'Xiếc' cùng tre, trúc

Hữu Trà
Hữu Trà
09/02/2019 08:00 GMT+7

Khi đã qua đôi tay khéo léo và những ý tưởng khác lạ của Võ Tấn Tân, những thân tre xù xì, những cây trúc tưởng chừng yếu mềm, mỏng manh đã trở thành vật dụng hữu ích.

Hôm chúng tôi đến nhà Võ Tấn Tân (xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, Quảng Nam) đã thấy đôi vợ chồng trẻ người Mỹ Garrett Spahr và Jennie Spahr. Họ mới cưới nhau và tổ chức chuyến du lịch tại Hội An. Qua thông tin trên mạng, cặp đôi tìm đến với Tâboo - thương hiệu của Võ Tấn Tân, để học cách tạo ra những sản phẩm từ tre - trúc.
Trong khu nhà xưởng với đủ loại đồ nghề và cả những sản phẩm vừa hoàn thành, Garrett lẫn Jennie say sưa trải nghiệm nhiều công đoạn chế tác như: cắt, mài, đánh bóng, ghép, rồi sơn... để hoàn thiện một hộp đựng bút, hộp đựng namecard và một cái lọ hoa làm từ nguyên liệu tre - trúc. Năm năm kể từ khi kỹ sư điện tử viễn thông Võ Tấn Tân rẽ ngang theo nghề “tre - trúc - lá dừa” của gia đình, đã có hàng ngàn du khách khắp năm châu tìm đến trải nghiệm, chiêm ngưỡng và mua sắm những sản phẩm độc đáo của Tâboo.
Võ Tấn Tân tâm tình: “Có lẽ mình thừa hưởng gien của người cha là thợ làm nhà tre lợp lá dừa nước nổi tiếng ở vùng dừa Cẩm Thanh nên theo nghề rất nhanh. Dù vậy, để cho ra đời những sản phẩm bằng tre - trúc vừa thẩm mỹ, hữu dụng lại bền và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe, gần gũi, thân thiện với môi trường là điều không dễ dàng. Nhiều người cũng chưa hiểu hết về cây tre và cho rằng đây chỉ là vật liệu thông thường, rẻ tiền, nhanh hỏng chứ không nghĩ tre - trúc có thể thay thế tốt hơn những vật dụng làm từ nhựa và kim loại; cũng như từ tre - trúc có thể làm ra những vật dụng cao cấp”. Anh thẳng thắn bộc bạch: “Nghề làm thủ công mỹ nghệ cần nhất là ý tưởng, phải có nét riêng, phải tạo ra càng nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo thì mới tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu. Nếu làm nghề này mà không có đam mê, chỉ chăm chăm vào lợi nhuận là... thua ngay từ đầu”.
Nhiều bạn trẻ cũng đã tìm đến cộng tác, học hỏi với Võ Tấn Tân và anh sẵn sàng chỉ tất cả kinh nghiệm mà mình đã trải qua. “Sau thời gian học hỏi ở đây, các bạn trẻ này có thể về quê mở cơ sở làm đồ thủ công mỹ nghệ bằng tre - trúc. Đó là điều tốt mà mình luôn khuyến khích, truyền cảm hứng để các bạn làm ra càng nhiều sản phẩm nhằm cung cấp cho nhu cầu sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Đó cũng là cách mình giới thiệu với du khách về công dụng của tre - trúc bao đời gắn bó mật thiết trong đời sống, văn hóa người Việt”, Võ Tấn Tân nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.