Tuy cọng hủ tiếu được sản sinh ở những nước Đông Dương xưa (có thể từ thế kỷ 17 đến 18), thì sợi mì vẫn tồn tại song song trong đời sống ẩm thực của cộng đồng Hoa kiều. Và cụm từ "hủ tiếu mì" như một mặc định rằng những tiệm ăn của người Hoa luôn sẵn sàng phục vụ 2 món ăn đặc trưng này. Thiếu 1 trong 2, xem như là "trật bài".
>> 5 món bánh mì độc đáo của Sài Gòn
>> 5 món bánh cuốn hấp dẫn ở Sài Gòn
>> 8 món hủ tiếu hấp dẫn ở Sài Gòn
>> Tìm miếng sườn nướng ngon nhất Sài Gòn
Những biến thể trong việc thưởng thức món mì cũng rất ư là thú vị. Cùng khám phá 5 cách ăn mì thú vị của Sài Gòn nhé!
1. Mì sườn kho Nguyễn Thiện Thuật
Với món mì sườn kho độc đáo này, điểm nổi bật là phần nước dùng hơi sánh cùng những miếng sườn non được kho mềm và đậm đà. Với món này có lẽ bạn không cần phải nêm nếm gì nhiều bởi tự thân miếng sườn và nước dùng đã đủ độ đậm đà rồi. Một cách ăn khá thú vị, nếu không nói là hiếm thấy ở Sài Gòn.
Địa chỉ: 80 Nguyễn Thiện Thuật, phường 03, quận 03
Mở cửa: từ 6h sáng đến 10h tối
Giá bán: Mì sườn kho (35.000đ/tô)
2. Mì "cải chua" Minh Phụng
Tiệm mì nổi tiếng này nằm trên con đường Minh Phụng tận trong quận 11. Xa là vậy, nhưng có hề gì nếu ta được thưởng thức một tô mì ngon!
Tiệm đã có thâm niên hơn 50 năm, lúc trước bán ở đường Lacaze trong Chợ Lớn (đường Nguyễn Tri Phương ngày nay). Rồi hơn 20 năm nay mới chuyển về đầu con hẻm 311 Minh Phụng này, được người dân địa phương quen gọi là "mì cải chua" do cách ăn chung với tô cải chua dưa giá rất đặc biệt.
Dù được nấu bởi 1 gia đình người Hoa gốc Triều Châu, tuy nhiên hương vị đã có thay đổi đôi chút so với cách nấu thường thấy của cộng đồng người Tiều. Cọng mì Tiều chính hiệu vẫn được giữ nguyên, cọng tròn và nhỏ hơn so với cọng mì vàng Phúc Kiến. Còn hủ tiếu là loại cọng lớn tương tự như cọng phở, thường thấy trong món hủ tiếu sa tế.
Món thú vị nhất bạn có thể gọi là mì thập cẩm, khô hay nước đều rất ngon. Riêng với tô khô, phần nhân bao gồm tôm, mực, cá viên, thịt heo, phèo, gan, cật... được cho vào một cái chén riêng để giữ được độ nóng. Cái khác so với các tiệm mì Tiều mà tôi được ăn như Đỗ Khôn - Huy Đạt bên quận 08 hay tiệm Triều Châu cũng trong quận 11 chính là sự thiếu vắng của phần nhân thịt bằm. Ngoài ra, phần cải chua cũng được "cải biên", từ nồi nước lèo hầm cải chua để hãm béo trong cách ăn truyền thống của người Tiều thành cách ăn khô như kiểu ăn dưa giá thường thấy trong miền Nam.
Địa chỉ: 311/3 Minh Phụng, phường 02, quận 11
Mở cửa: từ 6h sáng đến 12h trưa
Giá bán: Mì, bún gạo, hủ tiếu thâp cẩm (45.000đ/tô), Cá viên (30.000đ/chén)
|
3. Mì cật Trương Định
Một tô mì ngon chỉ cần đánh giá hai thứ: sợi mì và nước lèo. Tô mì cật ở 62 Trương Định (quận 01) của người Hoa có được cả hai, sợi mì ở đây dai và là mì kiểu Phúc Kiến, sợi to hơn hẳn các tiệm mì khác. Nước lèo chỉ nếm miếng đầu tiên đã thấy gật gù, cũng thuộc loại ngon nhất Sài Gòn.
Tuy nhiên, độc đáo nhất là món cật được thái to bản và khi ăn không còn lại chút mùi hôi đặc trưng nào của món này. Làm món cật rất khó, còn dính chút mùi hôi là hỏng, bởi vậy, quán mì cật nơi đây là “quán ruột” của đấng mày râu vốn thích món cật heo đòi hỏi chế biến rất khéo này.
Địa chỉ: 62 Trương Định, phường Bến Nghé, quận 01
Mở cửa: sáng từ 6h đến 11h30 trưa, chiều từ 3h đến 9h tối - chiều Chủ nhật nghỉ.
Giá bán: Hủ tiếu mì cật (40.000đ/tô), mì thịt bằm (36.000đ/tô)
4. Mì sườn Lò Siêu
Có rất nhiều quán mì của người Hoa quanh khu vực đường Lò Siêu (quận 11), nhưng không hiểu sao quán hủ tíu mì số 105 lúc nào cũng tấp nập thực khách sẵn sàng chờ đợi hai ba chục phút cho một tô mì. Thực khách chờ trong im lặng, chỉ có tiếng nhắc món cho đầu bếp bằng tiếng Hoa lanh lảnh khắp quán. Nhiều người ăn xong, mồ hôi nhễ nhại, nhưng cũng chẳng "xi nhê" gì!
Người bạn gốc Hoa đi cùng tôi lý giải rằng: "Người Hoa có truyền thống buôn bán rất giỏi, những người thành công bao giờ cũng chọn một thế mạnh cho quán của mình. Mì sườn thì nhiều quán cũng có, nhưng ở đây người ta chặt miếng sườn dài hơn bình thường, không cắt nhỏ ra, cũng là một cách để tạo sự khác biệt".
Sườn được hầm nhừ tới mức đầu bếp chỉ gần dùng đũa là tách đôi được miếng sườn dài, nhưng cũng không quá nhừ để mất hết vị ngọt.
Quan sát kỹ miếng sườn ở đây, có thể dễ dàng nhận thấy đó là miếng sườn non ở chỗ ngon nhất với một tí sụn ở phía đầu. Miếng sườn được chọn từ những con heo nhỏ, mềm và ngon hơn loại heo lớn. Thịt gà cũng rất giòn và ngọt. Đặc biệt quán có một loại nước chấm gừng mà khi ăn với sườn heo hay thịt gà làm bật lên vị thơm của thịt.
Nước lèo ở đây có phần hơi lạt so với các quán khác, nếu người quen ăn đậm đà có thể thấy nhạt nhẽo. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể nêm nếm cho đậm đà hơn nhờ các loại gia vị ở trên bàn. Nếu muốn thêm vị chua, bạn có thể cho vào chút giấm đỏ (thay cho chanh theo cách ăn của người miền Nam), hoặc là nước tương cho đậm đà.
Địa chỉ: 105 Lò Siêu, phường 16, quận 11
Mở cửa: từ 6h sáng đến 11h30 trưa
Giá bán: Mì sườn (35.000đ/tô), Mì sườn gà (40.000đ/tô)
|
5. Mì vịt tiềm
Điều gì khiến cho món mì này đặc biệt như vậy?
Đầu tiên phải kể đến "bộ ba" bao gồm đu đủ bào, tương ngọt, và xốt mù tạt. Đu đủ bào dai dai rất hợp vị với món mì, miếng vịt tiềm bỏ ra dĩa riêng thì phải chấm phải tương ngọt và mù tạt. Mù tạt ở đây khác với loại wasabi (Hòa Tá Bì) thường thấy trong ẩm thực Nhật Bản, mà là đọc trại đi từ "mustard sauce", loại xốt phổ biến thường thấy trong các món Tây. Cách kết hợp độc đáo này có lẽ bắt nguồn từ người Hoa gốc Hải Nam vốn nấu đồ Tây theo kiểu Hoa rất khéo léo, cũng như kết hợp hài hòa cách nấu và gia vị của 2 trường phải ẩm thực này với nhau.
Mì vịt tiềm ở Sài Gòn chỉ có thể tìm thấy trong các tiệm mì của người Hoa. Tuy nhiên, nhiều chủ quán ở Sài Gòn lại quả quyết “ở bên Trung Hoa không có món này”.
Trong hồi ức của một người Sài Gòn thì "trước kia, vùng Chợ Lớn nổi tiếng hơn cả là đường Lacaze, mà người Việt hay gọi trại là La Cai, tức đường Nguyễn Tri Phương sau này". Khu La Cai có mì vịt tiềm hầm thuốc bắc, một trong những món "tủ" của người Hoa.
Gọi là mì vịt tiềm chứ quả thực vị của món này lại rất khác biệt so với các món tiềm hay hầm thuốc Bắc. Vịt được tẩm ướp theo bí quyết riêng rồi tiềm trong nồi nước lèo là xương hầm và các vị thuốc Bắc cho đến khi chín mềm. Khi bưng ra có mùi thơm đặc trưng, chỉ ngửi thôi đã thấy nôn nao rồi.
Lương Ký mì gia
Địa chỉ: 1 Huỳnh Mẫn Đạt, phường 19, quận Bình Thạnh
Mở cửa: từ 3h chiều đến 11h30 khuya
Giá bán: Mì vịt tiềm (76.000đ - 83.000đ/tô), mì khô thập cẩm với tôm (59.000đ/tô), bánh bao (15.000đ/cái)
Hải Ký mì gia
Địa chỉ: 349 - 351 Nguyễn Trãi, phường 07, quận 05
Mở cửa: 10h sáng đến 11h tối
Giá: Mì vịt tiềm (83.000đ/phần), các món khác từ 40.000đ trở lên
P.V
Bình luận (0)