“Điểm tâm” lâu nay được sử dụng phổ biến trong tiếng Việt với ý nghĩa tương tự như bữa ăn sáng. Ít ai để ý nó bắt nguồn từ chữ “dim sum” (phát âm là “điểm sấm”), là tập hợp các món ăn nhẹ của người Hoa dùng cho bữa ăn sáng như há cảo, xíu mại, bánh khoai môn, bánh củ cải (hấp hoặc chiên), các loại bánh cuốn với nhân xá xíu hay tôm… Hoặc người ta phân loại theo cách làm như hấp, chiên, hầm hay nướng. Tùy theo quán mà sẽ có các thực đơn dim sum riêng biệt, có nơi còn bán cả món ngọt như bánh trứng hay rau câu.
Dim sum vốn được dùng cho bữa sáng, nhưng dần dần nó cũng được phục vụ cho bữa trưa và tối. Ở Sài Gòn tìm một tiệm dim sum đúng kiểu Hoa không khó bởi phần lớn người Hoa ở đây là hậu duệ của những người di cư từ vùng nói tiếng Quảng Đông. Ngoài các trà quán (tea house) đặc thù trong quận 5, dim sum còn có bán ở các nhà hàng lớn như Ngân Đình, Đại Khánh, Hoàng Thành, Đại Thống (nay đã dời về quận 4), Hoàng Long nằm chủ yếu ở khu vực trung tâm thành phố.
Quán 134 Ký Con ở quận 1 mà tôi hay ăn sáng cũng có chủ là người gốc Quảng. Quán phục vụ cả 2 phiên bản xíu mại khô và nước. Món xíu mại khô được trình bày theo đúng nguyên bản với từng viên xíu mại được xếp vào giỏ tre và hấp. Một phần có 4 viên, cũng tương đối ấm bụng cho một bữa sáng. Vị ngọt tổng hòa của nhân thịt và tôm như ngon hơn khi ta chấm với một chút tương ớt hoặc nước tương pha với dấm. Viên xíu mại khô ở đây cũng làm tôi nhớ những buổi sáng ngày còn đi học ở Singapore. Nhịp sống ở đảo quốc nhỏ bé này lúc nào cũng vội vã nên bữa ăn sáng thường được giải quyết chỉ trong vòng 5 phút. Thường thì tôi hay ghé những cửa hàng tiện lợi mở 24/24 như 7-Eleven đối diện trường để mua đồ ăn sáng, khi thì cái bánh bao xá xíu, lúc thì 3, 4 viên xíu mại nóng hổi tự lấy ra từ tủ hấp, ăn vội ăn vàng để còn kịp vô lớp. Vậy mới thấy dần dần xíu mại đã phổ biến rất rộng rãi trong đời sống cư dân châu Á, đến mức một thương hiệu đến từ Mỹ như 7-Eleven cũng phải địa phương hóa và đưa nó vào menu phục vụ của mình tại Singapore, Thái Lan hay Malaysia .
Nếu tại các nước có nhịp sống hối hả, món xíu mại khô phổ biến bởi đặc tính tính tiện lợi, dễ làm và dễ trữ của nó, thì món xíu mại nước lại đặc biệt phổ biến ở nước ta dưới nhiều hình thức khác nhau. Món xíu mại nước thường được phục vụ trong chén với khẩu phần là 2 viên (có chỗ thì phục vụ 1 viên trong loại chum nhỏ). Ngoài phần nhân thịt heo khá giống nhau, phía trên mỗi viên xíu mại thường được điểm thêm một miếng thịt nhỏ (thường là ba chỉ), hoặc có chỗ thì để lên một miếng lạp xưởng mỏng. Cái ngon của phần xíu mại nước này, bên cạnh phần nhân thịt phải mềm và đậm đà, còn là phần nước sốt đi cùng để ăn với bánh mì. Món xíu mại nước ở quán 134 Ký Con này phần nước sốt được nêm nếm rất vừa miệng, không mặn mà cũng không quá ngọt, nước sốt cũng hơi sệt để có thể chấm với bánh mì.
Xuất phát từ các trà quán người Hoa, món xíu mại đã đi vào bữa ăn hàng ngày của người miền Nam với đủ hình thức. Đầu tiên là kẹp chung với bánh mì thành món bánh mì xíu mại, có thể ăn chung với thịt, patê, sốt, đồ chua; hoặc đi vào dĩa cơm tấm mỗi sáng, “nằm chung” với miếng chả, miếng sườn, bì; thậm chí xíu mại còn được ăn chung với bánh tằm bì – đặc sản của Bạc Liêu hay bánh căn – đặc sản của Phan Rang. Mới thấy người miền Nam ta dễ thích ứng với những cái mới, cái hay của ẩm thực nước bạn, sẵn sàng tiếp thu, điều chỉnh cách thưởng thức sao cho phù hợp nhất với những cái mình sẵn có như bánh mì hay cơm tấm…
Một địa điểm lý tưởng để thưởng thức các món điểm tâm theo đúng khẩu vị người Hoa gốc Quảng. Cũng là một liên tưởng thú vị đến cách ăn sáng mà người Sài Gòn quen gọi là "điểm tâm" từ bao năm nay.
P.V
Điểm tâm 134
134 Ký Con, phường Nguyễn Thái Bình, quận 01
Mở cửa: 6h30 sáng đến 11h trưa
Giá: Xíu mại khô (30.000đ/phần, 4 viên), xíu mại nước (30.000đ/phần, 2 viên), bánh mì (3,000/ổ)
Bình luận (0)