Từ những món ăn trong menu điểm tâm (do người Sài Gòn đọc trại ra từ chữ "Dim Sum") của người Hoa gốc Quảng Đông, nay các món há cảo, xíu mại... đã trở nên hết sức thân thuộc với cư dân đất Sài thành. Phổ biến nhất trong menu này có lẽ là há cảo, bởi đi ăn vặt ở Sài Gòn mà thiếu dĩa há cảo, gỏi bò hay bột chiên... thì quả là đáng tiếc. Há cảo khi du nhập vào Sài Gòn cũng đã thay đổi khá nhiều về kích thước, mà thông dụng nhất có lẽ là cỡ nhỏ, một dĩa gọi ra có khi đến gần 10 viên. Trong khi đó, đúng trong nhà hàng điểm tâm của người Hoa thì một xửng thường chỉ có đúng 4 viên mà thôi. Há cảo, hiểu đúng là tên loại bánh vỏ bằng bột mì gói nhân, nếu nhân tôm thì gọi là "há cảo", vì "há" là tôm.
Ẩm thực
“Điểm tâm” lâu nay được sử dụng phổ biến trong tiếng Việt với ý nghĩa tương tự như bữa ăn sáng. Ít ai để ý nó bắt nguồn từ chữ “dim sum” (phát âm là “điểm sấm”), là tập hợp các món ăn nhẹ của người Hoa dùng cho bữa ăn sáng như há cảo, xíu mại, bánh khoai môn, bánh củ cải (hấp hoặc chiên), các loại bánh cuốn với nhân xá xíu hay tôm… Hoặc người ta phân loại theo cách làm như hấp, chiên, hầm hay nướng. Tùy theo quán mà sẽ có các thực đơn dim sum riêng biệt, có nơi còn bán cả món ngọt như bánh trứng hay rau câu. Dim sum vốn được dùng cho bữa sáng, nhưng dần dần nó cũng được phục vụ cho bữa trưa và tối. Ở Sài Gòn tìm một tiệm dim sum đúng kiểu Hoa không khó bởi phẩn lớn người Hoa ở đây là hậu duệ của những người di cư từ vùng nói tiếng Quảng Đông. Ngoài các trà quán (tea house) đặc thù trong quận 5, dim sum còn có bán ở các nhà hàng lớn như Ngân Đình, Đại Khánh, Hoàng Thành, Đại Thống (nay đã dời về quận 4), Hoàng Long nằm chủ yếu ở khu vực trung tâm thành phố.