Gánh cháo lòng 80 năm giữa lòng Sài Gòn
Gánh cháo lòng nằm ở 193 Cô Giang, quận 1 đã trải qua ba thế hệ chỉ bán duy nhất món cháo lòng kiểu miền Nam. Đôi quang gánh cũ có từ thời bà nội của chị Chín, thế hệ thứ ba bán cháo lòng vẫn ôm gọn nồi cháo nghi ngút khói như chứng tích lịch sử của một trong những gánh cháo lòng xưa nhất Sài Gòn. Hơn 80 năm trước, bà Nguyễn Thị Có gánh cháo lòng đi rong ruổi khắp đường Cô Giang, Cô Bắc, khu cầu Ông Lãnh (quận 1) để bán món ngon bình dân này. Kế nghiệp gánh cháo lòng là người con gái, bà Lê Thị Út, năm nay 75 tuổi, hàng ngày vẫn ra ngồi bán cháo cùng với cháu ruột của mình là chị Chín.
Ẩm thực
Bánh mì kebab mê hoặc người Sài Gòn
Làn sóng bánh mì kebab đến Hà Nội sớm hơn, với hai kiểu bánh mì dẹt nguyên bản của Thổ Nhĩ Kỳ và bánh mì ổ nóng giòn quen thuộc. Cách đây gần 10 năm Sài Gòn mới bắt đầu du nhập bánh mì kebab, và được đông đảo thực khách đón nhận bởi hương vị hấp dẫn của kiểu nướng thịt mới lạ này. Món bánh mì kẹp thịt kebab được được thừa nhận là phát minh của ông Kadir Nurman (Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 1972, với kiểu nướng thịt "doner kebab" - thịt được xiên khối quay trên máy nướng, chỉ khi nào khách đến mua nhân viên mới cắt thịt nhồi vào bánh. Và mãi đến năm 2011, Hiệp hội các nhà sản xuất Doner Thổ Nhĩ Kỳ mới công nhận phát minh độc đáo này của ông Kadir.
Ẩm thực
Hấp dẫn biến tấu bánh mì khô bò ở Sài Gòn
Gỏi khô bò vốn đã là món nức tiếng Sài Gòn, nhưng nghĩ ra cách ăn khô bò với bánh mì thì chắc chỉ có ở xe khô bò đằng lưng sau chợ Đa Kao (quận 01) này. Xe khô bò Phương Liên đã mở trước số nhà 12 đường Nguyễn Huy Tự, gần cầu Bùi Hữu Nghĩa (quận 01) hơn 12 năm nay. Chị Liên chia sẻ, gia đình chị là một trong những người đầu tiên “phát minh” ra món bánh mì kẹp khô bò lạ miệng này sau một thời gian dài bán món cháo lòng ở khu Đa Kao. Sau này, nhiều nơi khác cũng bắt chước kiểu bán này nhưng người ăn quen vẫn thích cất công tới đây vì đã quen vị sau nhiều năm dài.
Ẩm thực
2 kiểu ăn bánh mì xíu mại độc nhất Sài Gòn
Từ một món ăn trong thực đơn điểm tâm của cộng đồng người Hoa gốc Quảng, nay viên xíu mại đã trở nên quen thuộc hơn bao giờ hết khi kết hợp cùng ổ bánh mì Sài Gòn nóng giòn. Tuy nhiên 2 kiểu ăn bánh mì xíu mại dưới đây có thể xem là độc nhất Sài Gòn: 1. Bánh mì xíu mại khô trên đường Nguyễn Thị Minh Khai Ít ai nghĩ rằng, viên xíu mại khô khi kết hợp cùng bánh mì nóng giòn lại hài hòa đến như vậy. Ổ bánh mì này cũng rất đặc biệt khi hoàn toàn không có đồ chua hay dưa leo, mà chỉ bao gồm một lớp tương ớt cay nhẹ cùng hỗn hợp nước tương và giấm đỏ. Tưởng là khô khốc, vậy mà khi cắn vào viên xíu mại nóng hổi như tan ra và hòa quyện cùng lớp vỏ giòn của ổ bánh mì, cộng hưởng cùng vị chua ngọt của tương và giấm đỏ. Một sự kết hợp tưởng là "mạo hiểm" nhưng đã thành công giữa hai món ăn tưởng như không liên quan gì đến nhau. Mở bán từ 5h30 sáng hàng ngày, quầy bánh mì xíu mại này còn có nhiều món hấp dẫn khác để phục vụ cho bữa sáng như bánh bao, bánh xếp, bánh bao cadé... Địa chỉ: Đầu hẻm 358 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 05, quận 03 Mở cửa: từ 5h30 sáng đến 11h trưa Giá: Bánh mì xíu mại (17.000đ/ổ)
Ẩm thực
Trăm năm giò chả Minh Châu ở Sài Gòn
Muốn tìm phong vị xưa của bánh mì chả Hà Nội ở Sài Gòn, người sành ăn thường tìm đến cửa hàng giò chả Minh Châu trên đường Lý Tự Trọng (quận 01). Cô Hiệp, chủ tiệm Minh Châu mang theo nghề làm giò chả từ làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai, Hà Nội) vào Sài Gòn năm 1983. Ước tính nghề làm giò chả trong gia đình đã tồn tại cả trăm năm, vì ông bà nội cô đã mang nghề làm giò chả làng Ước Lễ lên Hà Nội từ những năm trước 1945. Cửa hàng giò chả của ông bà nội cô Hiệp ngày đó cũng tên là Minh Châu, nên khi chuyển vào Sài Gòn sinh sống cô Hiệp cũng lấy tên này cũng như giữ gìn cách làm giò chả theo đúng truyền thống gia đình. Ổ bánh mì ở đây rất đặc biệt vì không có bất kỳ một loại rau, hành hay đồ chua, mà chỉ có bánh mì với chả chiên, chả lụa (giò lụa), chả bò thì là, chả heo thì là. Tất nhiên nếu thích bạn có thể yêu cầu thêm chả quế. Thứ gia vị duy nhất trong ổ bánh là muối tiêu, không hề có nước tương. Tùy mỗi ổ bánh mì kẹp chả nhiều hay ít mà có giá bán từ 20.000đ - 30.000đ.
Ẩm thực
Sườn nướng khổng lồ Mỹ cuốn hút người Sài Gòn
Buổi chiều nếu có dịp đi ngang đại lộ Võ Văn Kiệt đoạn gần chân cầu Ông Lãnh (quận 01), bạn sẽ thấy một quán nướng kiểu Mỹ nghi ngút khói từ đằng xa. Các lò nướng lớn màu đen đặt trên vỉa hè trông thật lạ lẫm, vậy mà món sườn nướng khổng lồ ở đây đã tạo nên một "cơn sốt" đầy thú vị với giới trẻ Sài Gòn. Anh Tim Scott, chủ quán Ụt Ụt, cho biết mình cùng hai người bạn Mỹ nữa, trong đó có một đầu bếp Mỹ đã cùng nhau lập ra quán này nhằm hướng đến lượng khách Việt là chủ yếu. Là người đã sống ở Việt Nam hơn 13 năm nên Tim hiểu khá rõ về văn hóa Việt. Quán mới mở được chừng 5 tháng nay mà ngày nào cũng đông nghịt khách, thậm chí nhiều nhóm bạn phải đứng chờ khá lâu mới có chỗ nên Tim rất vui vì định hướng phong cách Việt kết hợp cùng món ăn đúng kiểu Mỹ đã thành công bước đầu. Theo Tim, việc giới thiệu món thịt nướng kiểu Mỹ đã nổi danh khắp toàn cầu cho người Việt không gặp phải quá nhiều khó khăn bởi đầu bếp Mỹ đã kết hợp những nét đặc sắc nhất của "barbecue" (BBQ) ở nhiều vùng nước Mỹ, hương vị phù hợp với người Việt nhưng vẫn giữ bản sắc BBQ Mỹ, giá phù hợp mà không “hy sinh chất lượng”.
Ẩm thực
Ăn hủ tiếu Nam Vang... cá độc nhất Sài Gòn
Hủ tiếu Nam Vang là một món ăn rất phổ biến tại Sài Gòn. Nhưng biến tấu ăn hủ tiếu Nam Vang với... cá thì chắc duy nhất chỉ có tại con hẻm 22 Tôn Thất Tùng (quận 01). Nếu bạn đến trong khung giờ từ 7h đến 9h sáng sẽ rất khó tìm được chỗ ngồi. Hầu hết mọi người đều gọi món hủ tiếu cá đặc biệt này mà ít ai gọi hủ tiếu tôm thịt như thường thấy quán hủ tiếu khác. Bạn nên gọi tô hủ tiếu khô ăn kèm với thịt bằm, tỏi phi và được rưới hắc xì dầu đúng kiểu Nam Vang. Cá sẽ được nấu trong nước hầm xương, vừa sôi là bắc ra liền và đổ vào chén riêng ăn kèm với hủ tiếu khô. Trông đơn giản như vậy nhưng ăn vào cũng có duyên thầm của nó, bởi bản thân món cá không hấp dẫn với số đông thích ăn thịt. Nhưng hóa ra hương vị lại hòa hợp đến diệu kỳ!
Ẩm thực
Nửa thế kỷ quán bún thịt nướng trong hẻm nhỏ Nguyễn Huệ
Gần 60 năm qua, có một quán bún thịt nướng chả giò vẫn bền bỉ tồn tại trong một lối đi nhỏ giữa khu vực sầm uất và sang trọng bậc nhất Sài Gòn. Quán không có biển hiệu, nằm sâu phía trong số nhà 88 đường Nguyễn Huệ (quận 01), lối vào phải đi ngang qua một phòng tranh. Đằng sau phòng tranh này chính là không gian ăn uống và bếp của quán, trông cũ kỹ và đơn sơ như bao căn nhà xưa cũ thường thấy ở khu trung tâm. Nếu bạn đi vào quán từ đường Đồng Khởi thì hãy thẳng tiến từ số nhà 151, đi vào hết đường sẽ gặp quán. Vì không có bảng hiệu, lại nằm khuất nẻo như vậy nên thực khách chủ yếu là người quen ăn đã vài chục năm nay. Chủ quán là bà Hoàng Thị Thêm, người gốc Hà Bắc (tên gọi trước đây khi hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang) di cư vào Sài Gòn và mở gánh bún chả lề đường Nguyễn Huệ từ những năm 1960s. Về sau này, bà Thêm đã uyển chuyển biến món bún chả này thành một kiểu ăn bún phổ biến ở miền Nam: bún thịt nướng chả giò.
Ẩm thực
Điểm danh 4 quán chay ngon ở Sài Gòn
Vừa cầu nguyện, vừa ăn chay để phát triển lòng từ tâm với muôn loài, bớt sát sinh là lối sống đẹp đang được nhân rộng ở Sài Gòn. Trong ngày rằm, người ta không chỉ ăn chay ở chùa mà còn ăn chay tại gia hoặc tại các quán chay đang mở ra ngày một nhiều. Cùng Sài Gòn Ẩm Thực điểm qua 4 quán chay ngon tại Sài Gòn nhé! 1.Tiệm chay bình dân Thiên Ý trong xóm Giá Tiệm nằm trong xóm Giá thuộc địa bàn quận 11, khu vực nổi tiếng với nhiều quán chay hình thành từ trước năm 1975. Trước đây người ta quen gọi tiệm Thiên Ý là "quán bà Năm", bởi bà là người đầu tiên mở quán chay trong xóm này, được đông đảo thực khách gần xa kéo đến thưởng thức. Bây giờ cháu bà Năm nối nghiệp và tiếp tục bán các món quen thuộc như Hủ tiếu, Mì xào, Bò kho chay, Bún riêu chay... với hương vị đậm đà khó quên.
Ẩm thực
70 năm hủ tiếu chùa Chà Thanh Xuân
Trong ký ức của nhiều thế hệ người Sài Gòn, quán hủ tiếu Thanh Xuân gần chùa Chà Và trên đường Tôn Thất Thiệp (Q1) là một trong những quán ăn ngon nức tiếng đất Sài thành. Anh Đỗ Xuân Thanh, 58 tuổi, chủ quán hủ tiếu chia sẻ: “Tên của quán là tên tôi đó, được viết ngược lại. Là con út nên má cưng nhất, lấy đặt làm tên quán luôn”. Quán hủ tiếu bên hông chùa Chà Và này đã có từ năm 1946, do ông ngoại anh Thanh chạy giặc từ Mỹ Tho lên Sài Gòn mở ra để kiếm sống. Chùa Chà Và là chùa của người Ấn Độ nên trước đây chỉ có người Ấn sống ở khu vực quanh chùa. Theo lời ông ngoại anh Thanh là ông Đỗ Văn Khuê, vốn là một nhà giáo, thì khi lên Sài Gòn ông Khuê được những người Ấn cho ở tạm trong một căn nhà nhỏ. Quán hủ tiếu Mỹ Tho ông mở ra được đặt ngay cổng ra vào mấy căn nhà phía trong của họ, tiện thể trông nhà giúp họ luôn.
Ẩm thực
Tìm ăn bún chả kẹp que tre ở Sài Gòn
Quán bún chả nằm trong con hẻm ăn uống 173 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 01, giáp với đường Lương Hữu Khánh) đã có thâm niên gần 20 năm. Quán được biết đến bởi sự pha trộn tài tình bún chả Hà Nội với bún thịt nướng Nam Bộ, tạo ra một hương vị khác lạ và độc đáo. Chủ quán bún chả này là người Hà Nội, từng làm cho đoàn cải lương Chuông Vàng nổi tiếng một thời khi di cư vào Sài Gòn, đã chọn cách “twist” (biến đổi) món bún chả Hà Nội theo một cách gần gũi hơn với người Sài Gòn. Món bún chả ở đây ăn kèm với mỡ hành và đậu phộng rang giã nhuyễn, rau sống ăn kèm là loại xà lách carol Đà Lạt (kiểu xà lách thường ăn kèm với bò bít tết), lại thêm cả rau dấp cá. Món chả giò thì được cuốn tròn đều, vỏ giòn tan và chủ yếu bên trong là thịt bằm nhỏ, ít rau hơn món nem thường thấy ở Hà Nội.
Ẩm thực
Bánh mì ngon và đông nhất Sài Gòn
Phải chờ khá lâu để có được một ổ bánh mì với giá 30.000đ, điều đó chắc chỉ có thể xảy ra ở xe bánh mì Huỳnh Hoa trên con đường nhỏ Lê Thị Riêng ở quận 01. Nghịch lý, nhưng cũng phần nào phản ảnh sức hấp dẫn của ổ bánh mì nức tiếng mà nhiều người quen gọi là "bánh mì ô môi" này. Cứ chiều đến, từ 3h trở đi, có một đoạn đường Lê Thị Riêng lúc nào cũng đông nghịt người, không kém giờ cao điểm tan học của một trường tiểu học gần đó là bao. Không chỉ người dân địa phương, mà ngay cả du khách các nước ở khu Tây ba lô Phạm Ngũ Lão - Bùi Viện gần đó cũng ghé mua thử do có rất nhiều trang mạng quốc tế giới thiệu về xe bánh mì này.
Ẩm thực
Đi ăn cháo lòng 'sang chảnh' ở Sài Gòn
Cháo lòng Sài Gòn phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm, cũng là món ăn chơi đường phố được yêu thích bậc nhất. Cháo lòng chưa bao giờ được đưa vào nhà hàng hay các quán ăn sang trọng, bởi nguyên liệu để nấu món cháo này đa phần rất rẻ tiền. Thế nhưng, đây lại là một trong những món ngon gây nhiều thương nhớ nhất một khi bạn phải rời xa Sài Gòn. Trước năm 1975, phổ biến hơn vẫn là món cháo huyết, cũng tương tự như cháo lòng ngày nay nhưng không bán kèm lòng mà chỉ có vài cục huyết lẫn với cháo. Chỉ giản dị vậy thôi mà người Sài Gòn xưa khi nhắc lại đều xuýt xoa. Người Bắc vào Sài Gòn, đương nhiên mang theo món cháo lòng kiểu Bắc, lâu ngày cũng pha trộn với cháo lòng miền Nam vốn không ăn kèm rau thơm - mà chỉ với giá. Bởi vậy, tô cháo lòng Sài Gòn hiện nay là sự hòa trộn kiểu Nam - Bắc mà ai cũng hài lòng.
Ẩm thực
Cũng bõ công chờ ăn mì Calmette
Nhiều người tự hỏi rằng, tại sao phải xếp hàng chờ ăn một tô mì giá bình dân nằm trên con đường Calmette ở khu trung tâm quận 01 sầm uất này? Nhưng cứ đến đi, rồi bạn sẽ hiểu lý do quán mì vỉa hè này luôn hút khách từ 5h sáng đến gần trưa. Quầy chế biến của quán mì không tên này chỉ vừa đủ chỗ cho hai người đứng, một người trụng mì và một người chan nước dùng mà thôi. Tuy chật chội và nóng nực, họ vẫn phải luôn tay vì khách đang ngồi đợi hoặc xếp hàng chờ đến lượt. Người kế nghiệp quán mì cho biết rằng cách đây hơn nửa thế kỷ, ông Ngọ, một người gốc Triều Châu đã mở tiệm nước Hưng Chánh ngay góc ngã tư Calmette - Nguyễn Thái Bình. Sau đó chủ nhà đòi mặt bằng lại nên quán dời về địa chỉ 108 Calmette ngày nay. Gốc gác là tiệm nước nên tiệm mì vỉa hè này bắt đầu bán từ 5h sáng, và đến tầm 10h là hết sạch mì. Một thực khách cũng chia sẻ, quán mì ở quận Nhất có nhiều, có quán ngon mà mắc, có quán rẻ mà dở; còn vừa ngon, vừa rẻ như vầy thì có lẽ chỉ có ở quán mì 108 Calmette này thôi.
Ẩm thực
Ốc bươu nhồi thịt ngon rẻ trên đường Nguyễn Văn Giai
Ốc bươu nhồi thịt là món ngon mang hương vị đặc trưng của miền Bắc, khi vào Nam đã có một vài thay đổi để phù hợp với khẩu vị người dân nơi đây. Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất là hương thơm của lá gừng đã được thay thế bằng sả. Vị cay nồng của gừng vì thế đã được thay thế bằng hương thơm nhẹ nhàng mà thoảng thoảng của sả. Ốc đồng Nam bộ có ba loại phổ biến là ốc lác, ốc đá và ốc bươu. Con ốc lác có vỏ dày, phần đuôi xoắn hơi dẹp; trong khi đó ốc bươu vỏ mỏng, phần đuôi xoắn nhọn và lớn hơn ốc lác. Ốc đá thì hiếm gặp hơn, có vỏ vàng, đít bằng, được xem là loại ốc ngon nhất. Với người dân Nam bộ, mùa mưa cũng là mùa hái rau, bắt ốc trên đồng đất quê nhà. Bởi mùa khô ốc thường vùi sâu vào đồng ruộng nứt nẻ. khi mưa xuống mới mò ra và sinh sôi nảy nở trên mương ruộng. Người dân quên bắt ốc theo nhiều cách khác nhau: khi thì chống xuồng theo các kênh mương nhỏ, thấy ốc thì xúc; hoặc phổ biến hơn hết vẫn là đi mò ốc, lội ngâm mình trong nước một lúc là kiếm được một ít ốc đồng cho bữa cơm chiều rồi.
Ẩm thực
Đi ăn chè 'siêu chảnh, siêu ngon' ở Sài Gòn
Nhà văn Vũ Bằng từng mô tả “vua phở 1952” - phở Tráng nức tiếng Hà Nội một thời cũng là một người bán “siêu chảnh”: “Người đâu mà lại “lỳ xì” đến thế là cùng! Hàng năm bảy chục người, hàng tám chín chục người đứng vòng lấy gánh hàng của anh ta, chật cả một cái hè đường để mua ăn, để “đòi ăn” - phải, họ đòi ăn thật - mà anh ta cứ làm như thể không trông thấy gì, không nghe thấy gì. Anh ta cứ thản nhiên, thái thịt, dốc nước mắm, rưới nước dùng - ai đợi lâu, mặc; ai phát bẳn lên; mặc; mà ai chửi, anh ta cũng mặc.” Ông chủ xe chè ở cuối đường Nguyễn Phi Khanh (đoạn gần với Trần Quang Khải - Nguyễn Hữu Cầu) cũng thuộc tuýp người như ông Tráng bán phở của nhà văn Vũ Bằng. Khách xếp hàng vây quanh nóng ruột chờ đợi, vậy mà ông cứ chậm rãi múc từng ly, cũng chẳng nói chẳng rằng, miệng hút thuốc, tay múc chè. Khó lòng mà hỏi tên ông, đã bán bao nhiêu năm, hay câu chuyện về nghề bán chè, vì mặt ông lúc nào cũng khó đăm đăm. Lúc cao hứng, ông cũng hé miệng, nhưng mà phán rằng: “Nhiều người cứ bảo chè tôi ngon, nhưng mà tôi chẳng thấy ngon, thật đấy”, khách quen nghe nói cười khì. Thôi, xin ngả mũ chào về lối chảnh của ông.
Ẩm thực
Phở ngon giữa lòng Sài Gòn
Danh phở Thái Sơn nằm trên con đường Lê Lai (quận 01) thấm thoát đã tròn 30 năm. Cô Hằng, chủ quán cho biết, cha mẹ cô là người Hà Nội, di cư vào Sài Gòn năm 1954. “Sinh ra ở Sài Gòn nên tôi nêm nếm phở phù hợp với khẩu vị của thực khách cả hai miền, phở của tôi không quá ngọt nhưng cũng ra hẳn kiểu phở Hà Nội”, cô Hằng chia sẻ. Nhờ vậy hương vị phở của quán này phù hợp với rất nhiều "gu phở". Năm 1984, khi quán vừa xuất hiện đã có ngay một lượng thực khách đông đảo. Nhiều người cũng thừa nhận, vào cuối thập niên 80, tại khu trung tâm Sài Gòn chỉ có phở Hòa Pasteur, phở Minh hẻm Casino và phở Thái Sơn là đông nhất. Thời đó, các tiệm phở ngon ở Sài Gòn chỉ đếm trên đầu ngón tay, và những quán được xem là đông khách thì tấp nập hơn bây giờ nhiều. Về sau này, có thêm nhiều thương hiệu khác ra đời như phở 2000, phở Hùng, phở 24 cùng rất nhiều quán phở lớn nhỏ đã chia bớt thị phần khách hàng.
Ẩm thực
'Huyền thoại' cà ri dê Bảy Hồng ở Sài Gòn
Ngày nay, tìm ăn món dê ở Sài Gòn không quá khó khăn vì hầu hết các quận đều có quán dê với đầy đủ các món đặc trưng như lẩu, cà ri, nướng hay hấp. Nhưng ít ai ngờ rằng, quán ăn của một "huyền thoại" chuyên trị các món dê lại nằm sâu trong một con hẻm chỉ 1 người qua lọt. Đó là quán dê của bếp trưởng Bảy Hồng lừng lẫy một thời nằm trong con hẻm chật chội 149F Trần Quang Khải ở quận 01. Ông Bảy Hồng giờ không còn nữa, chỉ có người con gái duy nhất kế nghiệp và vẫn bán ở ngôi nhà riêng của gia đình từ xưa tới giờ. Những tín đồ của thịt dê vẫn coi ông Bảy Hồng (tên thật là Đặng Văn Hồng) là “bậc thầy”, là “sư phụ” của nghệ thuật chế biến thịt dê ở Sài Gòn. Có thể nói quán dê Bảy Hồng thuộc hàng lâu đời và kinh nghiệm nhất nhì Sài Gòn.
Ẩm thực
Quầy xôi hơn nửa thế kỷ ở Sài Gòn
Để có món xôi bắp ngon vào buổi sáng, nhiều người thường tìm đến gánh xôi của bà Năm, 80 tuổi, đã hơn nửa thế kỷ ngồi trước cửa Bắc chợ Bến Thành (đường Lê Thánh Tôn, quận 01). Sáng nào bà Năm cũng đạp xe từ căn nhà nhỏ xíu ở quận 04 đến trước cửa Bắc chợ Bến Thành để bán xôi, bắt đầu từ tinh mơ - tầm 4h sáng đến khoảng 9h sáng là hết. Bà Năm cho biết, bà “đã bán xôi ở cửa chợ Bến Thành từ thời Bảo Đại” - khi đó cựu hoàng Bảo Đại là Quốc trưởng của Chính phủ Lâm thời của Quốc gia Việt Nam (thành lập năm 1949). Hơn nửa thế kỷ chỉ bán xôi và chè, bà Năm đã chứng kiến không biết bao thay đổi của chợ Bến Thành. Trước đây, bà bán nhiều hơn bây giờ vì còn trẻ khỏe.
Ẩm thực
5 kiểu ăn mì độc đáo ở Sài Gòn
Tuy cọng hủ tiếu được sản sinh ở những nước Đông Dương xưa (có thể từ thế kỷ 17 đến 18), thì sợi mì vẫn tồn tại song song trong đời sống ẩm thực của cộng đồng Hoa kiều. Và cụm từ "hủ tiếu mì" như một mặc định rằng những tiệm ăn của người Hoa luôn sẵn sàng phục vụ 2 món ăn đặc trưng này. Thiếu 1 trong 2, xem như là "trật bài". Những biến thể trong việc thưởng thức món mì cũng rất ư là thú vị. Cùng khám phá 5 cách ăn mì thú vị của Sài Gòn nhé! 1. Mì sườn kho Nguyễn Thiện Thuật Với món mì sườn kho độc đáo này, điểm nổi bật là phần nước dùng hơi sánh cùng những miếng sườn non được kho mềm và đậm đà. Với món này có lẽ bạn không cần phải nêm nếm gì nhiều bởi tự thân miếng sườn và nước dùng đã đủ độ đậm đà rồi. Một cách ăn khá thú vị, nếu không nói là hiếm thấy ở Sài Gòn. Địa chỉ: 80 Nguyễn Thiện Thuật, phường 03, quận 03 Mở cửa: từ 6h sáng đến 10h tối Giá bán: Mì sườn kho (35.000đ/tô)
Ẩm thực