hầm lửa lớn. Đặc biệt, không nêm: tiêu, đường.
- Lúc nước hầm cạn còn 2/3 nồi, đổ tiếp nước dừa ngập xăm xắp, lửa riu riu. Hầm tiếp, đến lúc miếng thịt gần mềm dẻo thì nêm nếm ít: nước mắm ngon, muối, gừng củ nướng sơ xắt rối cho vừa miệng.
- Tắt lửa, cho mớ lá cách non và dày dày vào.

Chú thích:
(*): Ba hoặc bố, từ gọi thân mật của người Pháp.

Bài: Tạ Tri
Ảnh: Anh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.