Xiếc xuất ngoại
Vở xiếc đương đại Teh Dar vừa kết thúc gần 2 tháng lưu diễn qua các thành phố lớn Cannes, Bayonne, Luxembourg của Pháp. Vở diễn kết hợp các kỹ thuật xiếc như nhào lộn, tung hứng, thăng bằng, đu trên cao, sử dụng các đạo cụ bằng tre, cần trúc, mặt nạ... Teh Dar đưa khán giả vào không gian của văn hóa Tây nguyên qua ngôn ngữ của xiếc và những âm thanh được tạo nên từ hơn 20 loại nhạc cụ truyền thống của người Ba Na, Ê Đê, K’ho, Gia Rai như dàn chiêng, đàn t’rưng, đàn goong, tù và....
tin liên quan
Nghệ sĩ xiếc xin biểu diễn 'Kẻ thách thức' rồi trở lại nhập việnLàng tôi do nhóm nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý, Tuấn Lê, Nguyễn Tấn Lộc và Nguyễn Lân Maurice cùng dàn dựng, trở thành viên gạch đầu tiên mở đầu cho nhiều vở diễn đưa nghệ thuật xiếc kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật đương đại ra đời, trong đó có Teh Dar và trước đó là À ố show. Làng tôi đã được đưa đi lưu diễn tại Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ, Hy Lạp, Hungary, Đức và Hồng Kông… À ố show cũng không nằm ngoài tầm ngắm của nhà hát nước ngoài. Cách đây 3 năm, vở diễn này đã được Nhà hát Scène nationale de Sénart (Pháp) nhắm đến cùng tham gia đầu tư đưa đi lưu diễn kéo dài tới 6 tháng qua hơn 20 thành phố của Pháp.
Khi vở xiếc Làng tôi được đưa đi lưu diễn nước ngoài, nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý đã nhìn nhận: “Việc này không chỉ giúp khán giả, giới chuyên môn quốc tế thấy được những phát triển trong nghệ thuật xiếc VN, mà những cơ hội mới sẽ mở ra cho các nghệ sĩ xiếc VN”. Không chỉ được đưa đi xuất ngoại, cho đến giờ Làng tôi, À ố show, Teh Dar vẫn tiếp tục công diễn trong nước một cách đều đặn dành cho những khán giả người lớn. Không thể phủ nhận, việc các nghệ sĩ đưa xiếc mới về VN đã mang đến tư duy mới cho xiếc Việt trong việc đưa nghệ thuật xiếc vào tác phẩm nghệ thuật hàn lâm dành cho khán giả người lớn.
|
Nghệ sĩ xiếc không chỉ biểu diễn… xiếc
Cách đây 4 năm, chương trình nghệ thuật giải trí Ionah ra mắt khán giả, kết hợp nhiều loại hình như múa, hip-hop, xiếc, kịch, nghệ thuật thị giác. Trong đó, nghệ thuật xiếc được khai thác như yếu tố chính cho chương trình. NSƯT Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc VN, cũng là người đảm trách vai trò đạo diễn xiếc của chương trình Ionah, cho rằng xiếc không đơn giản chỉ là trò diễn mà đã được nâng lên thành sản phẩm nghệ thuật, đáp ứng thị hiếu khán giả, trong đó có khán giả người lớn.
“Ở VN, nhiều người vẫn chỉ nghĩ xiếc chủ yếu dành cho trẻ con. Trong khi tại những nước có nền nghệ thuật xiếc phát triển, phần lớn khán giả đến rạp xem xiếc lại là người lớn. Họ trân trọng xiếc như một loại hình nghệ thuật hàn lâm. Khán giả cần thay đổi tư duy khi xem xiếc”, NSƯT Tống Toàn Thắng bày tỏ. Anh nói thêm: “Giá trị nghệ thuật của xiếc còn ở chỗ cho khán giả nhìn nhận đúng về lao động nghệ thuật của nghệ sĩ. Bởi biểu diễn xiếc không thể làm giả, hay “nhép” được. Tuy nhiên, người làm nghề cũng cần có sự thay đổi trong cách tiếp cận khán giả. Chẳng hạn, với nhiều chương trình, tôi phải đong đo, khảo sát sự quan tâm của khán giả, để hướng tới việc phục vụ nhiều đối tượng khán giả hơn, chứ không chỉ riêng trẻ em”.
Thiếu nghệ sĩ xiếc
Nhiều ý kiến cho rằng xiếc Việt bị bỏ rơi, hay gặp khó khăn. Thực tế, nhiều đơn vị biểu diễn như Liên đoàn Xiếc VN, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam (TP.HCM), Trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh Long An… đang thiếu hụt nghệ sĩ. Bên cạnh việc cần có thêm chính sách đãi ngộ cho nghệ sĩ xiếc, nhìn nhận ở khía cạnh khác, NSƯT Tống Toàn Thắng cho rằng nghệ sĩ xiếc hiện nay cũng cần phải biết ứng biến, thay đổi tư duy trong cách làm nghề. “Nghệ sĩ xiếc bây giờ cần phải đa năng hơn, cần có thêm nhiều kỹ năng để đáp ứng thị hiếu khán giả. Chẳng hạn, họ không thể chỉ diễn xiếc mà còn phải biết diễn xuất. Bởi bây giờ, diễn xiếc không phải là diễn trò mà cao hơn là phải đưa vào trong những tác phẩm nghệ thuật và hướng đến nhiều đối tượng khán giả. Có cung thì sẽ có cầu. Việc nghệ sĩ đa năng có thể tham gia nhiều chương trình hơn, từ đó có thêm thu nhập”, NSƯT Tống Toàn Thắng nhìn nhận.
|
Bình luận (0)