'Xin cứu lấy Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội': Nguy cơ rút giấy phép?

Quý Hiên
Quý Hiên
11/04/2024 19:02 GMT+7

Các nhà đầu tư cho rằng Bộ GD-ĐT đã buông lỏng quản lý khi để Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ hoạt động vi phạm pháp luật kéo dài. Còn Bộ GD-ĐT khẳng định đã làm đúng chức trách.

"Quả bóng trách nhiệm" được đá đi đâu? 

Theo nhóm nhà đầu tư đại diện cho các nhà đầu tư có số vốn ở HUBT chiếm hơn 40% (sau đây gọi là Nhóm nhà đầu tư), để cho HUBT rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng về quản trị như hiện nay là lỗi của Bộ GD-ĐT.

Dù đã tổ chức thành công hội nghị trù bị nhà đầu tư để bầu hội đồng trường từ tháng 10.2020 nhưng đến nay HUBT vẫn chưa có hội đồng trường

Dù đã tổ chức thành công hội nghị trù bị nhà đầu tư để bầu hội đồng trường từ tháng 10.2020 nhưng đến nay HUBT vẫn chưa có hội đồng trường

NKS

Trước hết, theo luật Giáo dục đại học mới, lẽ ra Bộ GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và cả bắt buộc các trường thực hiện nghiêm túc pháp luật. Vậy mà việc HUBT chống đối, không thực hiện luật gần 5 năm nay mà Bộ không xử lý. 

Bộ GD-ĐT cũng bị Nhóm nhà đầu tư lên án vì đã "đồng ý để trường dùng chữ ký bất hợp pháp (chữ ký khô của GS Trần Phương - PV) cấp bằng tốt nghiệp cho người học, tạo điều kiện cho trường trì hoãn việc thực thi pháp luật".

Nhóm nhà đầu tư đặt câu hỏi: "Nếu chữ ký này không được Bộ chấp nhận thì dưới sức ép cấp bằng của người học, trường bắt buộc phải thành lập hội đồng trường, bầu hiệu trưởng để ký bằng vì không thể đào tạo mà không cấp bằng. Đây cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu để buộc trường phải thành lập hội đồng trường. Nhưng tại sao Bộ không làm? Tại sao Bộ chấp nhận chữ ký khô?".

Một căn cứ nữa để Nhóm nhà đầu tư buộc trách nhiệm cho Bộ GD-ĐT "đã nói mà không làm" là từ 4 - 5 năm nay, năm nào Bộ cũng gửi trường một văn bản nhắc nhở, yêu cầu HUBT thành lập hội đồng trường, nhưng lại không đặt ra giới hạn thời gian trường phải thực hiện. Để rồi năm này qua năm khác, trường không thực hiện còn Bộ GD-ĐT cũng không "xử lý".

Văn bản "nhắc nhở" mà Bộ GD-ĐT gửi cho trường gần đây nhất là Công văn số 6167/BGDĐT-TCCB ngày 6.11.2023. Nội dung công văn này tiếp tục đôn đốc HUBT thành lập hội đồng trường. Sau khi viện dẫn các quy định của luật và văn bản dưới luật, công văn của Bộ GD-ĐT  yêu cầu trường thành lập hội đồng, rồi thông báo: "Bộ GD-ĐT sẽ xem xét áp dụng các biện pháp, chế tài đối với các hành vi vi phạm của trường theo quy định của pháp luật".

Theo tìm hiểu của Báo Thanh Niên, ngoài Bộ GD-ĐT, nhiều năm qua Nhóm nhà đầu tư cũng đã gửi đơn tới nhiều cơ quan chức năng khác nhau, nhưng trả lời họ là sự im lặng. Hoặc cơ quan này chuyển đơn cho cơ quan kia.

Nhóm nhà đầu tư cho rằng chữ ký khô của GS Trần Phương (bên phải) đang bị một nhóm lợi dụng để vi phạm pháp luật

Nhóm nhà đầu tư cho rằng chữ ký khô của GS Trần Phương (bên phải) đang bị một nhóm lợi dụng để vi phạm pháp luật

NGUYỄN QUỲNH

Đơn tố cáo việc các phó hiệu trưởng HUBT (ông Đỗ Quế Lượng, ông Nguyễn Công Nghiệp) sử dụng con dấu khắc chữ ký của GS Trần Phương trong quá trình tổ chức, quản lý hoạt động của trường, Nhóm nhà đầu tư đã gửi Ban Nội chính T.Ư. Ngày 30.10.2023. Ban Nội chính T.Ư đã chuyển đơn này tới Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội (PC03) để xem xét, giải quyết. Nhưng sự việc hiện cũng chỉ mới dừng ở đó.

Liên quan tới nội dung tố cáo này, như Báo Thanh Niên đã phản ánh, gần đây (ngày 25.3), Thanh tra Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi HUBT đề nghị trường báo cáo Bộ. Thời hạn báo cáo là ngày 30.3. Tuy nhiên, cho đến nay trường vẫn chưa báo cáo.

Ngày 5.4, Báo Thanh Niên đã liên hệ với ông Nguyễn Công Nghiệp, Phó hiệu trưởng thường trực HUBT để hỏi về việc này, ông Nghiệp cũng cho biết, hiện nhà trường đang đợi văn bản trả lời của GS Trần Phương gửi Thanh tra Bộ GD-ĐT. Lúc nào có văn bản đó thì nhà trường sẽ cung cấp thông tin cho báo.

Trường đại học tư thục duy nhất chưa có hội đồng trường

Trao đổi với Báo Thanh Niên, đại diện Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ GD-ĐT cũng xác nhận trong mấy năm qua Bộ này đã có nhiều cuộc làm việc với trường, có những cuộc do đích thân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chủ trì.

Hiện nay, trong số hơn 60 trường đại học tư thục, chỉ còn lại HUBT là chưa thành lập được hội đồng trường. Mà theo luật Giáo dục đại học hiện hành, nhà đầu tư phải tổ chức hội nghị nhà đầu tư để bầu hội đồng trường. 

"Nhà đầu tư là chủ sở hữu nên họ mới có quyền quyết định hội đồng trường là những ai. Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước, nên trách nhiệm chỉ dừng lại ở việc đôn đốc", vị cán bộ này nói.

Nhà đầu tư HUBT đã tổ chức hội nghị trù bị nhà đầu tư để chuẩn bị hội nghị bầu hội đồng trường (tháng 10.2020)

Nhà đầu tư HUBT đã tổ chức hội nghị trù bị nhà đầu tư để chuẩn bị hội nghị bầu hội đồng trường (tháng 10.2020)

NKS

Tuy nhiên, vị cán bộ này cũng cho biết, hiện chế tài xử lý các đơn vị không chấp hành luật trong quy định phải thành lập hội đồng trường chưa đủ mạnh. 

"Chính phủ đang cho sửa Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Thanh tra Bộ GD-ĐT là đơn vị đầu mối tập hợp ý kiến để tham mưu giúp Bộ trưởng việc này. Vụ Tổ chức cán bộ cũng đã gửi đề xuất của mình, đề nghị nghiên cứu bổ sung hình thức xử phạt "đình chỉ tuyển sinh có thời hạn" với những trường chậm/không thành lập hội đồng trường", vị cán bộ chia sẻ.

Bộ GD-ĐT: Sẽ báo cáo Chính phủ

Theo Nhóm nhà đầu tư, mấy năm qua Bộ GD-ĐT cũng cử một tổ công tác làm việc nhiều lần với Nhóm nhà đầu tư, cũng tổ chức họp hành nhiều lần để lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư. Nhưng nội dung các cuộc họp chỉ chủ yếu là các nhà đầu tư nêu ý kiến, còn kết luận của tổ công tác thường là "sẽ tham mưu Bộ trưởng giải quyết đúng thẩm quyền của Bộ GD-ĐT với các trường đại học". Nhưng rốt cuộc, Bộ GD-ĐT giải quyết như thế nào năm này qua năm khác vẫn là một dấu hỏi.

Ngày 28.8.2023, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã tiếp Nhóm nhà đầu tư, theo hình thức đăng ký tiếp công dân. 

Theo thông báo kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết Bộ sẽ tiếp tục đôn đốc nhà trường thành lập hội đồng trường. Bộ GD-ĐT cũng sẽ báo cáo Chính phủ về tình hình tổ chức, hoạt động của HUBT, đồng thời đề xuất áp dụng các biện pháp chế tài đối với các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Còn theo tài liệu cuộc họp mà Nhóm nhà đầu tư cung cấp cho Báo Thanh Niên, trong buổi làm việc với Nhóm nhà đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, với chức năng quản lý nhà nước về mặt chuyên môn, Bộ GD-ĐT chỉ có thể tiếp tục nhắc nhở trường. Sau nhiều lần nhắc nhở mà không có kết quả, Bộ GD-ĐT có thể trình Thủ tướng Chính phủ giải pháp giải quyết, bước đầu có thể là ngừng tuyển sinh, một thời gian sau mà trường vẫn không có hội đồng trường thì đóng cửa, giải tán trường.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói với Nhóm nhà đầu tư: "Bộ thực hiện vai trò quản lý nhà nước bằng cách nhiều lần hướng dẫn và yêu cầu (trường thành lập hội đồng trường), nhưng không thể làm thay. Còn biện pháp cao nhất về mặt chuyên môn trong giáo dục là đóng cửa, rút giấy phép. Hiện nay Bộ đang tính việc trình Thủ tướng Chính phủ phương án như vậy (…). Một cơ sở giáo dục do các nhà đầu tư tự lập ra nhưng không nhất trí được, không tổ chức được công việc, thì chỉ còn cách rút giấy phép".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.